BẮC GIANG – TAND tỉnh Bắc Giang vừa kết thúc phiên tòa hình sự phúc thẩm (lần 4) xét xử hai chị em ruột bị TAND cấp sơ thẩm tuyên phạm tội cướp tài sản. Đây là vụ án có nhiều vấn đề chưa rõ, được dư luận quan tâm. Bị cáo đã gửi nhiều đơn thư đến các cấp, ngành cả ở Trung ương và địa phương cho rằng bị oan.
Hai chị em, hai bản án tù 14 năm 6 tháng
Vụ án tóm tắt như sau: Dương Thị Hoài (SN 1984) trú tại khu chung cư Đồng Cửa, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang và Hoàng Minh Tú (SN 1985) trú tại thôn Hà, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) là bạn học thời phổ thông, từng có mối quan hệ tình cảm yêu đương. Hoài trước đây là giáo viên, sau đó xin nghỉ việc ra ngoài làm kế toán cho một doanh nghiệp.
Do vay mượn tiền của nhau nên Tú và Hoài mâu thuẫn, có xảy ra xô xát. Sự việc này Hoài có nói với em trai là Dương Công Định (SN 1994), trú tại thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên. Định có vợ và hai con, trước khi bị bắt, Định làm doanh nghiệp ở Hà Nội.
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm. |
Chiều 29/10/2021, tại quán cà phê Huế Xưa ở thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Định vô tình gặp Tú tại quán này và có gọi cho chị gái. Khi Hoài đến, cả ba đồng ý ngồi nói chuyện. Tại đây, Hoài yêu cầu Tú trả nợ 60 triệu đồng. Tuy nhiên, Tú không đồng ý vì cho rằng đã trả hết nợ.
Do không đồng ý trả tiền nợ theo yêu cầu của Hoài, Tú chửi bới, dùng tay giật áo, cầm điện thoại di động đánh về phía Hoài. Định cũng có lời nói chửi bới, cầm gạt tàn thuốc lá bằng sứ, túm cổ áo dọa Tú để hỏi tại sao trước đây Tú cho người đánh Hoài, đồng thời hỏi rõ Tú để xác định xem có còn nợ tiền Hoài không và nợ bao nhiêu tiền ?.
Sau hơn 1 tiếng thì Tú xác nhận còn nợ Hoài 60 triệu đồng. Sau đó Tú gọi cho Tiêu Văn Hưởng (là cậu ruột của Tú) đến quán. Hưởng và Hoài đã từng biết nhau từ trước. Hưởng là đối tượng hình sự, có nhiều tiền án, tiền sự.
Tại đây, Hưởng hỏi Tú có nợ tiền Hoài không thì Tú xác nhận là có nợ và có phải trả. Sau đó, Hưởng đã chuyển 60 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của mình sang tài khoản ngân hàng của Hoài. Xong xuôi các bên ra về.
Hai ngày sau, Tú làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên trình báo về việc bị hai chị em Hoài và Định chiếm đoạt 60 triệu đồng.
Ngày 27/1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên ra Quyết định khởi tố hai chị em Hoài, Định về tội cưỡng đoạt tài sản.
Ngày 5/10/2022, Viện KSND huyện Việt Yên ra cáo trạng truy tố hai chị em về tội cướp tài sản.
Ngày 24/4/2023,TAND huyện Việt Yên ra bản án số 66/2023/HS-ST tuyên phạt Dương Thị Hoài 7 năm 3 tháng tù giam, Dương Công Định 7 năm 3 tháng tù giam, buộc Dương Thị Hoài phải trả lại Hoàng Minh Tú 60 triệu đồng.
Nhiều “không” trong bản kết luận điều tra
Sau 3 lần mở phiên toà phúc thẩm nhưng đều tạm hoãn, ngày 14/9 vừa qua, TAND tỉnh Bắc Giang tiếp tục mở lại phiên xét xử phúc thẩm lần thứ 4.
Cũng như các phiên phúc thẩm trước đó, bị hại cũng như một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa mặc dù tòa án đã yêu cầu dẫn giải nhiều lần. Tuy nhiên, theo Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hà Giang thì những người này đã có lời khai trong hồ sơ nên họ vắng mặt không làm ảnh hưởng đến việc xét xử.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm nhận thấy các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án có các vi phạm nghiêm trọng.
Bị cáo Dương Công Định tại phiên toà sơ thẩm ngày 24/4/2023. |
Thứ nhất, không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định vị trí, khoảng cách giữa nơi xảy ra sự việc khi Định, Hoài và Tú nói chuyện, cãi chửi nhau dẫn đến xô xát với vị trí những người làm chứng là nhân viên quán Huế Xưa đứng làm việc, pha chế đồ uống; vị trí người làm chứng là khách ngồi uống nước để xem những người này có nghe rõ các nội dung trao đổi giữa bị cáo và bị hại không, có nhìn rõ những diễn biến, hành vi của bị cáo và bị hại không?
Thứ hai, không tiến hành ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can, trong khi các bị cáo không thừa nhận hành vi cướp tài sản ngay từ khi bị khởi tố, điều tra.
Thứ ba, quá trình điều tra, điều tra viên xem xét dấu vết trên thân thể của bị hại Tú làm căn cứ để xác định Tú bị các thương tích do Hoài đánh trước khi trả tiền, biên bản làm việc về việc trích xuất dữ liệu, biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu bị tạm giữ đều thể hiện có sự chứng kiến của anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1979), trú tại tổ dân phố Thượng, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên nhưng chữ ký của anh Mạnh tại các tài liệu này là khác nhau, không đồng nhất. Làm việc với anh Mạnh, anh khẳng định bản thân không tham gia chứng kiến các hoạt động điều tra trên.
Do bị đau lưng nên bị cáo Dương Công Định được HĐXX phúc thẩm cho ngồi để trả lời thẩm vấn. |
Tại phiên tòa phúc thẩm, khi HĐXX hỏi, điều tra viên thực hiện các hoạt động này thừa nhận không tiến hành thực nghiệm điều tra các nội dung trên, không ghi âm, ghi hình do các bị cáo từ chối; một số vụ án khác thời điểm này có ghi âm ghi hình, không nhớ được chữ ký của anh Mạnh và sẽ kiểm tra xem xét lại, đồng thời khẳng định các biên bản nêu trên đều là do anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1979) ở tổ dân phố Thượng là một người chứng kiến, không có một người nào khác. Vì vậy HĐXX đề nghị cần tiến hành điều tra làm rõ nội dung này làm căn cứ giải quyết vụ án được khách quan, chính xác, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, việc trích xuất dữ liệu 6 đoạn clip tại quán Huế Xưa (trước khi trích xuất cho điều tra viên, những người tiến hành tố tụng mở camera, xem lại các clip sau đó trích xuất ra đĩa DVD để phục vụ điều tra). Câu hỏi đặt ra là mặc dù các đoạn clip rất dài nhưng tất cả các thủ tục tiến hành chỉ trong 5 phút. Như vậy không bảo đảm khách quan. Bên cạnh đó cũng không thu giữ đầu thu của camera là chứng cứ gốc lưu trữ các clip để phục vụ điều tra.
Thứ năm, trong một số bút lục thể hiện rõ ngày tháng năm điều tra viên mở các clip cho Hoàng Minh Tú, Trịnh Tiến Dũng (người có mặt ở quán Huế Xưa khi xảy ra xô xát) xem để nhận diện, trong khi những clip này ở thời điểm ghi trong bút lục vẫn đang được niêm phong, không có biên bản mở niêm phong. Hơn 2 tháng sau, những clip này mới mở niêm phong cho điều tra viên Thân Văn Mạnh phục vụ điều tra.
Bị cáo Dương Công Định vui mừng sau khi được về nhà sau hơn 20 tháng bị tạm giam. |
Thứ sáu, ngày 7/11/2021, điều tra viên Thân Văn Mạnh mới làm việc với một số người ở quán Huế Xưa để kiểm tra đầu thu camera và sử dụng thiết bị trực tiếp trích xuất các đoạn video có hình ảnh sự việc ngày xảy ra xô xát tại quán. Trong khi đó trước đó 6 ngày (ngày 1/11/2021), nhân viên quán Huế Xưa đã giao nộp đĩa DVD chứa các đoạn clip trích xuất từ camera an ninh ở quán. Câu hỏi đặt ra là vậy Cơ quan điều tra Công an huyện Việt Yên quyết định trưng cầu giám định clip của DVD nào… không được nêu rõ trong quyết định.
Thứ bảy, Quyết định trưng cầu giám định 6 file đoạn clip trong đĩa DVD và 1 USB có chứa các đoạn clip do bị cáo cung cấp nhưng kết luận giám định lại chỉ có kết luận 3 file. Các file còn lại và các file trong USB không kết luận nhưng không nêu lý do và cũng không có yêu cầu giám định lại, giám định bổ sung nào khác.
Thứ tám, kiểm tra USB do bị cáo Hoài giao nộp, biên bản có ghi trích xuất video phục vụ điều tra nhưng hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện có hình ảnh trích xuất video này.
Thứ chín, Quyết định trưng cầu giám định chỉ trưng cầu giám định đối với đĩa DVD được sao từ USB do các bị cáo cung cấp mà không tiến hành trưng cầu giám định đối với USB gốc chứa đựng các nội dung sự việc trả nợ là không đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Bị hại Hoàng Minh Tú tại quán Huế Xưa – ảnh cắt từ clip. |
Đáng chú ý, Bản cáo trạng của Viện KSND huyện Việt Yên kết luận: “Định gọi điện cho Hoài đến quán để giải quyết việc nợ tiền, nội dung Định yêu cầu Tú phải nhớ. Tú đề nghị Hoài ra ngân hàng sao kê đối chiếu, Hoài bảo Tú tự đi ra ngân hàng sao kê, nếu Tú không nhớ sẽ không cho ra khỏi quán; Hoài cho Tú vay 200 triệu mà không phải 300 triệu và đã trả hết”. Nhưng không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện các nội dung này. Vậy cần làm rõ căn cứ nào để Viện KSND huyện Việt Yên kết luận các nội dung trên trong cáo trạng?
Quá trình điều tra tại cấp sơ thẩm chưa làm rõ được ý thức chủ quan của các bị cáo khi gặp, trao đổi với Tú và trong suốt quá trình diễn biến sự việc đến trước khi Tiêu Văn Hưởng đến trả tiền thay cho Tú. Vì vậy cần điều tra làm rõ vấn đề này làm căn cứ xem xét hành vi phạm tội của các bị cáo.
Nhiều người dân tham dự phiên tòa phúc thẩm. |
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Nhữ Xuân Thanh quê ở xã Tự Lạn, huyện Việt Yên (là nhân chứng) và bị cáo khẳng định trong khoảng thời gian diễn ra sự việc, Tú có hỏi vay tiền và được anh Thanh chuyển khoản cho vay 60 triệu đồng để trả cho bị cáo Hoài. Tuy nhiên, sau đó cùng ngày, Tú đã chuyển khoản trả lại anh Thanh toàn bộ số tiền này mà không trả cho bị cáo Hoài. Vì vậy cần điều tra làm rõ thời điểm anh Thanh chuyển tiền cho anh Tú vay và thời điểm anh Tú chuyển trả cho anh Thanh số tiền trên. (Vậy trước khi gọi nhờ Hưởng đến trả tiền cho Hoài thì trong tài khoản Tú đã có tiền chưa, nếu có rồi thì tại sao Tú không trả mà phải gọi cho Hưởng đến? – PV).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm không ghi đầy đủ lý lịch các bị can có mấy anh chị em ruột (Thực tế gia đình bị cáo có 6 chị em ruột, Hoài là con thứ hai, Định là con út-PV), không ghi nơi cư trú của những người làm chứng, không đưa người chứng kiến trong một số hoạt động tố tụng quan trọng vào tham gia tố tụng để triệu tập đến phiên tòa làm rõ một số tình tiết của vụ án là vi phạm.
Điều tra lại toàn bộ vụ án
Thay mặt HĐXX, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hà Giang cho biết: Do trong quá trình giải quyết vụ án, việc điều tra thu thập chứng cứ ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Những vi phạm thiếu sót nêu trên cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Vì vậy, căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX phúc thẩm nhận thấy cần phải huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 66 ngày 24/4/2023 của TAND huyện Việt Yên, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện KSND huyện Việt Yên để điều tra lại. Cùng đó kiến nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên, Viện trưởng Viện KSND huyện Việt Yên phân công điều tra viên, kiểm sát viên khác tiến hành điều tra vụ án bảo đảm khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Bị cáo Dương Công Định được TAND tỉnh ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam. Như vậy, sau hơn 20 tháng bị tạm giam (từ ngày 30/1/2022), bị cáo Dương Công Định được trở về nhà. Bị cáo Dương Thị Hoài được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này.
Nhóm PV Nội chính
Bắc Giang: Một vụ án nhiều tranh cãi
(BGĐT) – Sau 3 lần ấn định thời điểm đưa ra xét xử nhưng bị hoãn, ngày 20/4/2023, vụ án cướp tài sản chính thức được TAND huyện Việt Yên (Bắc Giang) đưa ra xét xử. Tuy nhiên vụ án đang gây nhiều tranh cãi liên quan đến hai bị cáo là chị em ruột.