Thực tế, công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo quy định của pháp luật gồm người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú; đối tượng đang chờ thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật và một số đối tượng khác (gọi tắt là đối tượng ở địa bàn cơ sở). Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 30/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo quy định của pháp luật ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới, công tác quản lý giáo dục đối tượng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Học viên điều trị cai nghiện tập trung được tham gia các hoạt động học nghề tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh |
Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tập huấn nâng cao năng lực cho 829 thành viên Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện, cấp xã về công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện sau cai tại các huyện, thành phố; tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống mại dâm lồng ghép phòng, chống ma túy, mua bán người và việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động cho 1.256 người; tổ chức tuyên truyền cho 750 lượt học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy về các quy định của Luật Phòng, chống ma túy; các quy định về chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú… Hằng năm, Sở đều tổ chức “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”, đồng thời chỉ đạo Cơ sở Cai nghiện ma túy tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp; tổ chức 40 buổi tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống ma túy và các quy định pháp luật hiện hành về công tác phòng, chống ma túy; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước với công tác phòng, chống ma túy; chế độ, chính sách đối với học viên; điều trị nghiện ma túy, tác hại của ma túy đặc biệt là ma túy tổng hợp, các biện pháp phòng chống tái nghiện ma túy; gương người nghiện ma túy cai nghiện thành công trên địa bàn tỉnh cho 100% học viên tại cơ sở…
Song song với đó, công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở còn được lồng ghép vào các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, các buổi họp thôn, tổ, tiểu khu; phát động Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn toàn tỉnh. Lực lượng Công an toàn tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa bàn cơ sở lồng ghép vào các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung. Qua đó, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã nêu cao trách nhiệm trong công tác giúp đỡ, quản lý, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế việc kỳ thị, xa lánh đối với các đối tượng thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng; nâng cao ý thức phấn đấu, chấp hành pháp luật của các đối tượng, hạn chế tình trạng tái phạm tội.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Triệu Văn D, ở xã Đồng Phúc (Ba Bể) hiện đang điều trị bắt buộc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn cho biết, đã là lần thứ ba ông phải vào đây điều trị tập trung. Quá trình điều trị, được lãnh đạo và nhân viên của Cơ sở Cai nghiện ma túy phân tích, tuyên truyền nên bản thân ông rất rõ tác hại của ma túy. Vì thế, hết đợt điều trị, khi trở về địa phương, ông rất mong chính quyền địa phương và mọi người xung quanh tạo điều kiện, giúp đỡ về mọi mặt để cùng với nỗ lực của bản thân đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời.
“Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân người nghiện ma túy sau cai nghiện tập trung thì để giúp đỡ họ đoạn tuyệt với ma túy, yếu tố quan trọng là cần xóa bỏ kỳ thị, đồng thời các gia đình và chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện giúp những người này có việc làm, có thu nhập để trở thành người có ích cho xã hội” – Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Ma Đức Thủy chia sẻ.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý sau cai nghiện còn gặp hạn chế như một số người nghiện sau cai không hợp tác hoặc không muốn tham gia lao động, sản xuất để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Số lượng người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm tại các địa phương còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ tái nghiện sau cai trên địa bàn tỉnh còn cao.
Để tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa bàn cơ sở, tỉnh xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU và quy định của pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tạo chuyển biến về nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng xã hội về công tác quản lý, giáo dục đối tượng, từ đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với các đối tượng. Tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở. Chú trọng huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nguồn lực xã hội hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm giúp đối tượng ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng./.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/tang-cuong-quan-ly-giao-duc-doi-tuong-o-dia-ban-co-so-5f6b.aspx