Sáng 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2023; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến các Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc tại địa phương.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. |
Kinh tế – xã hội tháng 7 tốt hơn tháng 6 và cùng kỳ
Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện, phân tích kỹ, khách quan; nêu rõ kết quả đạt được, những việc chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm… Cùng với đó, các đại biểu nhận diện, dự báo bối cảnh, tình hình thời gian tới và đưa ra giải pháp trọng tâm trong tháng 8, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới để thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Các đại biểu nhận định, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 6, đóng góp vào kết quả chung của 7 tháng của năm 2023.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 3,12%; các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình thị trường tiền tệ, chứng khoán ổn định và có xu hướng phục hồi tích cực; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại, tính chung 7 tháng xuất khẩu đạt 195,4 tỷ USD, xuất siêu 16,5 tỷ USD. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.
Tăng trưởng được thúc đẩy; các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tốt. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 3,7% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 7,1% so cùng kỳ, tính chung 7 tháng tăng 10,4%. Khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, tính chung 7 tháng đạt 6,6 triệu lượt, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38%; số tuyệt đối tăng 80,78 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%. Tháng 7 có 13,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tính chung 7 tháng có 131,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn doanh nghiệp.
Cả nước tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ; trong 7 tháng đã hỗ trợ hơn 18,2 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu; tăng lương cơ sở thêm 20,8% và tăng mức chuẩn phụ cấp, trợ cấp ưu đãi với người có công thêm 26,5% từ 1-7-2023. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh.
Đến nay, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt gần 93,8 nghìn tỷ đồng thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, sau gần 2 tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý kiến nghị của các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã có văn bản trả lời 249/504 kiến nghị của địa phương, trong đó đã trả lời 133 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 116 kiến nghị thuộc quyền của các bộ, cơ quan.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ trì, dự các phiên họp, hội nghị, diễn đàn quan trọng; đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế…
Cùng với đó, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và chủ thể liên quan, tình hình kinh tế- xã hội tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy. Các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
“Các tổ chức quốc tế đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn. Việt Nam tăng 4 bậc về Chỉ số Hòa bình toàn cầu năm 2023”, Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tình hình vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; thu ngân sách tháng 7 giảm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng thấp. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn; cầu của các thị trường lớn, truyền thống suy giảm ảnh hưởng xuất khẩu; công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm; công tác lập, thẩm định quy hoạch chưa như mong muốn…
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Sau khi phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm những thành tựu và hạn chế trong quá trình phát triển thời gian qua, Thủ tướng cho biết, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, do đó phải kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
“Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 là 6,5%. Do đó, những tháng cuối năm phải có mức tăng trưởng khoảng 9%”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm đời sống nhân dân, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách.
Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; đồng thời theo dõi sát và nắm tình hình bên trong và bên ngoài để có phản ứng chính sách kịp thời.
Quang cảnh phiên họp. |
Cùng với đó, cả nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát. Đơn vị chức năng thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy cả phía cung và phía cầu của 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả nghị quyết của Đảng; kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt chú trọng đảm bảo chất lượng, tiến độ các tờ trình, báo cáo, tài liệu trình Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết phát triển vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ.
“Các bộ, cơ quan tiếp tục chủ động, tích cực rà soát kiến nghị của địa phương, phối hợp để trả lời kịp thời; định kỳ hằng tháng cập nhật kiến nghị và tình hình xử lý; hằng quý làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình bằng hình thức phù hợp”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng lưu ý tiếp tục tập trung giải quyết những vướng mắc, bất cập của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh hoạt động hệ thống sàn giao dịch về bất động sản, lao động, đất đai, khoa học công nghệ…; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài như xử lý các ngân hàng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài…
Cùng với đó, các đơn vị chức năng phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Cơ quan liên quan tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn, bão, mưa lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, kịp thời; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tập trung trấn áp các loại tội phạm.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện đối ngoại cấp cao; tăng cường quan hệ song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương; tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, kết quả kinh tế-xã hội để góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội; tập trung đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả với thông tin sai sự thật, xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số, sản xuất chip điện tử; chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho năm học mới; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tổ chức khởi công Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; thực hiện hiệu quả gỡ thẻ vàng IUU…
Thủ tướng nhắc nhở, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ; tập trung tổ chức thực hiện, tạo đột phá hơn nữa trong tháng 8, những tháng còn lại của năm 2023 và thời gian tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023
Sáng 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm 2023; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phiên họp Chính phủ, Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ổn định kinh tế vĩ mô