BẮC GIANG – Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thành lập tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ). Với nòng cốt là bí thư chi bộ thôn, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Chuyển biến tích cực
Tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ; cho rằng phụ nữ không cần đi học, không tham gia công tác xã hội; tình trạng tảo hôn… Điều này đã tác động tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc cũng như quá trình phát triển KT-XH lâu dài của vùng DTTS. Để giải quyết các vấn đề trên, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp thành lập tổ TTCĐ.
Đồng chí Triệu Văn Hương, Bí thư Chi bộ thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) phân công nhiệm vụ cho thành viên tổ TTCĐ. |
Đây là một trong những nội dung của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em”. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, nắm bắt và phản ánh những vấn đề khó khăn liên quan đến cuộc sống của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn. Trong đó chú trọng phát huy vai trò của bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố.
Theo đồng chí Lê Thị Xuân Vĩnh, Trưởng Ban Xây dựng tổ chức hội (Hội LHPN tỉnh), đội ngũ này là những người gần dân, hiểu dân, được nhân dân tin tưởng. Họ còn là người có trách nhiệm, khả năng kết nối các mối quan hệ, phân công công việc cho các thành viên khác. Việc lựa chọn người đứng đầu khu dân cư làm tổ trưởng tổ TTCĐ sẽ nâng cao uy tín, hiệu quả tuyên truyền, vận động. Sau gần một năm triển khai, Hội LHPN các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang đã thành lập 285 tổ TTCĐ ở 48 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi với hơn 2 nghìn thành viên. 100% tổ trưởng tổ TTCĐ đều do bí thư chi bộ đảm nhiệm.
Toàn tỉnh hiện có 285 tổ TTCĐ ở 48 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi với hơn 2 nghìn thành viên. 100% tổ trưởng tổ truyền thông đều do bí thư chi bộ thôn đảm nhận. Từ khi thành lập đến nay, các tổ đã thực hiện hơn 2,4 nghìn cuộc tuyên truyền về bình đẳng giới, tham gia giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. |
Tháng 10/2022, Sơn Động là huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình điểm tổ TTCĐ. Với sự vào cuộc tích cực, chỉ sau hai tháng, việc thành lập tổ TTCĐ ở 108 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã hoàn thành với 980 thành viên. Hội LHPN các xã, thị trấn đã sớm tham mưu cho đảng ủy cùng cấp việc lựa chọn thành viên, ban hành quyết định thành lập. Tổ TTCĐ thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo là một điển hình trong tuyên truyền, giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đạt được kết quả đó có sự đóng góp của Bí thư Chi bộ Triệu Văn Hương. Nhiều năm là Bí thư Chi bộ, đồng chí Triệu Văn Hương luôn quan tâm tới đời sống của người dân, nhất là những vấn đề cấp thiết về giới, phụ nữ và trẻ em. Khi được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ TTCĐ, ông thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của đảng viên và nhân dân rồi tổng hợp, đưa ra thảo luận cùng các thành viên trong tổ; tìm hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
Chị Đặng Thị Phương, hội viên phụ nữ thôn cho biết: Trong các cuộc họp thôn, ngoài nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đồng chí Bí thư Chi bộ còn lồng ghép những kiến thức về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Bà con đã tích cực làm theo. Những người đàn ông trong các gia đình đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, hành động; chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình và tạo điều kiện cho vợ tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.
Nâng cao kỹ năng điều hành tổ
Mô hình tổ TTCĐ sau khi thành lập, đi vào hoạt động bước đầu đã có tác động tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở. Hầu hết các công việc khi có tiếng nói của bí thư chi bộ được bà con đồng thuận triển khai.
Đồng chí Đinh Văn Lực, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ TTCĐ thôn Đồng An, xã Đồng Tiến (Yên Thế) nói: “Thôn Đồng An có 142 hộ dân, trước khi thành lập, các đồng chí trong chi ủy, ban quản lý thôn rà soát các hộ có sử dụng điện thoại thông minh để lập nhóm Zalo tuyên truyền. Các vấn đề về bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình được phổ biến qua đây.
Bên cạnh đó, các thành viên tổ còn nắm bắt đời sống nhân dân để hỗ trợ khi cần thiết, tăng cường kết nối giữa các hộ ở khu dân cư”. Quá trình triển khai cho thấy, tổ TTCĐ không những giúp lan tỏa chính sách, quy định đến nhiều người mà còn giúp lãnh đạo thôn nắm được nhiều thông tin hữu ích, kịp thời tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân ở mọi lĩnh vực.
Nhằm nâng cao hiệu quả vận động người dân thực hiện bình đẳng giới, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, điều hành cho các tổ trưởng tổ TTCĐ. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã tổ chức 59 hội nghị về bình đẳng giới; 18 cuộc giao lưu giữa các tổ TTCĐ và gần 20 cuộc phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, các cấp hội sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động tập huấn nâng cao năng lực thành viên tổ TTCĐ theo hướng “cầm tay chỉ việc”; khuyến khích tổ chức các hội nghị chuyên đề để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ TTCĐ thực hiện tốt quy chế, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Thực hiện Đề án Tổ dân vận cộng đồng: Rõ nhiệm vụ, gọn đầu mối
(BGĐT) – Tháng 1/2023, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Kết luận về thực hiện Đề án thành lập và hoạt động của tổ dân vận cộng đồng (DVCĐ) ở thôn, tổ dân phố. Rõ nhiệm vụ, gọn đầu mối, Đề án đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
tin tức bắc giang, bắc giang, hội liên hiệp phụ nữ, dân tộc thiểu số, tổ truyền thông cộng đồng, chiến dịch truyền thông, bí thư chi bộ thôn, bình đẳng giới, phụ nữ và trẻ em