Sau khoảng lặng dài một năm, ông Biden và ông Tập gặp nhau tại California, cam kết giảm căng thẳng mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
“Đối với hai nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, quay lưng với nhau không phải là lựa chọn”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói khi bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại điền trang Filoli, bang California. “Xung đột và đối đầu sẽ dẫn tới những hậu quả không thể chịu đựng được cho cả hai bên”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điền trang Filoli, bang California ngày 15/11. |
Tổng thống Mỹ nói với ông Tập rằng “điều tối quan trọng” là hai lãnh đạo, những người đã biết nhau nhiều thập kỷ, hiểu nhau hơn và “đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột”.
Cuộc gặp tại California ngày 15/11 đánh dấu lần đầu tiên ông Biden và ông Tập nói chuyện với nhau kể từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Tại cuộc gặp năm ngoái, hai lãnh đạo đã cam kết “quản lý” quan hệ trong bối cảnh Mỹ – Trung bất đồng gay gắt về nhiều vấn đề, từ kinh tế, công nghệ cho tới nhân quyền.
Tưởng như quan hệ Mỹ – Trung đã ấm lên sau cuộc gặp đó, nhưng mọi thứ lại lao dốc vì những căng thẳng liên quan tới vấn đề Đài Loan cũng như vụ bắn rơi khí cầu Trung Quốc ngoài khơi nước Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này giữa ông Biden và ông Tập thắp hy vọng mới về khả năng mối quan hệ song phương “quan trọng nhất thế giới” sẽ được cải thiện, khi hai bên hứa hẹn giảm căng thẳng và nỗ lực để tránh xung đột.
“Miễn là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình, chúng ta sẽ có khả năng vượt qua những khác biệt”, ông Tập nói. “Trái Đất đủ lớn để cả hai quốc gia cùng thành công”.
Các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết trong 4 giờ thảo luận, hai cường quốc đã nhất trí khôi phục kênh liên lạc giữa hai quân đội, sau khi đường dây này bị Bắc Kinh đình chỉ để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022.
Điều này đồng nghĩa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về các vấn đề giữa quân đội hai nước.
Ông Tập cũng cam kết kiểm soát xuất khẩu các hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl, loại thuốc giảm đau gây nghiện đang bị lạm dụng tại Mỹ và khiến nhiều người thiệt mạng.
Lãnh đạo Mỹ – Trung cũng thảo luận về sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công nghệ máy bay không người và đầu đạn hạt nhân, song quan chức Mỹ cho biết hai lãnh đạo chưa sẵn sàng ra tuyên bố cho các vấn đề này.
Tổng thống Biden bày tỏ mong muốn Trung Quốc tăng hỗ trợ trong xung đột Ukraine ở châu Âu. Ông thúc giục ông Tập sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc với Iran để thuyết phục Tehran và các lực lượng dân quân được họ hậu thuẫn không làm xung đột Israel – Hamas lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.
Giới quan sát cho rằng hội nghị thượng đỉnh ở điền trang Filoli diễn ra vào thời điểm rất nhạy cảm và quan trọng, bởi Mỹ năm sau sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và hai lãnh đạo khó có thể gặp nhau trong thời gian đó.
“Tương lai địa chính trị trong 12-18 tháng tới có thể là lý do thúc đẩy Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này. Họ mong muốn có thể đạt thỏa thuận cấp lãnh đạo, trong đó ông Tập và ông Biden trực tiếp nói với nhau rằng cả hai sẽ gặp khó khăn trước môi trường địa chính trị thay đổi nhanh chóng nếu không tìm kiếm được sự ổn định trong khi cạnh tranh”, Jude Blanchette, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nói.
Dù cuộc gặp tập trung vào nỗ lực làm tan băng quan hệ ngoại giao, hai lãnh đạo đã thảo luận về những bất đồng lâu dài gồm vấn đề Đài Loan, chương trình xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, tình hình Biển Đông và eo biển Đài Loan, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến của Mỹ.
Ông Tập nhấn mạnh Đài Loan là “vấn đề tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Trung”, khi ông Biden kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc tôn trọng tiến trình bầu cử dự kiến diễn ra ở Đài Loan vào tháng 1/2024. Ông Tập bác bỏ mọi quan điểm cho rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực trong thập kỷ tới.
“Tổng thống Biden không gây áp lực. Ông ấy thể hiện sự tôn trọng, nhưng vẫn thẳng thắn”, quan chức Mỹ nói, thêm rằng đã “có nhiều trao đổi, nhượng bộ hơn” giữa hai lãnh đạo so với cuộc gặp ở Bali, Indonesia hồi năm ngoái.
Dù Nhà Trắng đã cố hạ thấp kỳ vọng về cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden, đây vẫn được xem là bước đi quan trọng để xoa dịu căng thẳng, theo giới phân tích.
“Phía Trung Quốc không kỳ vọng cuộc gặp sẽ là bước ngoặt cho quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, nó đóng vai trò biểu tượng về giảm căng thẳng giữa hai nước”, Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nói.
Các quan chức cấp cao của cả Mỹ và Trung Quốc đều xem mục tiêu của hai bên trong cuộc gặp là tìm ra cách quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm. Ông Biden từ lâu lo ngại một bước đi sai lầm có thể dẫn tới leo thang căng thẳng vượt tầm kiểm soát với cả hai bên. Kịch bản này có thể được ngăn chặn khi lãnh đạo cao nhất của hai nước có thể liên lạc với nhau một cách cởi mở và tức thời.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và theo đuổi chính sách ngoại giao cấp cao với Trung Quốc theo cả hai chiều nhằm giữ các kênh liên lạc, bao gồm cả giữa Chủ tịch Tập và tôi, luôn mở”, ông Biden cho biết tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. “Ông ấy và tôi nhất trí mỗi người sẽ nhấc máy, gọi điện trực tiếp và nghe máy ngay lập tức”.
Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung tại Hiệp hội châu Á ở Mỹ, nhận định ông Tập có thể có động lực để cải thiện quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng như kỳ trọng trong những tháng gần đây.
“Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình đang nhận ra rằng chính sách ngoại giao căng thẳng với Mỹ và doanh nghiệp nước này không mang lại lợi ích cho kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, cần có những điều chỉnh về hướng đi”, Schell nói.
Dù vậy, câu hỏi về việc Mỹ – Trung nối lại quan hệ sẽ mang tính thực chất hay chỉ là biểu tượng vẫn chưa có lời đáp rõ ràng, theo giới quan sát.
Trong bối cảnh ông Biden phải đối mặt với hai cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Âu, cũng như chiến dịch tái tranh cử căng thẳng sắp tới, trong khi ông Tập phải xử lý các thách thức về kinh tế trong nước, cả hai lãnh đạo sẽ được hưởng lợi bằng cách cho thấy họ có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hiệu quả.
“Khi họ gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh thành công, điều đó sẽ gửi tín hiệu mang tính xây dựng tới toàn thế giới”, Da Wei, giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, nói.
Theo VnExpress