Theo đó, Quốc hội đã thảo luận về 8 dự án luật gồm: Dự án Luật Nhà giáo; Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đồng thời, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng quốc gia như: Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn họp Tổ thảo luận
Tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong sáng 22/11, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Bí thư Huyện ủy Chợ Mới đề nghị xem xét lại quy định về đối tượng chịu thuế cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật. Về điều khoản thi hành cần xem xét quy định nội dung ngay tại các điều luật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị không nên thể hiện quy định “Trường hợp các sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và/hoặc văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các sản phẩm thuốc lá mới sẽ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt” trong dự thảo Luật, để thể hiện rõ quan điểm cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới… nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay, vì đây là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm và phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tán thành việc bổ sung đối tượng chịu thuế trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn bày tỏ quan điểm nhất trí cao với quy định áp dụng mức thuế suất tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia đang được đề xuất trong dự thảo Luật, bởi đây là các sản phẩm gây ảnh hưởng tiêu cực, độc hại đối với sức khỏe người dân.
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Huế – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đề nghị bổ sung các sản phẩm từ nhựa, túi ni lông, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… vào đối tượng chịu thuế nhằm thay đổi thói quen sử dụng các sảm phẩm này để đảm bảo bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung dịch vụ kinh doanh điện tử, pháo hoa và các mặt hàng xa xỉ như đá quý, trầm hương… vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để mở rộng cơ sở thu ngân sách nhà nước.
Đối với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cần làm rõ quy định đối tượng chịu thuế là “doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam” tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật mà không có cơ sở thường trú tại Việt Nam để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Luật và cơ sở nào để thu thuế đối với các doanh nghiệp này vì các doanh nghiệp này chỉ kinh doanh trên nền tảng số.
Chiều 22/11, thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng khi bổ sung nội dung “Bảo đảm cung cấp cơ sở thực tiễn trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” là một nguyên tắc mới của hoạt động giám sát vì nội dung này phản ánh mục đích chứ không phải là nguyên tắc của hoạt động giám sát.
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Thủy không tán thành việc luật hóa nội dung này (cả Phương án 1 và Phương án 2) vì đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đều có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ khi được giao.
Từ thực tiễn thi hành Luật tại địa phương, đại biểu Hà Sỹ Huân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị xem xét, sửa đổi Điều 52 Luật hiện hành về quy định Đoàn ĐBQH khi thành lập Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, ngoài một đại biểu là Trưởng đoàn giám sát phải có ít nhất ba đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát vì thực tế hiện nay, Đoàn ĐBQH các tỉnh chỉ có 1 – 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên ít có điều kiện để tham gia hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, việc đề xuất Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân hằng năm phải xuất phát từ những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh được đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri và Nhân dân quan tâm, do đó đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần quy định lại thời gian đề xuất chuyên đề giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh hằng năm phải phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sáng 23/11, thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Huân – Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tại khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định một trong những hành vi bị cấm là “đầu tư vốn không phù hợp với chiến lược, quy hoạch hoặc kế hoạch”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng, dự thảo chưa quy định rõ việc quyết định đầu tư vốn như thế nào là không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Dự thảo hiện quy định chung chung như vậy sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể hơn đối với nội dung này để có căn cứ thực hiện thống nhất.
Về nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp quy định tại khoản 6 Điều 8 dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho rằng, cùng với nội dung xây dựng, khai thác, quản lý hệ thống thông tin về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã quy định trong dự thảo thì đề nghị cần bổ sung nội dung xây dựng, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia để đảm bảo đầy đủ và thống nhất với quy định về quản lý nhà nước.
Đối với quy định về giải thể doanh nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quyết định của Tòa án để thống nhất với quy định về giải thể doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp.
Trong tuần, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cùng với các ĐBQH đã thảo luận và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trong tuần tiếp theo, từ ngày 25/11 đến 30/11, Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp để xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền và thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/hoat-dong-cua-doan-dbqh-trong-tuan-lam-viec-thu-na-194d.aspx