Mới đây, hơn 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) háo hức nhận lương theo mức lương mới, với số tiền tăng đáng kể. Đời sống của người nghỉ hưu cũng nhờ đó mà ngày càng cải thiện.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cao tuổi không có lương hưu vẫn phải vất vả mưu sinh. Họ cùng mong ước hằng tháng có lương hưu để tuổi già được sống vui, sống khỏe.
Niềm vui của người có lương hưu mỗi khi đến kỳ nhận lương. |
Cuộc sống thoải mái nhờ có lương hưu
Sau khi nhận số tiền 3 triệu đồng tại kỳ lương tháng 8-2023, bà Nguyễn Thị Mão, tổ dân phố 6, phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) đi mua sắm thêm một số đồ dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho gia đình. Vừa sắp xếp những món đồ mới mua, bà Mão vừa nói: “Tiền lương hưu tăng, chất lượng cuộc sống của người nghỉ hưu cũng tăng. Chúng tôi vui lắm!”.
Theo bà Mão, bà là một trong số nhiều người lao động về nghỉ theo chế độ 176 (Quyết định số 176/HĐBT ngày 9-10-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh). Tại thời điểm này, bà Mão tham gia BHXH được khoảng 20 năm, nên có hai sự lựa chọn, một là nhận chế độ trợ cấp một lần (thường gọi là nhận “một cục”), hai là hưởng trợ cấp mất sức lao động với số tiền nhận về hằng tháng (thường gọi là chế độ “mất sức”).
Mặc dù hoàn cảnh gia đình của bà Mão lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, song bà đã lựa chọn hưởng chế độ “mất sức”. Quyết định này giúp bà Mão nhận về khoản tiền trợ cấp BHXH đều đặn hằng tháng trong hơn 30 năm qua (gấp hơn 1,5 lần thời gian đóng BHXH) với mức hưởng ngày càng tăng.
Đặc biệt, trong đợt điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH mới nhất, sau khi điều chỉnh tăng, số tiền lương hưu của bà Mão vẫn ở mức dưới 3 triệu đồng/tháng, nên tiếp tục được bù thêm để đạt mức 3 triệu đồng/tháng, nhằm bảo đảm mức sống cho người nghỉ hưu. “Những trường hợp như tôi lãi đơn lãi kép. Tính ra, đợt này tôi được tăng lương tới gần 20%, từ hơn 2,5 triệu đồng/tháng lên 3 triệu đồng/tháng”, bà Mão phấn khởi.
Bà Mão cho biết thêm, chồng của bà cũng có lương hưu, mức hơn 3 triệu đồng/tháng, cộng lại hai ông bà có khoản tiền chi tiêu hơn 6 triệu đồng/tháng. “Dù có mức lương thấp so với nhiều người nghỉ hưu, nhưng đời sống của chúng tôi khá ổn định, ít phải phiền đến con cháu”, bà Mão bày tỏ.
Cùng hưởng chế độ “mất sức” với số tiền trợ cấp BHXH hiện nay khoảng 3 triệu đồng/tháng, ông Trần Đình Tư, trú tại số 342 đường Quang Trung (quận Hà Đông) cho hay: “Tuổi càng cao, càng có nhiều khoản cần chi tiêu, nên vài trăm nghìn nhận về mỗi tháng đối với người cao tuổi cũng rất đáng quý. Nhờ có tiền lương, chúng tôi có thể đưa cháu, chắt đi chơi, mua những món quà nhỏ tặng con, cháu vào dịp đặc biệt. Đời sống tinh thần cũng nhờ đó mà thoải mái hơn”.
Ngược lại với sự an yên của những người hưởng chế độ “mất sức”, không ít người từng nhận “một cục” hiện vẫn phải vất vả mưu sinh, mà trường hợp bà N.T.V, trú tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một ví dụ.
Vì không muốn con cháu, người thân phải lo lắng, bà V thường đi bán rau bằng xe đạp tại những địa điểm xa nhà khoảng 10km, mang lại thu nhập khoảng 60.000 – 70.000 đồng/ngày.
Khi trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà V cũng đề nghị không nêu rõ tên vì không muốn người thân nhận ra. Nội dung cuộc trò chuyện xen lẫn những tiếng thở dài đầy tiếc nuối: “Ngày ấy, tôi nhận tiền “một cục” được hơn một triệu đồng, về mua chiếc xe đạp, gia cố cái bếp, lát khoảng sân gạch, thế là hết. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không…. dại như thế”.
Không riêng bà N.T.V, mà trên thực tế, không ít người đã hết tuổi lao động không có lương hưu, trợ cấp BHXH, hiện phải mưu sinh đều có chung mong muốn “ước gì hằng tháng có lương hưu”.
Nên cân nhắc khi rút BHXH một lần
Bức tranh tương phản về đời sống của những người có lương hưu và không có lương hưu, của những người từng nhận “một cục” và hưởng chế độ “mất sức” là vấn đề đáng để các thế hệ người lao động hôm nay suy ngẫm, cân nhắc kỹ lưỡng về việc nên hay không nên rút BHXH một lần.
So sánh có thể nhận thấy, chế độ 176 và chế độ BHXH một lần được áp dụng ở hai giai đoạn khác nhau, trong bối cảnh xã hội khác nhau, với những đối tượng người lao động khác nhau, song có nhiều điểm tương đồng. Đó là, sau khi nhận chế độ một lần, người lao động sẽ không còn ở lại hệ thống an sinh, tự đóng lại cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia BHXH trở lại, thì số năm đóng BHXH sẽ ngắn, dẫn đến hưởng lương hưu thấp.
Tiếc rằng, những năm gần đây, số lượng người rút BHXH một lần ở mức báo động, năm sau cao hơn năm trước hơn 10% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 100.000 người rút BHXH một lần, gần bằng số người mới tham gia vào hệ thống. Cần lưu ý, không ít trường hợp rút BHXH một lần khi đã tham gia BHXH hơn 19 năm, nghĩa là chỉ vài tháng nữa, họ sẽ đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (theo quy định hiện hành là 20 năm).
Đáng lo hơn, không phải ai rút BHXH một lần cũng có hoàn cảnh khó khăn, cần gấp một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống. Đồng hành với người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc G&G II (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) Trần Thanh Sơn trăn trở: “Có những người dùng tiền rút BHXH một lần để mua điện thoại, xe máy…, chứng kiến mà xót xa. Cứ tiêu trước khoản để dành, về già, cuộc sống của họ sẽ ra sao”.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đời sống cho người nghỉ hưu, các cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng, đề xuất các chính sách đóng, hưởng BHXH, chính sách hưu trí theo hướng linh hoạt, đa tầng, hiện đại. Trong khi chờ đợi các chính sách mới có hiệu lực thi hành, đi vào đời sống, có lẽ, trước hết, mỗi người lao động nên nhìn vào thực tiễn đời sống để có câu trả lời chính xác cho việc nên hay không nên rút BHXH một lần.
Với cách nhìn khoa học, nhiều chuyên gia về an sinh xã hội cho rằng, tiền đóng BHXH không phải là khoản tiết kiệm để có thể tính lỗ hay lãi. Đây là khoản tích lũy an sinh, mang lại những lợi ích lâu dài, đa chiều, không dễ cân đo, đong, đếm. Vì vậy, người lao động nên tính đến các lợi ích lâu dài trước khi quyết định rút BHXH một lần.
Bức xúc vì chậm lương hưu
(BGĐT) – Nhà nước có chủ trương tăng lương cho người lao động từ ngày 1/7/2023. Đúng ngày ấy, công chức, viên chức đã được nhận nhưng người hưởng chế độ hưu trí thì chưa.
Hà Hiền (Báo Hànộimới)