BẮC GIANG – Ngày 18/11, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức tọa đàm “Kết nối nhà trường và doanh nghiệp (DN) trong việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”.
Tham dự chương trình có đại diện Hiệp hội Các trường cao đẳng, đại học Việt Nam; Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh; Huyện đoàn Việt Yên; lãnh đạo nhà trường; 29 DN trong và ngoài tỉnh.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia buổi tọa đàm. |
Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nhà trường được đánh giá, kiểm định theo bộ tiêu chí quốc gia và được công nhận đạt chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; chuyên đào tạo các lĩnh vực: Nông – lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghệ thực phẩm, kinh tế – tài chính, công nghệ và ngôn ngữ.
Tất cả các ngành đều được thiết kế theo định hướng ứng dụng. Hiện nay, nhà trường đang liên kết với hơn 100 DN, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu, tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.
Mô hình trường đại học đào tạo theo nhu cầu DN là mô hình mới, được nhiều trường đại học trên cả nước nghiên cứu, áp dụng. Theo đó, DN góp phần quan trọng trong việc xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế. Từ đó, giúp sinh viên chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Tọa đàm tập trung vào 3 nhóm chủ đề gồm: DN đồng hành trong tuyển sinh, DN đồng hành trong đào tạo, DN đồng hành trong sử dụng lao động tốt nghiệp. Tại đây, nhà trường và DN đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo, cùng những điểm mạnh, hạn chế của sinh viên về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để có lộ trình điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn.
Ông Hoàng Văn Đàn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH công cụ CIBON Việt Nam trao đổi tại buổi tọa đàm. |
Trước thực tế sử dụng lao động là những sinh viên mới tốt nghiệp, ông Hoàng Văn Đàn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH công cụ CIBON Việt Nam cho rằng nhiều sinh viên khi ra trường còn bỡ ngỡ, thiếu các kỹ năng mềm, thiếu hiểu biết về hoạt động thực tế của DN; điều này thậm chí xảy ra cả ở những sinh viên có điểm tốt nghiệp cao.
Để có thể đáp ứng yêu cầu của các DN trong bối cảnh hiện nay, các em cần có các kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành. Đồng thời, DN và nhà trường có sự trao đổi, liên kết trong quá trình đào tạo nhằm hỗ trợ sinh viên tiếp cận, thực hành nghề nghiệp ngay từ sớm.
Bà Bùi Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng Hải Thịnh chia sẻ, hằng năm, Công ty cần tuyển dụng rất nhiều vị trí nhân sự và có chế độ đãi ngộ tốt cho những nhân viên có chuyên môn vững vàng. Công ty rất hài lòng với các sinh viên của nhà trường thực tập và làm việc tại đây. Bà mong muốn sinh viên đặt ra mục tiêu học tập rõ ràng để củng cố kỹ năng, sự nhiệt huyết cho nghề nghiệp tương lai. Cùng đó, các em cần tham gia các hoạt động xã hội, các trải nghiệm thực tế để có thêm kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, đại diện các DN trao đổi một số nội dung như: Hỗ trợ sinh viên thực tập tốt nghiệp, giúp sinh viên tiếp cận được với những công nghệ mới đang được áp dụng tại các DN; cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp; hoạt động truyền thông nhằm tuyển sinh, thu hút sinh viên…
Tại buổi tọa đàm, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang và 16 DN đã ký kết chương trình hợp tác. Đây là một trong những chiến lược quan trọng nhằm phát triển giáo dục đào tạo, giúp DN có thêm nguồn nhân lực chất lượng đồng thời cũng mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tin, ảnh: Thu Thủy
tin tức bắc giang, tọa đàm, nhà trường, doanh nghiệp, đại học nông – lâm bắc giang