BẮC GIANG – Trước đây, thôn Tây, xã Tiên Lục (Lạng Giang – Bắc Giang) được xếp vào diện nghèo nhất xã. Người dân phải đi tứ xứ làm thuê kiếm sống, số hộ nghèo chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, mươi năm trở lại đây, do nhanh nhạy học tập kinh nghiệm làm ăn ở nơi khác cùng với sự mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, thôn Tây đã có bước đột phá ngoạn mục thoát nghèo, là điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương.
Nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao
Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn cây, chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lục Nguyễn Đình Lâm đến tham quan mô hình sản xuất nấm rơm của gia đình anh Nguyễn Văn Trình. Từ ngoài cổng, có vô số bịch lớn nhỏ đựng nguyên liệu làm nấm.
Chị Lê Thị Thanh thu hoạch nấm rơm. |
Chị Lê Thị Thanh, vợ anh Trình đon đả nói: “Sáng nay, chồng tôi có chút việc lên huyện, chắc sắp về rồi”. Gia đình chị Thanh đã có thời kỳ rất khó khăn. Năm 1995, vợ chồng chị lấy nhau, được bố mẹ cho ra ở riêng. Năm 2010, anh chị dồn lực đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi ập đến khiến lợn trong chuồng lăn ra chết hàng loạt, gia đình lâm cảnh nợ nần. Hai vợ chồng phải “chạy” vào Tây Nguyên làm thuê kiếm sống.
Mưu sinh nơi đất khách quê người được 3 năm, anh chị quyết định quay về quê lập nghiệp. Năm 2015, học hỏi mô hình trồng nấm ở địa phương, vợ chồng chị Thanh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư trồng nấm. Lúc đầu chỉ làm nấm sò, quy mô nhỏ lẻ. Qua thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô.
Chị Thanh cho biết: “Đến nay, việc trồng nấm của gia đình thực hiện quy trình hiện đại hơn. Toàn bộ môi trường trồng nấm được đưa vào phòng lạnh, có điều hòa nhiệt độ, giúp nấm phát triển nhanh trong mọi điều kiện thời tiết, chất lượng cũng được bảo đảm”. Gia đình chị Thanh hiện có 25 phòng nấm, sản phẩm chủ yếu là nấm sò, nấm rơm và đông trùng hạ thảo.
Năm 2021, sản phẩm nấm rơm tươi đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP loại 3 sao. Không chỉ làm nấm, gia đình chị Thanh còn tập trung sản xuất các loại rau xanh, rau thơm trồng trong nhà màng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Quy mô sản xuất lớn như vậy, chắc phải thuê thêm nhân công? – Tôi hỏi chị Thanh.
– Chúng tôi thường xuyên thuê 6 lao động, lương bình quân 8-9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, vào vụ cao điểm, gia đình phải thuê thêm khoảng 5 lao động thời vụ – chị Thanh trả lời.
Đang mải trò chuyện, anh Trình, chồng chị Thanh đỗ ô tô từ ngoài cổng, mở cửa bước vào. Rót nước mời khách, anh Trình khoe: “Tôi vừa ra ngân hàng huyện giải chấp sổ đỏ của gia đình. Vậy là từ nay, số tiền thu được từ trồng nấm, rau xanh, gia đình sẽ gửi tiết kiệm vào ngân hàng để dành vốn đầu tư mở rộng sản xuất”. Theo anh Trình, gia đình có dự định mở rộng thêm một khu trồng nấm, quy mô 30 phòng. Đầu ra sản phẩm của nấm rất ổn định; trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ 500 – 700 triệu đồng.
Chia tay vợ chồng chị Thanh, chúng tôi cho xe chạy theo con đường bê tông phẳng phiu ra những cánh đồng thôn Tây. Năm nay thời tiết thất thường, tháng 11 vẫn nắng chang chang, nhiệt độ dao động từ 29 -30 độ C. Tại đây, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Đức Pha, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn đang chăm sóc vườn quất sai trĩu quả. Ông Pha cho hay: “Đây là cây thoát nghèo, làm giàu của gia đình. Các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 15 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm, một sào quất cho thu nhập hơn 100 triệu đồng”.
Gia đình ông Pha có 5 sào chuyên trồng quất lấy quả bán ra thị trường. Số diện tích này được gia đình dồn đổi ruộng cho các hộ khác để thuận tiện canh tác.Trước kia, gia đình ông nghèo lắm. Ông phải đi làm thuê khắp nơi, lúc thì sang Quảng Ninh đào than, khi thì về Hải Dương làm quất… Thấy nhu cầu quả quất ngày càng cao, cách đây 10 năm, ông Pha trở về quê mạnh dạn đầu tư trồng quất lấy quả. Đến nay, gia đình đã trở thành hộ khá của thôn, xây được nhà vườn kiểu dáng hiện đại.
Thôn Tây còn có nhiều hộ đã thoát nghèo, giàu lên nhờ biết cách vừa thâm canh cây rau màu, vừa đứng ra thu mua nông sản cho bà con trong vùng. Cả thôn có 5 ha diện tích chuyên trồng cây rau màu các loại, trong đó chủ yếu là dưa chuột, đỗ long châu, ngô nếp. Mùa nào thức ấy, các loại rau màu làm ra đều được các điểm cân của thôn tiêu thụ hết, không lo ế hàng.
Đại công xưởng chế biến gỗ
Về thôn Tây, chúng tôi còn ngỡ ngàng bởi nơi đây như một đại công xưởng chế biến gỗ các loại. Tại một cơ sở chế biến gỗ nằm cạnh đường nhánh của thôn, anh Nguyễn Đình Hướng, chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Xưởng của gia đình tôi chuyên làm ván cốt pha định hình cung cấp cho các doanh nghiệp xây dựng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm chủ yếu là hàng cao cấp, được làm từ gỗ thông”.
Anh Nguyễn Đình Hướng (ngoài cùng bên trái) cùng công nhân vận hành máy xẻ gỗ của gia đình. |
Gia đình anh Hướng theo đạo Công giáo. Bố mất sớm, mẹ anh một mình nuôi 5 người con. Anh Hướng là con cả trong gia đình, phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê kiếm sống khắp nơi. Anh Hướng nhớ lại: “Từ năm 2000 trở về trước, mỗi khi đến kỳ giáp hạt, nhiều bữa gia đình tôi không đủ cơm để ăn, lấy rau muống, củ sắn ăn trừ. Trồng sắn, củ chưa kịp già đã bới lên chọn củ to ăn trước, củ bé vùi lại đợi lớn ăn sau”.
Bằng ý chí, nghị lực của bản thân, sau nhiều năm đi làm thuê, năm 2015, vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở xưởng chế biến gỗ. Mấy năm nay, trung bình mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng. Hiện tại, vợ chồng anh còn thuê thêm 3- 4 lao động với mức lương hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp của gia đình, nay đã được thay bằng ngôi nhà kiên cố kiểu dáng biệt thự tọa lạc trên sườn đồi quanh năm gió mát.
Vừa ngồi nhâm nhi chén nước trà, ông Hoàng Viết Trạm, Trưởng thôn Tây, cũng là người theo đạo Công giáo nhẩm tính, cả thôn hiện có 21 cơ sở chuyên sản xuất, chế biến gỗ các loại, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn, thành lập công ty, HTX, như các hộ gia đình ông: Nguyễn Đình Đảm, Nguyễn Đình Tỏ, Nguyễn Đình Cừ, Nguyễn Đức Cần, Hoàng Văn Doãn… Tính chung cả thôn, mỗi năm doanh thu từ sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Không những vậy, từ nghề này cũng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động của thôn và vùng lân cận.
Một góc thôn Tây. |
Trong suốt thời gian cùng chúng tôi đi thăm các hộ làm kinh tế giỏi, đồng chí Nguyễn Đình Lâm thỉnh thoảng lại tỏ vẻ thán phục: “Thôn Tây xưa nghèo lắm, nay kinh tế khá nhất xã rồi”.
Theo ông Lâm, sự nghèo khó của thôn Tây trước kia chủ yếu bởi đông con, không có vốn làm ăn nên họ phải ra ngoài kiếm sống. Khi Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, người dân thôn Tây thức thời đem kiến thức, kinh nghiệm học được từ khắp nơi về mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chẳng mấy chốc các gia đình có của ăn của để, trở thành hộ khá, giàu.
Được biết, thôn Tây là thôn cổ của xã, có dân số đông với 454 hộ, 2.100 nhân khẩu, sinh sống trên 4 quả đồi nằm kề nhau, trong đó 80% theo đạo Công giáo. Với đức tính cần cù lao động, nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thôn Tây ngày càng được nâng lên rõ rệt. Số nhà tầng kiên cố chiếm đến 70%; số hộ khá và giàu cũng chiếm khoảng 80%.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, người dân thôn Tây còn luôn biết giữ gìn nét văn hóa truyền thống, xây dựng mối đoàn kết lương giáo hòa thuận; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều năm nay, thôn không có người dân mắc tệ nạn xã hội; cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Thôn Tây đang từng ngày đổi mới vươn lên, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Từ gian khó vươn lên làm giàu
BẮC GIANG – Cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, chị Vi Thị Mạnh (SN 1994), dân tộc Nùng, thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) là điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, là tấm gương để chị em phụ nữ học tập.
Nữ giám đốc năng động làm giàu
BẮC GIANG – Sau nhiều năm xuất khẩu lao động, chị Nông Thị Lợi (SN 1984), dân tộc Nùng, thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) về quê lập nghiệp. Hiện với vai trò Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Kiên Phong, chị tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Động lực giúp hội viên làm giàu
BẮC GIANG – Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939), các cấp hội trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Từ đó giúp hàng nghìn phụ nữ tự chủ kinh tế, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Thi đua giỏi làm giàu
(BGĐT)- Đại hội đại biểu Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 đang diễn ra. Trong báo cáo đánh giá công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ vừa qua, một trong những nội dung trọng tâm được các cấp hội tích cực chỉ đạo thực hiện, hội viên hăng hái tham gia, có hiệu quả và đi vào chiều sâu. Đó là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Mùi – Tỷ phú nông dân bám ruộng làm giàu
(BGĐT) – Từng hai lần rời quê hương đi làm ăn xa, nhưng cuối cùng ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu (Yên Dũng – Bắc Giang) lại lựa chọn trở về. Trên chính đồng đất, mảnh ruộng quê mình, ông đã thành công với mô hình nuôi vịt an toàn sinh học, thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
tin tức bắc giang, bắc giang, Về thôn Tây, nghe chuyện làm giàu, đầu tư, trồng cây rau màu, sản xuất kinh doanh, cơ sở chế biến gỗ