BẮC GIANG – Những năm gần đây, Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) trong, ngoài nước tìm đến đầu tư. Điều này đặt ra vấn đề cần nâng cao khả năng xử lý, giải quyết những công việc của người dân, DN một cách nhanh chóng. Từ thực tế trên đã thôi thúc tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện” nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân, DN khi đến các cơ quan nhà nước.
Lựa chọn hợp lý
Còn nhớ, trước năm 2021, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã rất quan tâm chỉ đạo, thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm thúc đẩy KT- XH của địa phương ngày càng phát triển, tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, bắt kịp với nhu cầu, xu hướng chung của tình hình trong nước và quốc tế. Một trong những biện pháp chính là triển khai mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở UBND cấp huyện, xã và một số sở, ngành của tỉnh.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Trần Phú (TP Bắc Giang) được bố trí đầy đủ bàn ghế, chậu hoa trong khuôn viên, tạo không gian thân thiện, gần gũi với người dân. |
Có thể nói, mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông” đã có tác động mạnh mẽ trong công tác cải cách TTHC; giúp người dân, DN không còn phải chạy hết “cửa” nọ đến “cửa” kia như trước mà chỉ cần nộp hồ sơ ở bộ phận “một cửa” rồi nhận phiếu hẹn đến ngày trả kết quả.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, bênh cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục, giải quyết. Trước hết, điều kiện làm việc, trang thiết bị ở nhiều bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” cấp huyện, xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc bố trí cán bộ tại bộ phận này có nơi chưa được quan tâm, trình độ chuyên môn hạn chế, dẫn đến xử lý, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân có lúc còn bị chậm muộn, để người dân, DN đi lại nhiều lần.
Cá biệt, có trường hợp cán bộ tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” còn có thái độ hách dịch, gây khó dễ cho người dân, DN, thái độ, ứng xử chưa chuẩn mực, gây ức chế cho người dân trong quá trình giải quyết TTHC. Qua đây, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước với người dân, DN.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, tháng 8/2021, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng mô hình thí điểm “chính quyền thân thiện” tại phường Trần Phú (TP Bắc Giang); thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) và xã Hợp Đức (Tân Yên); thời gian thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022.
Đây là những địa phương được đánh giá có điều kiện cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu cho người dân, DN đến liên hệ giải quyết TTHC; đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo bài bản, tác phong, lề lối làm việc nền nếp, khoa học. Các địa phương được chọn xây dựng mô hình thí điểm cũng đáp ứng đại diện cho đặc thù các vùng, miền. Qua đó sẽ giúp cho công tác đánh giá sau khi hết thời gian thí điểm được sát thực tế, mang tính toàn diện.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Trần Phú (TP Bắc Giang) được trang bị đầy đủ, tạo thuận lợi cho công dân khi đến liên hệ giải quyết TTHC. |
Mục đích chính của mô hình “chính quyền thân thiện” là hướng tới các tiêu chí: Cán bộ thân thiện, hoạt động của chính quyền thân thiện và môi trường làm việc thân thiện với nhân dân. Mô hình là biện pháp cải cách TTHC nhằm đổi mới mạnh mẽ hoạt động của chính quyền cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Căn cứ vào nội dung, yêu cầu trên, các huyện Tân Yên, Lục Nam và TP Bắc Giang đều ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện” để tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng và tổ chức thực hiện tốt mô hình ở nơi chọn làm thí điểm. Đồng chí Dương Tuyết Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Yên cho biết: “Nhằm triển khai mô hình đạt hiệu quả cao nhất, BTV Huyện ủy giao Ban Dân vận Huyện ủy làm đầu mối và phân công cán bộ phụ trách phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn địa phương trong quá trình thực hiện thí điểm”.
Ban Chỉ đạo mô hình điểm “chính quyền thân thiện” ở xã Hợp Đức có 20 thành viên. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; thành viên là trưởng một số phòng, ban chuyên môn của huyện như: Dân vận, Nội vụ, Thanh tra, Văn hóa và Thông tin, Tài nguyên và Môi trường…
Quyết tâm chính trị
Điểm khác biệt giữa mô hình “chính quyền thân thiện” so với bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” là không chỉ có cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND cấp xã mà tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc chính quyền địa phương đều phải tham gia, cùng cộng đồng trách nhiệm. Ông Thân Quý Bình, Chủ tịch UBND phường Trần Phú (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Khi được cấp trên chọn làm điểm xây dựng mô hình thí điểm “chính quyền thân thiện”, chúng tôi đã hạ quyết tâm cao trong triển khai thực hiện nhằm tạo bước chuyển rõ rệt về điều kiện làm việc, thái độ phục vụ công dân, tạo ấn tượng tốt đối với người dân, DN khi đến liên hệ giải quyết công việc”.
Được biết, UBND phường Trần Phú đã tập trung quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức của phường trong việc nâng cao trách nhiệm giải quyết công việc của người dân, DN; có thái độ niềm nở khi tiếp xúc với dân. Đặc biệt, phường đã quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; bổ sung thêm cây xanh, bàn ghế đá, điện chiếu sáng, làm mới nhà để xe…
Công dân đến liên hệ giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam). |
Cũng như phường Trần Phú, khi được chọn xây dựng mô hình điểm “chính quyền thân thiện”, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) họp bàn, quyết tâm triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Ngoài việc tham gia tích cực vào Ban chỉ đạo của huyện, Đảng ủy thị trấn còn có nghị quyết chuyên đề về công tác này. Theo đó, thị trấn đã đầu tư 1,2 tỷ đồng lắp wifi miễn phí tại một số điểm công cộng; hệ thống Internet nội bộ, tổng đài hỗ trợ bộ phận “một cửa” của thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công.
Thực tế cho thấy, triển khai mô hình “chính quyền thân thiện”, UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện thí điểm còn rà soát, lắp đặt, thay thế các bảng, biểu, khẩu hiệu niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho phù hợp. Hoàn thiện hệ thống quét mã QR tra cứu TTHC, công khai đầy đủ số điện thoại của lãnh đạo và cán bộ, công chức.
Qua việc triển khai điểm 3 mô hình “chính quyền thân thiện” đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Nhìn chung, các công chức ở những đơn vị này có thái độ lịch sự, thân thiện, cởi mở, gần gũi khi tiếp xúc với nhân dân; xử lý công việc thành thạo, chuyên nghiệp hơn; tận tình, chu đáo hướng dẫn người dân, tổ chức đến làm TTHC một cách nhanh gọn, sớm nhất có thể; không gây phiền hà, sách nhiễu người dân.
Hoạt động của chính quyền gần gũi, tạo được thiện cảm với nhân dân, thông qua các hoạt động cụ thể như: Việc chính quyền cơ sở tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn; gửi thư chúc mừng, chia buồn, kèm theo “lời nhắc nhở” ở mặt sau về việc thực hiện quy định của pháp luật, quy ước của địa phương; gửi thư xin lỗi khi trả kết quả không đúng hẹn hoặc triển khai các dự án làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân…
Môi trường làm việc thân thiện, cảnh quan công sở nơi tiếp đón người dân cũng văn minh, lịch sự hơn; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân khi đến làm việc với chính quyền như có cây xanh, ghế đá, chỗ để xe, ghế ngồi chờ ở bộ phận “một cửa”; được sử dụng wifi, máy tính miễn phí để truy cập thông tin về TTHC, máy phô tô để phục vụ người dân khi cần thiết. Bố trí bộ phận “một cửa” khoa học, gọn gàng, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”.
Bài, ảnh:Thành Nam – Vân Anh
(Còn nữa)
tin tức bắc giang, chính quyền thân thiện, một cửa, hành chính, dân vận