BẮC GIANG – Thực hiện Đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra với mục tiêu chung là cung ứng đủ giống cây có chất lượng phục vụ nhu cầu trồng rừng trong và ngoài tỉnh.
Hình thành vùng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao
Xác định chất lượng cây giống có vai trò quyết định năng suất, hiệu quả kinh tế rừng trồng, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm công tác này. Toàn tỉnh hiện có 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang; trong đó riêng huyện Yên Thế có 70 cơ sở. Bên cạnh đó, huyện Yên Thế hiện có 11 nguồn giống cây lâm nghiệp các loại (chiếm 52,3% của cả tỉnh); bao gồm 10 vườn cây đầu dòng keo lai diện tích 2,11 ha với 29.640 cây (gồm dòng BV10, BV16, BV32, AH1) và 4 cây trội loài lim xanh được lựa chọn từ rừng tự nhiên tại bản Rừng Phe (nay là bản Quỳnh Lâu), xã Tam Tiến.
Một vườn ươm trên địa bàn thị trấn Bố Hạ. |
Gia đình ông Trần Văn Dũng ở tổ dân phố Gia Lâm, thị trấn Bố Hạ cho biết: ‘‘Mỗi năm gia đình tôi sản xuất khoảng 1 triệu cây giống lâm nghiệp với các dòng bạch đàn cự vĩ DH 32-29; keo BV10, BV16, BV32, BV32, AH1 cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có những giống cây tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, từ năm 2020 chúng tôi ứng dụng công nghệ ươm giống bằng hình thức cấy mô thay thế cho phương thức giâm hom truyền thống trước đây. Dự kiến năm tới, gia đình sẽ nâng công suất vườn ươm lên 1,5 triệu cây/năm”.
Trung bình mỗi năm huyện Yên Thế sản xuất được khoảng 20 triệu cây giống lâm nghiệp phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh ngoài. Trong đó, tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 65%, các tỉnh ngoài chiếm khoảng 35%. Đặc biệt, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại MTV cây giống Hưng Nhung, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Toản Nam… còn cung cấp cây giống cho một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Theo khảo sát của ngành chuyên môn, hiện nay cây giống lâm nghiệp chỉ đáp ứng được 70% thị trường trong và ngoài tỉnh, riêng đối với cây được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang tập trung triển khai thực hiện trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán theo một số đề án, dự án như: Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng; Dự án bảo vệ và phát triển rừng; Đề án “Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực hồ Cấm Sơn”. Ngoài ra, mỗi năm diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn toàn tỉnh từ 7 – 9 nghìn ha.
Chuẩn hóa nguồn cây giống
Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, hằng năm, nhu cầu giống cây lâm nghiệp trong tỉnh rất lớn, cụ thể: Trồng rừng sản xuất cần khoảng 16-18 triệu cây giống các loại; trồng rừng phòng hộ khoảng 18 triệu cây; trồng cây phân tán theo Chương trình 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ khoảng 6,5 triệu cây. Ngoài ra, còn đáp ứng nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng của các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các địa phương đang tập trung hoàn thành Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” và Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Đề án “Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang”, tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới một trung tâm sản xuất giống cây chất lượng cao (trung tâm nuôi cấy mô) tại huyện Yên Thế. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được 4 hợp tác xã sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây và nâng công suất sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của huyện Yên Thế lên 30 triệu cây vào năm 2030. |
Mặc dù nhu cầu lớn nhưng năng lực của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế, cơ bản vẫn là thủ công, tự phát. Nhiều đơn vị chưa bảo đảm về cơ sở vật chất; năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu giống mới, được sản xuất bằng công nghệ cao (nuôi cấy mô) đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải có năng lực trình độ cao, đào tạo bài bản.
Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Theo số liệu thống kê của Cục Lâm nghiệp, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đều chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, số lượng cây giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô chỉ chiếm khoảng 20-25%. Trong khi đó, nhu cầu và xu hướng trồng cây giống được sản xuất bằng phương pháp này ngày một tăng. Đây là lý do tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu xây dựng huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh và cung cấp cho các tỉnh phía Bắc”.
Theo Đề án được phê duyệt, tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới một trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao (trung tâm nuôi cấy mô) tại Yên Thế. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng được 4 hợp tác xã sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây hiện có và nâng công suất sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của huyện Yên Thế lên 30 triệu cây vào năm 2030; trong đó tỷ lệ cây được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô đạt 80%.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn, bảo đảm 100% các cơ sở có đủ nhân lực, vật lực và 100% số lượng cây giống có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ quản lý cấp cơ sở, người dân về các quy định của pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.
Tích cực hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng để người dân áp dụng, cũng như xây dựng các quy trình gieo ươm, trồng rừng phù hợp. Qua đó góp phần thực hiện thành công việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản và thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Để các công ty lâm nghiệp hoạt động hiệu quả
(BGĐT) – Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp, đến nay tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi xong đối với hai công ty lâm nghiệp tại Yên Thế và Lục Ngạn. Tuy nhiên, do còn những vướng mắc nên việc chuyển đổi tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn (gọi tắt là công ty lâm nghiệp) chưa thể hoàn thành.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, rừng sản xuất, Xây dựng, Yên Thế, rừng phòng hộ đầu nguồn, quy trình gieo ươm, trồng rừng, trung tâm sản xuất, giống cây lâm nghiệp