BẮC GIANG – Phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ (TMDV) khu vực nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Bởi phát triển TMDV không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân nông thôn, mà còn thúc đẩy phát triển KT-XH của mỗi địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) văn minh, hiện đại.
Thay đổi thói quen mua sắm của người dân
Gần đây, hạ tầng thương mại địa bàn nông thôn trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay. Hàng trăm cửa hàng tự chọn, siêu thị, siêu thị mi ni mọc lên. Nhiều điểm kinh doanh theo mô hình cửa hàng tự chọn cũng hình thành ngày càng nhiều ở địa bàn các huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn, Tân Yên… đặc biệt là ven các khu, cụm công nghiệp (tại các huyện Việt Yên, Yên Dũng) phục vụ người dân địa phương và công nhân.
Cụ Lương Thị Dinh (đứng giữa) và cụ Dương Thị Thảng chọn mua hàng tại Siêu thị The City. |
Các mô hình kinh doanh này có ưu điểm là bán đa dạng sản phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ, thời gian sử dụng, giá cả được niêm yết, không gian bán hàng mát mẻ, thân thiện, đa dạng hình thức thanh toán… nên được người dân tin dùng.
Bên cạnh đó, một số địa phương như: Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn… đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng các siêu thị và trung tâm TMDV quy mô lớn, hiện đại. Huyện Lục Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trong phát triển hạ tầng thương mại. Sự chuyển biến này góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân khu vực nông thôn và hoàn thiện các chỉ tiêu kinh tế trong xây dựng NTM ở địa phương.
Ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Lương Thị Dinh và Dương Thị Thảng, cùng tổ dân phố 19, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) tuần nào cũng rủ nhau đạp xe đến Siêu thị The City Lục Nam mua sắm đồ dùng sinh hoạt như: Nước mắm, bột canh, dầu ăn, sữa… cho gia đình. Cụ Dinh chia sẻ: “Các mặt hàng ở đây có niêm yết giá rõ ràng nên đỡ phải mặc cả, lại bảo đảm chất lượng vì có tem, nhãn ghi nguồn gốc xuất xứ. Trong siêu thị rộng rãi, có điều hòa mát mẻ, dịp cuối tuần nhiều mặt hàng được khuyến mại, giảm giá nên tôi thích đến đây mua sắm hơn ngoài chợ”.
Siêu thị The City Lục Nam (thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ The City Việt Nam) được xây dựng tại khu Chằm Mới, cạnh đường tỉnh 293, thị trấn Đồi Ngô với diện tích 1 ha, tổng mức đầu tư theo chủ trương là hơn 29,8 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2022. Riêng diện tích kinh doanh hơn 4 nghìn m2. Đây là siêu thị có quy mô lớn thứ 2, sau Siêu thị GO! Bắc Giang.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc điều hành, hiện siêu thị đang bày bán 25 nghìn mặt hàng, từ thực phẩm, củ quả, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, đồ gia dụng đến hóa mỹ phẩm, thời trang… đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Doanh số của siêu thị đạt 5 tỷ đồng/tháng, mục tiêu trong 5 năm tới tăng trưởng 20%/năm. Siêu thị The City Lục Ngạn tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn) cũng đang được xây dựng với quy mô tương tự, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 10 năm nay.
Ông Trần Văn Chức, Phó trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng Lục Nam cho biết, ngoài Siêu thị The City Lục Nam, huyện còn có 17 chợ (3 chợ hạng II và 14 chợ hạng III) cùng hàng chục điểm bán hàng hoạt động theo mô hình cửa hàng tự chọn tại các xã, thị trấn. Năm 2023, Lục Nam phấn đấu về đích huyện NTM nên giai đoạn 2021-2023, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn hơn 1,7 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp chợ Đồng Đỉnh, xã Bình Sơn và chợ Gàng, xã Vô Tranh, góp phần để các xã này hoàn thành tiêu chí số 7 “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” trong xây dựng xã NTM.
Kết quả, huyện Lục Nam hoàn thành tiêu chí kinh tế để về đích cuối năm nay. Cùng với cải tạo, xây dựng chợ, siêu thị trên địa bàn, Lục Nam còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng thanh toán trực tuyến, thực hiện văn minh thương mại.
Tạo động lực xây dựng nông thôn mới
Trên địa bàn tỉnh hiện có 133 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 14 chợ hạng II, 118 chợ hạng III, tổng diện tích đất chợ hơn 66,4 ha; có hơn 14,4 nghìn điểm kinh doanh đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 15,5 nghìn lao động kinh doanh thường xuyên tại chợ.
Giai đoạn 2021-2023, Bắc Giang xây dựng thêm 2 chợ, gồm chợ Ninh Sơn và Núi Hiểu (cùng huyện Việt Yên), tổng diện tích 3,9 nghìn m2, tổng đầu tư 10,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 5 chợ, bao gồm: Chợ Kế, chợ Mỹ Độ (TP Bắc Giang); các chợ: Kép, Triển, Năm (Lạng Giang), tổng kinh phí 20,9 tỷ đồng. Thu hút đầu tư và đưa vào vào sử dụng Siêu thị The City Lục Nam, tổng mức đầu tư hơn 29,8 tỷ đồng; đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, khởi công xây dựng 3 khu TMDV tổng hợp tại Việt Yên… |
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã xây dựng thêm 2 chợ, gồm chợ Ninh Sơn, xã Ninh Sơn và chợ Núi Hiểu, xã Quang Châu (cùng huyện Việt Yên), tổng diện tích 3,9 nghìn m2, tổng mức đầu tư 10,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 5 chợ, bao gồm chợ Kế, chợ Mỹ Độ (TP Bắc Giang), tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng; các chợ: Kép, Triển, Năm (Lạng Giang), tổng kinh phí 5,9 tỷ đổng từ nguồn vốn NSNN.
Tỉnh hiện có 5 trung tâm thương mại; 5 siêu thị, trong đó có 2 siêu thị hạng I, 1 siêu thị hạng II. Bên cạnh đó, một số huyện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các dự án TMDV.
Ví như huyện Lạng Giang đã thu hút dự án thương mại quy mô khoảng 5 nghìn m2 tại xã Tân Hưng; lập hồ sơ đề xuất danh mục đối với 9 dự án TMDV tại một số địa phương như: Thị trấn Vôi, các xã Tân Hưng, Xương Lâm, Yên Mỹ, Tiên Lục, Quang Thịnh…; huyện Việt Yên đã tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, khởi công xây dựng 3 khu TMDV tổng hợp.
Có được kết quả trên là do ngay từ năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp (2020-2025), các huyện, TP đã chủ động quy hoạch, rà soát các khu vực, vị trí để hoàn thiện các điều kiện, công bố thu hút đầu tư hạ tầng TMDV nhằm từng bước hình thành các khu TMDV tập trung theo hướng đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch. Ngoài ra, huyện Lạng Giang, Việt Yên, TP Bắc Giang đã dành phần kinh phí từ NSNN để xây mới, cải tạo, nâng cấp một số chợ trên địa bàn. Nhờ đó, hạ tầng TMDV, nhất là khu vực nông thôn được đầu tư và đạt kết quả tích cực. Hệ thống bán lẻ phát triển rộng khắp, tới các thôn, bản, làng.
Kết quả, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ năm 2022 của tỉnh đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so với năm 2021; năm 2023 ước đạt 43,3 nghìn tỷ đồng (mục tiêu Đại hội đến năm 2025 là 56 nghìn tỷ đồng); tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 13,8%/năm. Đây được coi là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GRDP ngành TMDV, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hạ tầng TMDV ở khu vực nông thôn còn giúp các xã NTM, NTM nâng cao hoàn thành tiêu chí số 7 về “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” và tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí huyện NTM. Đây là những tiêu chí quan trọng, thể hiện hiệu quả thực chất, bền vững trong xây dựng NTM.
Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, các dự án đầu tư hạ tầng TMDV trên địa bàn tỉnh khi đi vào hoạt động sẽ hình thành khu TMDV mới, hiện đại; đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của nhân dân và người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời thúc đẩy giao thương, tạo thêm động lực cho phát triển KT-XH, góp phần để các địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: Thế Đại
TP Bắc Giang: Dẹp chợ cóc, chợ tạm, xây dựng văn minh thương mại
(BGĐT) – Hiện nay, trên địa bàn TP Bắc Giang vẫn còn nhiều chợ cóc hoạt động tự phát dọc các tuyến phố, khu dân cư. Tại những nơi này, người kinh doanh chiếm dụng vỉa hè bày bán hàng kéo theo người mua dừng đỗ xe dưới lòng đường gây ảnh hưởng an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh và mỹ quan đô thị.
(BGĐT) – Ngày 6/3, tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện phối hợp với UBND xã Hồng Giang tiếp nhận phần mềm và ra mắt “Sàn thương mại nông sản điện tử” phụ nữ Hồng Giang.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, thu hút đầu tư, chuẩn hóa hạ tầng thương mại nông thôn, mô hình cửa hàng tự chọn, phát triển hạ tầng thương mại, siêu thị, siêu thị mi ni, xây dựng nông thôn mới, đại hội đảng bộ tỉnh