Đã 73 năm đã trôi qua, trận công đồn Phủ Thông vẫn là dấu ấn không thể mờ phai trong trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đồn Phủ Thông
Đồn Phủ Thông thuộc địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, gần Quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng và đường tỉnh lộ 258 từ Phủ Thông đi Chợ Rã, huyện Ba Bể.
Để bám giữ thị xã Bắc Kạn, thực dân Pháp xây dựng Đồn Phủ Thông thành cứ điểm vững chắc nhằm cố thủ, kiểm soát đường số 3. Toàn bộ khu vực này là núi đất có độ cao từ 300m đến 400m. Đồn Phủ Thông có hình chữ nhật dài 100m, rộng 50m, tường bao quanh được làm bằng đất nện dày 1m, cao 2m. Ngoài tường còn có 3 lớp rào tre, nứa, mỗi lớp cách nhau 3 đến m, riêng phía Nam có 1 hàng rào dây thép gai. Đồn Phủ Thông do 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội trợ chiến đồn trú với quân số khoảng 150 tên thuộc Trung đoàn 3 Lê dương Pháp được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài. Hằng ngày, địch tổ chức tuần tra rất nghiêm ngặt, mỗi ngày luôn có 2 – 3 tổ tuần tra dọc đường số 3 và đường đi Chợ Rã. Ban đêm, chúng tổ chức canh gác ở 4 lô cốt, cổng ra vào có trạm gác và đài quan sát… Với điều kiện và tình hình lúc bấy giờ, Đồn Phủ Thông là một cứ điểm mạnh của địch, có lực lượng tinh nhuệ, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố.
Tháng 7/1948, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch đường số 3 nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực lớn của địch. Tiểu đoàn 11 vinh dự nhận nhiệm vụ đánh Đồn Phủ Thông. Vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 25/7/1948, quân ta tấn công đồn, địch bị bất ngờ, hoang mang, không kịp đối phó. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, các đơn vị xung kích được sự yểm trợ của pháo binh, trợ chiến đã dũng cảm vượt qua công sự, vật cản kiên cố, hỏa lực mạnh đè bẹp sự kháng cự quyết liệt của lính Lê dương tinh nhuệ, tiêu diệt đại bộ phận quân địch… Trận đánh Đồn Phủ Thông tuy bộ đội ta gặp phải những tổn thất nhất định, nhưng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch, buộc quân xâm lược Pháp phải rút chạy khỏi Bắc Kạn.
Trận đánh là bước phát triển mới về chiến thuật quân sự, là trận cường tập tiêu diệt cứ điểm đầu tiên của quân đội ta. Trong thư gửi Tiểu đoàn nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Phủ Thông, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “… chiến thắng Phủ Thông đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm, có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên đường đánh công kiên, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ…”. Với ý nghĩa đó, trận đánh Đồn Phủ Thông đã được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”.
Ngày 27/3/1998, Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 01/6/1999, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân thị trấn Phủ Thông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trải qua 73 năm, trận công Đồn Phủ Thông vẫn còn vang mãi, đi vào lịch sử như một niềm tự hào của của dân tộc, quê hương. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng./.