BẮC GIANG – Bản Mậu thuộc xã Tuấn Mậu xưa và nay là tổ dân phố (TDP) Mậu thuộc thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) là một trong những điểm “vùng lõi” thuộc Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. Đến với TDP Mậu, du khách sẽ được khám phá đời sống sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao như: Lễ Cấp sắc, Lễ hội Cầu mùa, dân ca Dao, tiêu biểu là tục thờ cúng Bàn Vương.
Nguồn gốc tục thờ cúng Bàn Vương
Dân tộc Dao có lịch sử lâu đời và dần chia thành nhiều nhóm nhỏ, có sự biến đổi về tiếng nói, trang phục. Vì thế, về tín ngưỡng, các loại hình văn hóa dân gian truyền thống hay nhà ở cũng có sự khác biệt song các nhánh người Dao lại có một điểm chung đó là việc duy trì tục thờ cúng Bàn Vương.
Điệu múa Rùa của người Dao ở tổ dân phố Mậu. |
Theo truyền thuyết, Bàn Vương vốn là Long Khuyển Hồ, nhờ lập được công lao to lớn, giết được Cao Vương (xâm lược nước Bình Vương) nên được vua Bình Vương trọng thưởng và gả công chúa cho. Họ sinh được 12 người con (6 trai, 6 gái) đều được vua Bình Vương ban sắc thành 12 họ (Bàn, Lam, Mãn, Uyển, Đặng, Triệu, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Lý). Khi vua Bình Vương chết, Bàn Vương lên ngôi, vẫn giữ nếp sống giản dị, dạy người Dao trồng lúa, dệt vải… Sau khi Bàn Vương qua đời, con cháu vẫn duy trì tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ và trở thành tục thờ cúng Bàn Vương.
Tục thờ cúng Bàn Vương của người Dao thuộc tục thờ cúng tổ tiên, chỉ khác Bàn Vương không phải tổ tiên gần của một vài gia đình hay một vài dòng họ mà được quan niệm là thủy tổ của người Dao. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn Vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và cả cộng đồng. Trong các nghi lễ lớn của gia đình, dòng họ, người Dao đều làm lễ cúng Bàn Vương.
Tục thờ cúng Bàn Vương là nét sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt của người Dao, mang tính biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hóa dân tộc. Lễ cúng thể hiện tinh thần luôn nhớ đến nguồn cội, cùng niềm tin tổ tiên phù hộ cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tín ngưỡng thờ cúng Bàn Vương còn trở thành sợi dây liên kết các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng…
Tục thờ cúng Bàn Vương ở tổ dân phố Mậu
TDP Mậu có 330 hộ, với 1.335 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao, thuộc nhóm Dao Thanh Phán chiếm khoảng 75%. Cùng đó, còn có một số đồng bào thuộc nhóm Dao Lô Gang, Dao Thanh Y, Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Thổ, Sán Dìu cùng sinh sống.
Hằng năm, cộng đồng người Dao ở TDP Mậu tiến hành tổ chức nghi lễ thờ cúng Bàn Vương vào mùng 3/3 Âm lịch. “Thầy mo trưởng” làm thủ tục cúng tế “Lễ hứa đầu năm” của tất cả các gia đình người Dao trong TDP. |
Trước năm 1945, người Dao ở đây vẫn duy trì cuộc sống du canh, du cư, săn bắn, phát nương rẫy để lấy lương thực và thực phẩm. Sau năm 1945, theo tiếng gọi của Đảng, với những chính sách phù hợp, người Dao ở đây được vận động định cư, ổn định cuộc sống nên không có sự chênh lệch nhiều so với các dân tộc khác ở địa phương. Đồng bào luôn trân trọng, gìn giữ nhiều phong tục, tập quán mang bản sắc riêng của dân tộc mình, trong đó có tục thờ cúng Bàn Vương. Đây là nghi lễ tiêu biểu, quan trọng bậc nhất, mang tính chủ đạo, kết nối, xuyên suốt với các nghi lễ khác của cộng đồng người Dao nơi đây.
Từ nhiều đời nay, ngoài thực hiện lễ cúng Bàn Vương gắn với các nghi lễ lớn của gia đình, dòng họ; hằng năm, cộng đồng người Dao ở TDP Mậu còn cùng nhau tổ chức thờ cúng Bàn Vương tại khu vực miếu Vực Rùa, nằm cạnh một con suối chảy qua trung tâm TDP. Đây là ngôi miếu có nền móng được xây dựng vuông vức bên vách núi, mặt ngoảnh về phía con suối, có diện tích khoảng 12 m2.
Trên nền của miếu có 3 hòn đá (mỗi hòn có chiều cao 20 cm, rộng 15 cm) được đặt theo thế chân kiềng, một phần được chôn chặt dưới nền, ở giữa đặt 1 bát hương, đồng thời cũng là nơi đặt rượu, nước để hành lễ. Theo những già làng ở đây, từ khi còn nhỏ đã theo cha ông vào đây và biết đến miếu Vực Rùa. Vị trí đặt 3 hòn đá được coi là linh thiêng nhất; dù ngôi miếu có được tu sửa thế nào thì 3 hòn đá vẫn “bất di bất dịch”. Đây chính là vật thiêng, thể hiện tín ngưỡng tâm linh mà người Dao ở TDP Mậu định kỳ hằng năm đến đây hành lễ.
Hằng năm, cộng đồng người Dao ở TDP Mậu tổ chức nghi lễ thờ cúng Bàn Vương vào mùng 3/3 Âm lịch. “Thầy mo trưởng” làm thủ tục cúng tế “Lễ hứa đầu năm” của tất cả các gia đình người Dao ở TDP. “Thầy mo trưởng” được “bầu cử” bằng nghi thức tín ngưỡng “xin quẻ Âm – Dương” để đại diện các dòng họ trong vùng thực hiện nghi thức cúng tế chung trong nhiệm kỳ 3 năm. Nghi thức tổ chức “Lễ hứa đầu năm” được thực hiện tại miếu Vực Rùa và lập Đàn tế cúng tại nhà “Thầy mo trưởng”.
Trong đó, buổi sáng tại miếu Vực Rùa, “Thầy mo trưởng” chọn 4 người đàn ông, đại diện cho 4 dòng họ khởi phát vùng đồng bào dân tộc Dao tại TDP Mậu, cùng góp gà, rượu, gạo nấu cơm dâng cúng tế để cầu mong Bàn Vương và các vị thần ban cho dân làng điều may mắn trong năm mới. Buổi chiều, tại sân nhà “Thầy mo trưởng”, các thầy mo trong vùng và nhân dân cùng lập Đàn tế cúng cầu mong Bàn Vương và các vị thần linh phù hộ sang năm mới mọi người luôn được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu…
Sau lễ cúng, nhiều nếp sinh hoạt văn hóa được thể hiện như hát dân ca Dao với các làn điệu: Hát đối đáp, giao duyên, Páo dung… Đến mùng 6/6 và 2/8 Âm lịch, “Thầy mo trưởng” làm thủ tục cúng tế “Lễ phù trợ”. Mục đích của nghi lễ này là tiếp tục cầu khấn Bàn Vương phù hộ cho mọi người luôn mạnh khoẻ…
Khép lại các nghi lễ trong một năm, vào dịp tháng Chạp (trước ngày 15 tháng Chạp), “Thầy mo trưởng” mở sách chọn ngày lành để thông báo tới dân làng làm thủ tục cúng tế “Lễ trả ơn năm” (địa điểm, thành phần, cách thức tổ chức tương tự như “Lễ hứa đầu năm”). Để thực hiện nghi lễ này, dân làng cùng chuẩn bị đồ lễ gồm: Tiền mã, 1 con lợn làm sạch, 1 con gà, rượu, gạo, bánh làm từ gạo nếp, bát hương (làm từ cây dáng quỷ)… Đây là nghi lễ được thể hiện như lời tạ ơn Bàn Vương đã cho dân bản trong một năm đã qua và cầu mong sang năm mới phù hộ cho mọi người mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Trong dịp này, dân làng lại tề tựu ăn uống, thể hiện các nếp sinh hoạt văn hóa như: Hát dân ca Dao, các điệu múa dân gian của người Dao… tiêu biểu là điệu hát Páo dung. Thông qua đó, người Dao gửi gắm tâm tư tình cảm, ước nguyện của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn, mỗi bài hát đều có nội dung thống nhất là đề cao tinh thần lao động, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi tình yêu đôi lứa… Cùng đó, các điệu múa của người Dao thường miêu tả lịch sử thiên di, quá trình phát triển, cuộc sống lao động của dân tộc mình như: Múa rùa, múa gà, múa chuông, múa khăn, múa nón …
Tục thờ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao nói chung và đồng bào dân tộc Dao ở TDP Mậu nói riêng đều thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp. Các nội dung được thể hiện trong nghi lễ này là những ước nguyện giản dị của cộng đồng người Dao trong cuộc sống thường nhật; đồng thời góp phần giáo dục các thế hệ hiểu biết về cội nguồn dân tộc, truyền thống văn hóa, củng cố mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Bài, ảnh: Phí Trường Giang
Gìn giữ dân ca của người Dao
BẮC GIANG – Dân ca dân tộc Dao (còn gọi là Pả Du hay Páo Dung) hình thành từ lâu đời và trở thành món ăn tinh thần của người dân tộc Dao Thanh Phán trên địa bàn huyện Sơn Động. Những lời ca, tiếng hát mộc mạc, ngọt ngào của đồng bào chứa đựng niềm tin, khát vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ làn điệu này.
Độc đáo văn hóa người Dao Bắc Giang
(BGĐT) – Dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 10 nghìn người cư trú tại 4 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Trong đó, người Dao tập trung nhiều nhất tại huyện vùng cao Sơn Động.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Lễ Cấp sắc, Lễ hội Cầu mùa, dân ca Dao, Tục thờ cúng Bàn Vương, người Dao, Tây Yên Tử, Dân tộc Dao, lịch sử lâu đời