Chiến sự Nga – Ukraine được cho là sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm tới, nhưng áp lực với Kiev sẽ lớn hơn khi động lực ủng hộ từ phương Tây lung lay.
Khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai, hàng nghìn dân thường Ukraine đã thiệt mạng, nhiều thành phố và làng mạc bị phá hủy, gần 1/4 dân số nước này vẫn chưa thể trở về nhà. Nga được cho là cũng phải chịu thiệt hại không nhỏ về nhân mạng và đã chi hàng chục tỷ USD cho trang thiết bị quốc phòng phục vụ cuộc chiến.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga ở Zaporizhzhia hồi tháng 11. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm tuần trước xác nhận Nga đã triển khai khoảng 617.000 quân tham chiến ở Ukraine, trong đó 300.000 người được huy động theo lệnh động viên một phần cuối năm ngoái. Khoảng 244.000 binh sĩ đang đóng quân tại các vùng lãnh thổ Ukraine do lực lượng Nga kiểm soát. Tình báo Mỹ ước tính hơn 300.000 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến.
Bất chấp những tổn thất lớn, Nga chưa có dấu hiệu muốn chấm dứt chiến dịch tại Ukraine. Ông Putin tuyên bố hòa bình ở Ukraine chỉ đến khi Nga đạt được mục tiêu của mình là “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và đảm bảo tình trạng trung lập của Ukraine”, điều Kiev kiên quyết bác bỏ.
Giới quan sát cho rằng phát biểu này của ông Putin báo hiệu Nga và Ukraine sẽ tiếp tục cuộc chiến khốc liệt có thể kéo dài qua cả năm 2024.
Ukraine từng kỳ vọng sẽ kết thúc chiến sự trong năm 2023 bằng chiến dịch phản công quy mô lớn, nhưng điều này đã không xảy ra, khi họ không thể xuyên thủng phòng tuyến kiên cố được Nga củng cố trong nhiều tháng.
Chiến dịch phản công bế tắc khiến một số người cho rằng Ukraine sẽ không có bất kỳ cơ hội nào đánh bại lực lượng Nga để giành lại những vùng lãnh thổ quan trọng, dẫn đến việc giới lãnh đạo nước này phải chấp nhận ngừng bắn.
Tuy nhiên, Mark Temnycky, chuyên gia từ Trung tâm Á – Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ, cho rằng đây là nhận định sai lầm. Dù chiến dịch phản công không tạo được đột phá, quân đội Ukraine tới nay đã giành lại hơn một nửa diện tích lãnh thổ mà Nga kiểm soát kể từ khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2/2022. Kiev cũng chiếm lại được một số vị trí quan trọng ở miền nam và miền đông.
Trong suốt thời gian giao tranh, tinh thần chiến đấu của Ukraine vẫn luôn ở mức cao. Phần lớn người dân nước này ủng hộ Tổng thống và quân đội, tin rằng họ sẽ giành thắng lợi cuối cùng, đẩy toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ.
Quân đội Ukraine vẫn cam kết tiếp tục chiến đấu với quyết tâm giành chiến thắng. Chiến tuyến nhiều khả năng sẽ đóng băng trong mùa đông khắc nghiệt, nhưng khi thời tiết ấm lên, quân đội Ukraine có thể tiếp tục chiến dịch phản công của mình, tìm kiếm những cách thức mới để chọc thủng phòng tuyến của Nga ở miền nam và miền đông.
Về phía Nga, dù quân đội chịu nhiều tổn thất trong suốt cuộc xung đột, hầu hết người dân nước này vẫn ủng hộ chiến dịch tại Ukraine. Chính quyền Tổng thống Putin không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc ngừng cuộc chiến.
Chính phủ Nga cũng đã bố trí ngân sách để chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài ở Ukraine”. Bộ Tài chính Nga cho biết ngân sách quốc phòng của nước này năm 2024 là gần 10,8 nghìn tỷ ruble (hơn 111 tỷ USD), chiếm khoảng 6% GDP Nga và tăng 68% so với chi tiêu quân sự năm trước đó.
Cả Ukraine và Nga hiện tại đều không sẵn sàng đàm phán, vì vậy cách duy nhất để kết thúc xung đột có lẽ là trên chiến trường, Temnycky nhận định. Phương Tây sẽ phải làm mọi cách có thể để đảm bảo Ukraine giành được chiến thắng toàn diện và đây là một nhiệm vụ đầy thách thức.
“Để hoàn thành mục tiêu này, Ukraine, Mỹ và châu Âu sẽ phải hợp tác để thực hiện một nỗ lực khác mạnh mẽ hơn nhằm chống lại Nga”, Temnycky cho hay. “Nếu ủng hộ của công chúng Mỹ và EU dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ và nếu các lãnh đạo phương Tây có thể tăng tốc độ cung cấp viện trợ quốc phòng, cơ hội chiến thắng vẫn còn với Ukraine”.
Nhưng đang xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại với Ukraine về sự ủng hộ từ phương Tây trong năm 2024. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, viện trợ cho Ukraine đã bị chặn lại tại quốc hội Mỹ. Một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện vẫn kiên quyết phản đối viện trợ cho Kiev, yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden đầu tư hơn cho chính sách kiểm soát biên giới của Mỹ.
Những diễn biến đáng không thuận lợi cho Kiev cũng xuất hiện ở châu Âu. Đảng Cấp tiến Slovakia có quan điểm thân Nga đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 9 và tuyên bố sẽ ngừng gửi viện trợ tới Ukraine.
Đảng Tự do theo đường lối cực hữu hồi tháng 11 thắng trong tổng tuyển cử ở Hà Lan. Đảng này cũng đe dọa sẽ ngừng gửi viện trợ cho Ukraine.
Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP |
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, các nhóm dân túy ở châu Âu đang mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng. Họ cũng gây được chú ý tại Mỹ, nhiều người trong số đó phản đối gửi viện trợ tới Ukraine.
Do một số đồng minh châu Âu của Ukraine như Bỉ, Phần Lan, Đức và Romania sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương và khu vực vào năm tới, điều này có thể dẫn đến nhiều rắc rối hơn nữa với Kiev.
Kết quả các cuộc bầu cử trên, và cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 tại Mỹ, sẽ quyết định tương lai dòng viện trợ bổ sung dành cho Ukraine, điều Kiev đang rất cần, theo giới phân tích.
“Chiến thắng cho Ukraine là điều có thể đạt được. Nhưng người Mỹ và châu Âu cần quyết định xem liệu họ có quyết tâm hỗ trợ Ukraine đến cùng để chấm dứt xung đột hay không”, chuyên gia Temnycky nói.
Theo Vnexpress