BẮC GIANG – Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, vận động xã hội hóa xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG). Đây là tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường, lớp khang trang
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường CQG mức độ 1 đạt 96,4%; mức độ 2 là 21,4%. Đến nay, tỷ lệ trường CQG mức độ 1 toàn tỉnh đạt hơn 94,9%; mức độ 2 là 24,36%. Nhờ tập trung cao xây dựng các tiêu chí trường chuẩn nên nhiều công trình lớp học, trang thiết bị được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng việc tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô và trò Trường THCS Tăng Tiến (Việt Yên) trong giờ học. |
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh huy động hơn 3.278 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa xây mới gần 4,1 nghìn phòng học, phòng chức năng cho các cấp học. Bởi vậy, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tăng mạnh, đạt 96%, cao hơn bình quân chung cả nước 13,8%. Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền xác định xây dựng trường CQG là một trong những nhiệm vụ phát triển KT-XH trọng tâm của năm.
Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp, dân số cơ học tăng nhanh, UBND huyện đề ra lộ trình thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt CQG. Theo đó, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, toàn huyện bố trí mở rộng hơn 155 nghìn m2 đất tạo không gian, cảnh quan cho các trường có khuôn viên chật hẹp; xây mới và sửa chữa 1.248 phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng với tổng kinh phí hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, tỷ lệ trường CQG mức độ 1 toàn tỉnh đạt hơn 94,9%; mức độ 2 là 24,36%. |
Trường Tiểu học thị trấn Nếnh có 32 lớp với gần 1 nghìn học sinh, nằm giữa khu vực đông dân cư với diện tích hẹp. Do số lượng học sinh tăng mỗi năm, mới đây, trường mở rộng khuôn viên, xây thêm 23 phòng học, phòng chức năng. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, bằng nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa, một số trường như: THCS Hồng Thái, Mầm non Quảng Minh trước đây vốn chật chội nay được xây dựng rộng rãi, khang trang.
Không chỉ ở vùng xuôi, huyện vùng cao Sơn Động cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn. Ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết: “Thời điểm này, toàn huyện có 95% trường đạt CQG mức độ 1 và 13,6% trường đạt chuẩn mức độ 2.
Một số trường đã hoàn thiện tiêu chí mức độ 2 đang chờ thẩm định. Huyện Sơn Động hiện có 100% phòng học bậc THCS đã kiên cố, tất cả các bậc học không còn phòng học tạm”. Trên địa bàn huyện chỉ còn 3 trường chưa đạt chuẩn là: Mầm non thị trấn Tây Yên Tử, THCS An Lập, Tiểu học và THCS Phúc Sơn 2.
Ở huyện Yên Thế, Trường THCS Đồng Hưu là cơ sở giáo dục cuối cùng của huyện được công nhận CQG mức độ 1, nâng tỷ lệ trường CQG toàn huyện đạt 100%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra trước 2 năm.
Gỡ vướng trong xây dựng trường chuẩn
Theo đánh giá của ngành Giáo dục, mặc dù tỷ lệ đạt cao nhưng công tác xây dựng trường chuẩn còn đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, toàn tỉnh còn 47 trường chưa được công nhận CQG mức độ 1 ở cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, số trường THPT đạt CQG chưa cao, mới có 35/48 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 2/48 trường đạt chuẩn mức độ 2. Theo quy định, các trường sẽ được thẩm định công nhận lại mức chuẩn 5 năm/lần. Nên không chỉ phấn đấu đạt chuẩn, các trường còn phải thường xuyên nỗ lực giữ vững các tiêu chí để được xét công nhận lại.
Nguyên nhân chưa được công nhận đạt chuẩn là do nhiều trường chưa đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất. Khuôn viên trường chật hẹp, diện tích phòng học chưa bảo đảm, thiếu phòng chức năng. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh sáp nhập một số trường, quy mô học sinh tiểu học, THCS gia tăng dẫn đến tăng quy mô số lớp/trường học khiến các địa phương chưa đủ nguồn lực bố trí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phù hợp. Phần lớn các trường ở khu vực thành thị đều vượt quá sĩ số học sinh/lớp theo quy định (mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp, cấp THCS và THPT không vượt quá 45 học sinh/lớp).
Như Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) có hơn 2,1 nghìn học sinh với 48 lớp; Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) có gần 1,9 nghìn học sinh với 42 lớp. Hay như tại huyện Việt Yên, số học sinh tăng nhanh, đặc biệt ở những nơi có đông công nhân. 5 năm gần đây, mỗi năm học trên địa bàn huyện tăng hơn 40 lớp, chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học. Trong khi đó, toàn tỉnh đang thiếu giáo viên mầm non, tiểu học. Việc liên tục gia tăng sĩ số học sinh khiến cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên không đáp ứng kịp làm ảnh hướng tới lộ trình công nhận lại mức chuẩn.
Trước khó khăn trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng trường học đạt CQG giai đoạn 2021-2025; xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở phương án phát triển GD&ĐT tỉnh Bắc Giang trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030. Quá trình thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục, ưu tiên mở rộng đất cho những trường đông học sinh, thiếu diện tích; đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng theo tiêu chuẩn mới.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường học đạt CQG, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, các địa phương, trường học cần rà soát, vướng khâu nào tập trung tháo gỡ khâu đó. Quy định công nhận trường CQG có nhiều điểm mới, tiêu chí để đạt chuẩn sau này cao hơn so với quy định cũ.
Vì vậy, Sở chỉ đạo các trường bám sát văn bản, thông tư hướng dẫn để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương bố trí mặt bằng, nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. UBND các huyện yêu cầu các xã cam kết hoàn thành tiến độ, không để nợ tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất trường chuẩn.
Đối với các trường chưa đủ điều kiện, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm dành kinh phí tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng hiệu quả hoạt động dạy và học. Để bổ sung đội ngũ giáo viên, đầu năm 2023, Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đợt tuyển dụng 91/98 chỉ tiêu giáo viên văn hóa tiểu học.
Tỉnh cũng mở rộng đối tượng xét tuyển đối với các thí sinh tỉnh ngoài (yêu cầu cam kết 3 năm công tác tại tỉnh Bắc Giang sau khi trúng tuyển). Khuyến khích các địa phương ký hợp đồng với giáo viên nghỉ hưu có sức khỏe tốt, giáo viên trẻ mới ra trường chưa được tuyển dụng có chuyên ngành đào tạo phù hợp.
Bài, ảnh: Minh Thu
Sơn Động: Hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng tỷ lệ trường chuẩn
(BGĐT) – Để nâng cao chất lượng giáo dục, tháng 4/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Động (Bắc Giang) ban hành Chỉ thị số 07-CT/HU về lãnh đạo công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Sau hơn một năm triển khai, cơ sở vật chất của các nhà trường từng bước được hoàn thiện, tỷ lệ trường đạt chuẩn cũng tăng lên.
Lục Nam: Tập trung các nguồn lực xây dựng trường học
BẮC GIANG – Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm gần đây, huyện Lục Nam đã tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học. Nhờ vậy, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS của huyện hiện đạt 94,1%.
Xây dựng trường học hạnh phúc – hướng tới các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn, thấu hiểu
BẮC GIANG – Xây dựng trường
học hạnh phúc là việc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú
trọng dạy “Người” cùng dạy “Chữ”. Để kiến tạo trường học hạnh phúc, cần phải có
sự chung tay và tất cả sẵn sàng để thay đổi; mỗi thầy, cô phải là người truyền
cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc.
Triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”
BẮC GIANG – Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” năm học 2023-2024 nhằm nhân rộng những mô hình trường học tiêu biểu, điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
tin tức bắc giang, bắc giang, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng trường chuẩn quốc gia, huyện vùng cao Sơn Động, nguồn ngân sách, xã hội hóa, Bám sát hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn