BẮC GIANG – “Sáng mai về quê chị đi chợ Tết đi! Cả năm chợ mới họp một ngày nên phải đi từ sớm, không hết chợ…”. Nghe hấp dẫn, tò mò, tôi nhận lời không chút đắn đo.
Cả năm mới có ngày chợ
Chưa tới 6 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt đông đủ để xuất phát từ thành phố Bắc Giang đi chợ Vân, thuộc thôn Yên Viên (hay còn gọi là làng Vân), xã Vân Hà, thị xã Việt Yên. Chợ Vân là chợ quê, chợ làng và rất độc đáo, cả năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 25 tháng Chạp.
Rất đông người đi chợ Vân từ sáng sớm 25 tháng Chạp. |
Giải thích về tên gọi chợ Vân hay chợ Tam quan, chị bảo, từ nhỏ, chị đã nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, khoảng thế kỷ XVII, làng Vân đã có chợ và họp thường xuyên. Khi Tam quan chùa làng (chùa Diên Khánh) xây dựng xong, dân làng vui mừng mở phiên chợ vào ngày 25 tháng Chạp tại khoảnh đất dưới sân chùa. Tên gọi “chợ Tam quan” bắt nguồn từ đó và được dân làng duy trì đến nay. Còn gọi chợ Vân là gắn với tên làng.
“Hôm nay chợ phiên rơi đúng vào Chủ nhật nên có lẽ sẽ rất đông. Phải đi sớm là thế!”, chị giải thích.
Chợ Vân chỉ họp một ngày lại vào giáp Tết nên bà con bảo, muốn gặp nhau, cứ đến chợ, thể nào cũng gặp. |
Chợ Vân không giống như phiên chợ quê khác, cơ bản chỉ bán vật dụng nhà nông như: Đòn gánh, giần, sàng, nong, nia, rổ, rá, cuốc, xẻng, dao, thớt và vài món hàng đặc trưng ngày Tết như: Lá dong, chuối xanh, sợi lạt, trầu cau, hương hoa, bồ kết, rau mùi… Đặc biệt, vì chợ họp ở nơi tâm linh nên hàng hóa gần như không có những thứ uế tạp, hôi hám hay sát sinh như: Gia súc, gia cầm, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cá, nước mắm … Người đi chợ cũng nói với nhau nhỏ nhẹ, niềm nở, không có cảnh tranh mua tranh bán hay chộp giật, chao chát.
Năm nay, do ngày 25 tháng Chạp trùng vào ngày nghỉ, lượng người tới chợ đông nên ngoài sân chùa, địa phương còn mở cửa trường tiểu học gần đó, lấy sân trường cho người dân vào mua bán. Dẫu vậy thì ai đến sau cũng rất khó khăn để tìm được chỗ bán hàng ưng ý nên cơ bản phải đến từ đêm hôm trước “xí” chỗ.
Khách chọn mua mặt hàng mây tre đan. |
Chị Trương Thị Tuyến (ở xã Đông Xuyên, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bán hàng nong, nia ở chợ Tam quan đã hơn 30 năm nhưng năm nay phải ra gần bến sông mới có chỗ bày hàng bán. Chị kể, mọi lần chị hay đi chợ sớm, có năm ngủ luôn ở chợ từ tối 24 nhưng năm nay, con trai được nghỉ học, muốn đi chợ cùng mẹ nên sang đến nơi chưa đến 6 giờ sáng mà đã chật kín chỗ.
Ở dãy bán dao, cuốc, xẻng, bố con chị Ngô Thị Quế, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa bám trụ ở đây từ ngày 23 tháng Chạp. Chị Quế kể: “Cúng ông Công, ông Táo xong là cả nhà tôi xếp hàng lên xe ô tô sang Vân bán. Dao, rựa nhà làm nên lấy công làm lãi, bán rẻ. Mấy bố con trải bạt, ngủ luôn ở chợ, hơn chục năm như thế rồi”.
Nhà chị Quế bán hàng dao, thớt ở chợ Tam quan đã nổi tiếng và có thương hiệu nên khá đông người mua. Chọn một con dao chặt thịt gà sắc lẹm vừa mua với giá 150 nghìn đồng, anh Nguyễn Mạnh Trường khoe: “Tôi ở bên Thượng Lát, sang bên này cách xa vài cây số nhưng phiên chợ 25 tháng Chạp nào cũng có mặt và kiểu gì cũng phải mua một vài thứ, phải đi sớm không hết chợ, hết hàng mình cần”.
Nhớ chợ thì về
Chợ Vân chỉ họp một ngày lại vào giáp Tết nên bà con bảo, muốn gặp nhau, cứ đến chợ, thể nào cũng gặp. Thôn trên, thôn dưới; người già, người trẻ; đàn ông, đàn bà… không ai không đến chợ ngày này. Ngay cả những người con quê hương Vân Hà đi làm ăn, công tác bên ngoài như thành nếp, đến hẹn lại lên, chợ Tết lại về.
Vì chợ họp ở nơi tâm linh nên hàng hóa gần như không có những thứ uế tạp, hôi hám hay sát sinh. Người đi chợ cũng nói với nhau nhỏ nhẹ, niềm nở, không có cảnh tranh mua tranh bán hay chộp giật, chao chát. |
Người dân đến chợ, có thể mua, có thể không song nếu không đến thì như thấy thiêu thiếu một điều gì. Bà Nguyễn Thị Hải (78 tuổi), người làng đi bộ tới chợ từ sớm. Cả buổi chợ, bà chỉ mua đôi đũa cả, mớ mùi già về cho con cháu, cả nhà tắm tất niên. Bà bảo, thế là vui, từ thuở bé, bà đã đi chợ 25 Tết. Chỉ năm nào mệt hay mưa rét, bà mới không đi.
Nhiều người đến chợ Vân vì nhớ chợ, nếu không đi thì thấy thiêu thiếu một điều gì. |
Cổng Trường Tiểu học Vân Hà và trong sân trường bán nhiều chuối xanh, trầu cau, hương hoa, quả tươi phục vụ mâm cỗ ngày Tết. Chị Thanh cùng chồng từ thành phố về đi vòng quanh sân trường mua được hai nải chuối. Chị khoe: “Chuối ở thành phố không thiếu nhưng năm nào tôi cũng về chợ Vân mua. Tôi chọn mãi mới được hai nải chuối lẻ quả, nải 17 quả, nải 21 quả. Nải to để ông bà thắp hương tổ tiên, nải nhỏ để nhà thắp. Theo các cụ thì thắp hương nải chuối lẻ quả con cháu sẽ gặp nhiều tốt lành hơn trong năm mới”.
Chợ Vân năm nay trẻ con đi chơi chợ nhiều. Được ngày nghỉ học nên chúng sà vào hàng bánh kẹo, đồ chơi, quần áo ngắm nghía; có đứa mua vài quả bóng bay, ăn cái bánh rán rồi về. Các bà, các mẹ mua nắm đũa, lá dong, ít gạo nếp về chuẩn bị Tết. Các bác, các anh mua cuốc, mua xẻng, mua dao về làm cỗ, làm đồng…
Mấy năm nay, sức mua tại chợ Tết Vân Hà có vẻ giảm. Bà con bảo chắc do kinh tế khó khăn, đâu đâu cũng có chợ rồi siêu thị mọc ra như nấm nên có lẽ người dân đi “chơi” chợ là chính. Nhưng kể cả với người bán, dù không bán được nhiều, họ vẫn nhớ chợ thì về.
Dãy hàng thúng mẹt, nong, nia, giần, sàng, đũa cái, đũa tre… cơ bản là người từ Đông Tiến, huyện Yên Phong sang bán. Bà Nguyễn Thị Thìn (66 tuổi) chuyên bán đòn gánh. Bà bảo trước đây mỗi năm bà bán hàng trăm cái, giờ mang đến chừng một nửa vẫn không bán hết. “Có 40 nghìn đồng một cái đòn gánh. Không nhiều tiền mà do người dân ít gánh gồng nên ít mua. Năm nay tôi làm đũa cái bán thêm cho được tới chợ, chứ không đi thì nhớ chợ lắm”, bà Thìn tâm sự.
Đến gần quá trưa, một số hàng đã thu gọn lại; chỉ còn lại hàng dao, thớt, đồ gia dụng, mây tre đan… bà con tranh thủ ăn tạm rồi chợp mắt ngủ, đợi đến phiên chợ chiều. Ở sân trường, những người bán hàng được cán bộ địa phương hướng dẫn dọn vệ sinh, trả lại mặt bằng để sáng hôm sau trường gọn gàng, sạch sẽ đón học trò.
Giữ gìn đặc sản chợ phiên
Lâu nay, Vân Hà nổi tiếng với rượu làng Vân, với những bí kíp gia truyền nấu rượu không đâu có. Vân Hà cũng nổi tiếng với lễ hội vật cầu nước (vật cầu bùn) được xếp vào hàng độc nhất vô nhị xứ Bắc và phiên chợ Tam quan ngày 25 tháng Chạp cả năm mới họp một lần cũng là đặc sản riêng có của Vân Hà. Đi chợ mà không hẳn là đi chợ, nó như ngày hội làng, chộn rộn, vui vẻ và khiến ai cũng nhắc nhớ, để về.
Dãy hàng bán dao, thớt và nhiều đồ dùng phục vụ đời sống của nhà nông. |
Chủ tịch UBND xã Vân Hà Nguyễn Đình Mỹ cho biết: “Dù là chợ tự phát nhưng cấp ủy, chính quyền chúng tôi luôn xác định phải bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, phong tục tốt đẹp của phiên chợ này. Vẫn để chợ họp tự nhiên, dưới khu đất trống sân chùa nhưng có hướng dẫn bà con ngồi bán hàng theo dãy, khu vực, không tràn ra lòng đường gây ảnh hưởng giao thông; vẫn họp ngày 25 nhưng ai đến trước, ngồi trước, ai đến sau, ngồi sau, không tranh giành, không mất phí… Cá biệt như năm nay còn trưng dụng sân trường, tạo điều kiện để bà con vui chợ. Đặc biệt, dân trong làng, ngoài làng, trong tỉnh, ngoài tỉnh, ai có gì bán nấy, đúng với tiêu chí chợ quê, chợ nông sản, dụng cụ nhà nông, ngày Tết là được”.
Giữa tiết trời xuân, mưa xuân phơi phới bay, người dân í ới gọi nhau đi chợ. Người này khoe mua được món đồ này, người kia phấn khởi mua được món đồ kia. Vừa đi chợ vừa hỏi han, trò chuyện, vào chùa thắp nén tâm nhang cầu xin năm mới an lành khiến phiên chợ 25 trở nên vô cùng đặc biệt và là phong tục, nét văn hóa riêng có của vùng quê Bắc Bộ.
Tan chợ, tan hội cũng là sắp đến ngày áp Tết. Bà con lại hẹn nhau ở phiên chợ năm sau, chợ Tam quan, ngày 25 tháng Chạp, năm họp một lần.
Phóng sự của Thu Hương
Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng: Gắn kết và bảo tồn di sản
Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (Ngày hội) là sự kiện thường niên do UBND quận Cái Răng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam (9/7), đồng thời cũng là sự kiện góp phần gìn giữ, gắn kết bảo tồn di sản Văn hóa chợ nổi. Năm nay, Ngày hội có nhiều hoạt động mới với đa trải nghiệm.
Độc, lạ chợ vải vùng hồ Cấm Sơn
(BGĐT) – Khác với những chợ vải vùng xuôi thường thu hái, bán sản phẩm vào đêm và sáng sớm, người dân các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại thu hoạch và bán vải vào chiều muộn. Đặc biệt, bà con nơi đây sử dụng thuyền vận chuyển vải đi tiêu thụ.
Lưu luyến chợ tình Thác Lười
(BGĐT) – Đầu xuân, khi hoa mận nở trắng sườn đồi, không khí mùa xuân vẫn lan toả cũng là lúc phiên chợ tình Thác Lười ở xã vùng cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) quay trở lại. Những bóng áo chàm nô nức xuống núi; câu hát sli, lượn, sloong hao ngân nga khắp núi rừng báo hiệu mùa hội mới lại về, để thương, để nhớ, để luyến lưu qua những ánh mắt, nụ cười…
Bắc Giang: Nhộn nhịp chợ Tết vùng cao
(BGĐT) – Năm nay dịch Covid-19 được kiểm soát nên phiên chợ vùng cao Tân Sơn, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) dịp cuối năm càng thêm đông vui, nhộn nhịp. Các quầy bán đầy ắp hàng hóa. Người dân tấp nập mua sắm, tạo nên cảnh sắc, không khí đầm ấm, vui tươi ngày áp Tết.