BẮC GIANG – Xây dựng trường
học hạnh phúc là việc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú
trọng dạy “Người” cùng dạy “Chữ”. Để kiến tạo trường học hạnh phúc, cần phải có
sự chung tay và tất cả sẵn sàng để thay đổi; mỗi thầy, cô phải là người truyền
cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc.
Một ngôi trường hạnh phúc trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận. Ở đó học sinh, cán bộ, nhà giáo, người lao động thực sự có giá trị và được yêu thương, tôn trọng, được an toàn và thấu hiểu; phát triển nhà trường thành trung tâm văn hóa, thân thiện, văn minh, cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Trường Mầm non Hương Vĩ (Yên Thế) luôn tiên phong xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc”, “Trường mầm non xanh, an toàn, thân thiện” do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động. |
Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần có một quá trình. Đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau; phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc… trong nhà trường, làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia. Để xây dựng trường học hạnh phúc, Bắc Giang xác định tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Xây dựng môi trường trong các nhà trường (trường có cơ sở vật chất, trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn; quy tắc ứng xử trường học; bảo đảm sức khoẻ thể chất, tinh thần; tôn trọng sự khác biệt; thân thiện; cơ hội để phát triển). Cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện tối thiểu, đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng hiệu quả các biện pháp giáo dục tích cực, nhân văn nhằm phát huy sự sáng tạo, say mê học tập, rèn luyện của học sinh. Nhà trường không xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường. Tập thể nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh chung sức thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, tiến bộ.
Nhà trường có bầu không khí phấn khởi, vui vẻ, hài lòng; mọi thành viên đều được yêu thương, tôn trọng và được đối xử công bằng. Học sinh được quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Nhà trường tạo cơ hội để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh đều được phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân; mọi thành viên luôn được quan tâm, động viên, giúp đỡ để cùng nhau thay đổi và tiến bộ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm kỷ cương, nền nếp trong nhà trường.
Thực hiện tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục (tích cực học tập nâng cao năng lực chuyên môn; học tập, kiểm tra, đánh giá phù hợp; lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại tích cực; chuyển đổi số giáo dục..).
Thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công bằng, dân chủ, hợp lý, phù hợp với năng lực, điều kiện của từng cá nhân. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tích cực học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên rèn luyện đạo đức tác phong và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ.
Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động xã hội, từ thiện, hoạt động vui chơi, văn hóa, thể thao lành mạnh, an toàn. Học sinh được chủ động thể hiện năng khiếu, ước mơ, ý tưởng, có sự hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau, không ngừng tiến bộ trong học tập, rèn luyện theo mục tiêu giáo dục.
Thực hiện các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (giáo viên làm gương cho học sinh; giáo viên và học sinh hợp tác chia sẻ, phối hợp hiệu quả với cha mẹ…).
“Năm học 2023-2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” tới 100% các nhà trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh”. |
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh có các mối quan hệ tích cực, thân thiện. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; có cảm xúc tích cực trong đối thoại, tương tác, giao tiếp và làm việc với học sinh, đồng nghiệp. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được giúp đỡ, chia sẻ khi có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng trong xử lý công việc với đồng nghiệp và học sinh.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phối hợp và hợp tác hiệu quả với cha mẹ học sinh, cộng đồng và các lực lượng có liên quan trong công tác giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường hạnh phúc.
Muốn có trường học hạnh phúc, phải có người thầy chuẩn mực
Để có trường học hạnh phúc, trước hết phải thực hiện thật tốt việc dạy và học chuyên môn, thầy phải dạy tốt, trò phải học tốt. Việc tạo ra sự chủ động của học sinh, học sinh có thích thú hay không, hào hứng với bài giảng hay không – đó mới là điều quan trọng. Xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, cốt lõi vẫn là thực hiện tốt chuyên môn khiến cho học sinh học tập một cách chủ động, tích cực. Xây dựng trường học hạnh phúc là hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn và tôn trọng; ở đó cần chú trọng dạy làm “Người” cùng dạy “Chữ”.
Văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy, coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo. Cho nên muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh.
Vai trò của Hiệu trưởng nhà trường
Mỗi nhà trường là một xã hội thu nhỏ. Do vậy, mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc – nơi mà ở đó giáo viên và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau, nơi mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc – càng cần được chú trọng xây dựng và vun đắp. Chất lượng hoạt động giáo dục trong nhà trường phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm quản lý của người Hiệu trưởng, vì họ là người đại diện chức trách hành chính nhà trường, người tổ chức phát triển nhà trường như một cộng đồng giáo dục, người nòng cốt điều khiển quá trình đào tạo của nhà trường, người khích lệ mọi sự canh tân của tập thể sư phạm… Có thể nói, hiệu trưởng chính là người trực tiếp gieo hạt mầm phát triển và hạnh phúc vào ngôi trường của mình; là người đầu tiên hiểu và thực hành, dẫn dắt đội ngũ của nhà trường đạt mục tiêu giáo dục và xây dựng văn hóa nhà trường…,nghĩa là mọi thay đổi cần bắt đầu từ chính người Hiệu trưởng.
Hiệu trưởng cần có năng lực thấu hiểu, khả năng kiểm soát, khả năng thấu cảm và lan tỏa tới thầy cô giáo của mình. Hiệu trưởng là người chịu gánh vác trách nhiệm trong những lúc khó khăn nhất thì cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường sẽ có động lực để làm việc hết mình vì nhà trường.
“Trường học hạnh phúc” phải có thầy cô hạnh phúc
Để kiến tạo nên trường học hạnh phúc, một trong các yếu tố then chốt chính là đội ngũ giáo viên. Thầy cô hạnh phúc mới lan tỏa được tới học sinh và ngược lại. Hạnh phúc của nhà giáo là sự trân trọng, tình cảm yêu quý mà học sinh dành cho. Đó cũng là sự tin tưởng, cảm giác gần gũi thân thiết mà phụ huynh dành cho thầy cô. Trong môi trường làm việc mà đồng nghiệp thân thiện, sẵn sàng chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như những khó khăn, tâm tư cảm xúc trong cuộc sống, giáo viên sẽ hạnh phúc, thêm tự tin để cống hiến. Người thầy sẽ hạnh phúc khi được xã hội, mà cụ thể là phụ huynh ghi nhận, thấu hiểu được những vất vả cũng như những gì họ đã làm được cho học sinh, cho xã hội.
Thay đổi vì một trường học hạnh phúc
Xây dựng trường học hạnh phúc là ước mơ, là khát khao của tất cả mọi người; là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi Thầy, cô thay đổi – Học sinh thay đổi – Phụ huynh thay đổi – Xã hội thay đổi – Cùng nhau thay đổi vì Trường học hạnh phúc. Điều cốt lõi là tạo ra những mối quan hệ tích cực dựa trên niềm tin, sự tôn trọng, tình bạn, tình yêu, lòng biết ơn, lòng tốt. Chúng ta thực sự cần phát triển mối quan hệ tích cực giữa người với người ở mọi cấp độ, giữa học sinh với học sinh, với giáo viên, với phụ huynh; giữa giáo viên và phụ huynh. Một trường học chỉ hạnh phúc khi tất cả các thành viên trong môi trường ấy được thực sự vui vẻ, hạnh phúc.
NGƯT Lưu Hải An (Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang)
Triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”
BẮC GIANG – Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” năm học 2023-2024 nhằm nhân rộng những mô hình trường học tiêu biểu, điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
Hân hoan Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
BẮC GIANG – Từ sáng sớm mùng 5/9, các ngả đường từ miền xuôi đến vùng núi rộn ràng cờ hoa trong Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Cùng với hàng triệu học sinh cả nước, hơn 500 nghìn học sinh của 760 trường học trên toàn tỉnh hân hoan dự lễ khai giảng năm học 2023-2024.
Tỉnh Bắc Giang, ngành giáo dục, xây dựng, trường học hạnh phúc, hình thành, giá trị cốt lõi, yêu thương, an toàn, tôn trọng, thấu hiểu