BẮC GIANG – Ngày 26/12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; đại diện các tỉnh, TP tại các điểm cầu trên cả nước. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chủ trì.
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có các đồng chí: Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, một số sở, ban, ngành tỉnh.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tham luận về công tác giáo dục nghề nghiệp. |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, Bộ LĐTBXH đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tại hội nghị này, đồng chí đề nghị đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương thảo luận đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục những tồn tại trong năm 2024.
Trong năm, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động tiếp tục phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập đều tăng so với năm trước. Kết nối cung – cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc đã hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm. Kết quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155 nghìn người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện có khoảng 650 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất những kết quả đạt được của ngành đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, trao đổi, làm rõ những khó khăn, tồn tại như: Thị trường lao động phát triển không đồng đều, mất cân đối cung – cầu, tỷ lệ thất nghiệp chung thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; mức chuẩn trợ giúp xã hội quá thấp so với mức sống tối thiểu; tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa đáp ứng được yêu cầu công tác cai nghiện.
Tham luận tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn cho biết, các chỉ tiêu về an sinh xã hội tỉnh Bắc Giang cơ bản được thực hiện tốt, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức; trong đó công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu cơ bản về đào tạo nghề vượt kế hoạch năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề cho 29.546 người, đạt 101,9% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 33,6% (tăng 1,6% so với năm 2023). Hơn 90% người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và trên 80% người học tốt nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm phù hợp. Tại Bắc Giang đã có một số mô hình liên kết đào tạo nghề giữa các trường cao đẳng nghề và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Qua đó từng bước nâng cao trình độ, tay nghề người lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Các đại biểu dự tại hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục nghề nghiệp, đồng chí đề nghị Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu rà soát để ban hành một chính sách chung trong hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng để bảo đảm sự tập trung, thuận lợi trong triển khai thực hiện. Bộ sớm có văn bản trả lời rõ cho các địa phương việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nào được sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời có văn bản hướng dẫn rõ cách xác định đối tượng thụ hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề: “Người học nghề”, “Người lao động có thu nhập thấp”. Đề nghị Bộ xem xét, tham mưu cho Chính phủ ban hành mức hỗ trợ đào tạo nghề mới, cao hơn mức hỗ trợ đào tạo nghề đã quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương những nỗ lực, kết quả đạt được của toàn ngành LĐTBXH trong năm qua, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển KT-XH của cả nước. Đồng chí đề nghị toàn ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển KTXH của đất nước.
Thực hiện tốt các chính sách ổn định thị trường lao động và phát triển thị trường lao động, hiện đại, vận hành linh hoạt, bảo đảm đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính, ngân sách. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc.
Tin, ảnh: Lệ Thanh
Nỗ lực bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động
BẮC GIANG – Những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự và thời gian làm việc khiến không ít lao động mất việc hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ), các cấp chính quyền, ngành chức năng đã và đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ.
bộ lđtbxh, chính phủ, bắc giang, lao động, người có công, hội nghị, năm 2024