BẮC GIANG – Huyện Việt Yên có nhiều làng nghề truyền thống gắn với đời sống của người dân hàng trăm năm qua. Huyện đang thực hiện các tiêu chí để trở thành thị xã, vì vậy nhiều làng nghề sẽ nằm trong không gian đô thị, khiến việc bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
Nhiều làng nghề dần mai một
5 giờ sáng, vợ chồng bà Trương Thị Kiệm, thôn Yên Viên, xã Vân Hà đã chuẩn bị xong các khâu: Xay bột, máy tráng, giàn phơi, thu dọn sân phơi bánh đa nem. Do đầu tư hơn 60 triệu đồng mua sắm máy tráng bánh tự động (chạy bằng điện), công đoạn xay bột cũng sử dụng máy móc thay sức người nên thời gian tráng, phơi bánh chỉ mất khoảng 2 giờ, thay vì cả ngày trước đây. Mỗi ngày gia đình bà sản xuất khoảng 8 nghìn chiếc bánh đa nem.
Vợ chồng ông Đinh Văn Tiến, thôn Chùa, xã Tăng Tiến làm lồng bàn từ tre đan. |
Để sản xuất được lượng bánh này, vợ chồng bà phải thuê thêm một lao động, nên trừ chi phí chỉ thu lãi khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Bà Kiệm chia sẻ, trước đây gia đình chuyên sản xuất rượu. Gần chục năm trở lại đây rượu truyền thống khó tiêu thụ nên bà chuyển sang sản xuất bánh đa nem. Dù vậy, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống của hai vợ chồng, các con của bà chuyển sang làm công nhân, dịch vụ, bỏ nghề truyền thống.
Theo anh Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng thôn Yên Viên, thôn có gần 1.140 hộ. Là làng nghề sản xuất rượu truyền thống nhưng hiện nay thôn chỉ còn khoảng 200 hộ giữ nghề. Tuy vậy, chỉ một nửa trong số đó sản xuất thường xuyên, những hộ còn lại có khách đặt hàng mới làm. Nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất bánh đa nem và bánh đa, hoặc bỏ nghề.
Tại xã Tăng Tiến, năm 2015 cả xã có khoảng 1,2 nghìn hộ sản xuất sản phẩm mây tre đan, với các loại sản phẩm như: Lồng bàn, thúng, rổ, rá, dần, sàng, lọ lộc bình,… đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước. Thu nhập của người dân chủ yếu từ nghề mây tre đan. Hiện tại, 4 làng nghề trong xã chỉ còn khoảng 400 hộ làm nghề.
Các hộ này cũng chỉ sản xuất cầm chừng với vài sản phẩm: Lồng bàn, lạt buộc mỳ gạo, tăm tre làm nguyên liệu cho Công ty TNHH Mây tre đan Tăng Tiến. Theo ông Đinh Văn Tiến, nghệ nhân làng nghề mây tre đan thôn Chùa cho biết: “Những năm trước, mỗi ngày vợ chồng tôi đan từ 5-7 chiếc lồng bàn, bây giờ chỉ đan 1 chiếc vì hàng khó bán; trừ chi phí thu lãi khoảng 300 nghìn đồng, coi như lấy công làm lãi. Nguyên nhân là do không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại làm bằng nhựa hoặc inox”.
Được biết, hiện tại làng nghề Nguyệt Đức, xã Vân Hà cũng chỉ còn vài hộ giữ nghề vận tải đường sông. Đa phần các hộ trong thôn không có kinh phí sắm tàu, thuyền trọng tải lớn nên khó cạnh tranh.
Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch
Huyện Việt Yên có 7 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận từ năm 2010. Trong đó, 4 làng nghề mây tre đan, thuộc xã Tăng Tiến, bao gồm làng nghề thôn Chùa, Bẩy, Chằm và Phúc Long; 3 làng nghề còn lại thuộc xã Vân Hà, gồm: Nguyệt Đức (chuyên vận tải đường sông); Yên Viên (chuyên sản xuất rượu truyền thống, với sản phẩm OCOP Vân hương mỹ tửu), Thổ Hà (sản xuất bánh đa nem, gốm, với sản phẩm bánh đa nem Thổ Hà nổi tiếng). Doanh thu mỗi làng nghề từ 5 đến hơn 250 tỷ đồng/năm.
Việt Yên có 7 làng nghề truyền thống. Trong đó, 4 làng nghề mây tre đan, thuộc xã Tăng Tiến, bao gồm làng nghề thôn Chùa, Bẩy, Chằm và Phúc Long; 3 làng nghề còn lại thuộc xã Vân Hà, gồm: Nguyệt Đức, Yên Viên, Thổ Hà. Doanh thu mỗi làng nghề đạt từ 5 đến hơn 250 tỷ đồng/năm. |
Thời điểm này chỉ có làng nghề Yên Viên và Thổ Hà vẫn còn nhiều hộ giữ nghề, phát triển sản xuất. Các làng nghề còn lại đều hoạt động cầm chừng.
Theo Phòng Kinh tế huyện Việt Yên, nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư với thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu nên chất lượng sản phẩm chưa cao, khó cạnh tranh, dẫn đến đầu ra không ổn định.
Quá trình đô thị hoá và chuyển dịch lao động nông thôn khiến lao động trẻ bỏ làng nghề, tìm việc làm tại các khu công nghiệp để có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, năng lực trình độ tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh của các hộ còn yếu, thiếu vốn, thiếu tính liên kết nên việc đầu tư mở rộng sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…
Trước bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, Việt Yên đã có nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống. Cụ thể, ngoài nguồn quỹ hỗ trợ khuyến công tỉnh, huyện Việt Yên còn hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông, quy hoạch xây dựng cụm làng nghề Vân Hà (diện tích 2,2 ha), thành lập Cụm công nghiệp Tăng Tiến (diện tích hơn 36 ha); xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước, rác thải, xây dựng sản phẩm làng nghề thành sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh.
Đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin, cùng với đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ về cơ cấu nguồn vốn, đầu tư hợp lý cho chương trình phát triển làng nghề, định hướng của huyện là hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận với máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.
Huyện xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động làng nghề. Tăng cường nguồn vốn hỗ trợ xây dựng hạ tầng làng nghề và thu hút đầu tư nhằm di chuyển các cơ sở sản xuất trong làng nghề, khu vực dân cư nông thôn hạn chế về mặt bằng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường vào các khu tiểu thủ công nghiệp. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng các mô hình du lịch làng nghề, bảo đảm yếu tố phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường và phát triển làng nghề bền vững.
Bài ảnh: Đại La
Bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch
BẮC GIANG – Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi sản phẩm du lịch cần hội tụ nhiều yếu tố. Những giá trị nội tại của các loại hình di sản văn hóa và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc luôn được coi là điểm nhấn và có sức hút đối với du khách.
Bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc trong phát triển du lịch tâm linh Tây Yên Tử
(BGĐT)-Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang về xây dựng Đề án “Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, giai đoạn 2021-2030”, sáng 5/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội thảo khoa học “Du lịch tâm linh và con đường Hoằng dương Phật pháp Yên Tử, Bắc Giang”.
Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP
(BGĐT) – Với lợi thế có nhiều sản phẩm truyền thống, các làng nghề có tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP, qua đó nâng tầm nghề truyền thống và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, số sản phẩm OCOP của làng nghề trên địa bàn tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng.
Độc đáo làng nghề ‘thêu áo cho Vua’
Làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề độc nhất vô nhị “thêu áo cho Vua”. Nghề thủ công truyền thống của làng đến nay vẫn được duy trì, bảo tồn và vinh dự được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
tin tức bắc giang, bắc giang, việt yên, phát triển làng nghề, không gian đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề, bảo tồn, phát huy giá trị, làng nghề, địa phương