Thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh, hầu hết các dự án được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và việc triển khai, thực hiện nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có dự án vẫn vướng mặt bằng do người dân còn kiến nghị về chính sách bồi thường, tái định cư.
Xác định tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ngày 07 tháng 6 năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực.
Toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 331 dự án, với tổng diện tích thu hồi, giao đất, cho thuê đất trên 1.643ha. Hiện nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 296 dự án, diện tích trên 963ha; đang thực hiện 35 dự án, diện tích trên 679ha. Thực hiện 9 công trình, dự án khu tái định cư (tổng diện tích đất 9,3ha) để bố trí tái định cư cho người dân có đất ở bị thu hồi đảm bảo nơi ở, ổn định đời sống và yên tâm sản xuất; đã giao 2.620 thửa đất tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân là (chủ yếu thuộc địa bàn thành phố Bắc Kạn).
Cùng với đó các hộ gia đình có đất ở bị thu hồi đề nghị được bồi thường bằng tiền để tự tái định cư. Do đó, đối với các dự án không xây dựng khu tái định cư, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc chi trả bồi thường theo nguyện vọng của Nhân dân.
Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch, ban hành quyết định cưỡng chế; tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, thuyết phục vận động người có đất bị thu hồi đã chấp hành và bàn giao mặt bằng theo phương án được duyệt.
Công tác thu hồi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án được thực hiện theo đúng trình tự quy định của Luật Đất đai, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đều được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh. Các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đất đai, của tỉnh và các văn bản liên quan.
Tuy nhiên hạn chế được chỉ ra đó là một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư theo thẩm quyền, nhất là đối với những dự án ngoài ngân sách. Quỹ đất của địa phương còn hạn hẹp, chưa đảm bảo cho việc bố trí tái định cư. Kinh phí tạo quỹ đất “sạch” theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bố trí tái định cư hoặc giao cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án còn khó khăn. Còn tình trạng một số người dân có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi “đón đền bù”; chưa xử lý triệt để đối với cá nhân tự ý san gạt mặt bằng làm khu dân cư tự phát, vi phạm tái lấn chiếm đất của dự án sau triển khai.
Một trong những biện pháp nhằm tháo gỡ điểm “nghẽn” cho công tác giải phóng mặt bằng đó là tăng cường đối thoại trực tiếp đối với người dân bị ảnh hưởng. Ngày 24/7 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên đã trực tiếp đối thoại với các hộ dân thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới về những vướng mắc trong GPMB thực hiện Dự án tuyến đường nội thị. Dự án có tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ lần 1 là hơn 22 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 135 hộ/153 hộ, hiện còn 18 hộ chưa nhận tiền. Vướng chưa bàn giao được hết mặt bằng nên đến nay sau hơn 1 năm thi công, Dự án mới chỉ đạt 30% khối lượng, trong khi thời hạn hoàn thành còn lại rất ngắn.
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành đã trực tiếp trao đổi, trả lời kiến nghị của người dân. Đối với những nội dung kiến nghị chưa rõ căn cứ, cơ sở để giải quyết, UBND tỉnh và các sở, ngành sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra phương án tháo gỡ sớm nhất, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện./.
Nguồn: https://baobackan.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giai-phong-mat-bang-post65004.html