(BGĐT)- Người ta bảo, anh em ruột kiểu gì cũng sẽ giống nhau, không ở cái dáng thì đâu đó ở kiểu đi, đứng, ngồi, nụ cười, giọng nói… Nhưng ngồi phân tích tỉ mẩn từng thứ một, tôi chả thấy mình giống anh Nam ở điểm gì. Nhà có hai anh em trai, khác nhau hoàn toàn từ vẻ bề ngoài đến tính cách. Tôi trầm tính, đi học gần như chỉ ngồi một chỗ đọc sách vở, còn anh tôi lại sôi nổi, lanh lợi, luôn nhìn đời bằng con mắt tích cực.
Anh Nam hơn tôi một tuổi. Mẹ tôi kể lại, khi anh còn đang bú mẹ thì đã có tôi. Tưởng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn là cách tránh thai an toàn, nên mẹ đâu hề hay biết, tôi lại dễ dàng xuất hiện, đến với bố mẹ một cách bất ngờ, ngoài dự định như thế. Kinh tế gia đình có phần khó khăn khi nuôi hai anh em, nhưng với mẹ, hai anh em là điều tuyệt vời nhất mà mẹ đã làm được trong cuộc đời. Mẹ luôn tự hào khi sinh được hai cậu con trai ngoan ngoãn, hiếu thuận, biết thương yêu nhau, điều đó khiến mẹ vô cùng hạnh phúc. Tôi cảm thấy nghi hoặc lời mẹ. Con trai Nam của mẹ quả là hoàn hảo. Khỏe mạnh, đẹp trai, càng lớn càng đĩnh đạc, tài giỏi.
Minh họa: HIỀN NHÂN. |
Bố mẹ sẽ mỉm cười mãn nguyện, tự hào mỗi khi nghĩ về anh Nam. Còn tôi, đứa con trai hay ốm vặt, bị bệnh khớp từ bé, có khi nào sự hiện hữu của tôi ở trên cõi đời này chỉ làm phiền não mọi người. Tôi ghét thân thể của mình mỗi khi cơn đau ập đến. Cùng do bố mẹ sinh, anh tôi thì khỏe mạnh, sao tôi bỗng nhiên lại chịu những trận đau khớp như ai tra tấn. Tôi có phần ghen tị với sự khoẻ mạnh của anh trai. Anh Nam thì nhìn tôi đau xuýt xoa: “Nhất định khi trưởng thành, anh sẽ kiếm thật nhiều tiền để điều trị cho em”.
***
Năm tôi học lớp 8 thì anh tôi học lớp 9, trong một cuộc giao hữu bóng đá giữa các trường với nhau, anh trai tôi đã liên tục dắt bóng khéo léo, mạnh mẽ lao lên, vượt qua các hậu vệ đáng gờm, làm tung lưới đội bạn trong tiếng reo hò nồng nhiệt. Trong tôi dâng lên niềm tự hào khi thấy anh trai mình thật dũng mãnh, giống hệt một người hùng trước đám đông. Hình như Phương, cô bạn gái thân nhất của tôi cũng có vẻ hâm mộ anh Nam, cô bạn mất hẳn kiểm soát khi xem bóng, túm vạt áo tôi, hét toáng lên mỗi lần bóng gần đến khung thành đội bạn và ánh mắt cứ hướng về phía anh trai tôi không chớp. Dù theo dõi miết trận đấu thì tôi vẫn quay sang nhìn Phương nên biết điều đó. Đám đông đang đứng cổ vũ cho đội của trường, ai chả bùng nổ cảm xúc như vậy.
Phương giống anh Nam, luôn tươi cười, vui vẻ. Chúng tôi thân thiết chắc tại một phần vì tính cách bù trừ cho nhau, một phần vì ngồi cạnh nhau suốt mấy năm học cấp 2. Phương biết tôi bị tự ti về bản thân nên không ngừng khích lệ tôi mỗi ngày. Lên cấp 3 tuy không học cùng lớp, Phương vẫn qua nhà tôi trao đổi bài vở. Rất ít khi chúng tôi cãi nhau bởi tôi vốn kiệm lời, ít nói, còn Phương lại là người bạn hiểu chuyện.
Bố mẹ tôi coi Phương như con cái trong nhà. Nhiều người lớn vun vào, bảo tôi và Phương đúng là thanh mai trúc mã. Tôi nghe vậy thì cảm xúc trào dâng, mầm hy vọng lại tăng lên gấp bội. Tôi luôn đoán già đoán non tình cảm của Phương. Bước sang tuổi hai mươi mốt, tôi trở thành chàng trai dong dỏng cao. Anh Nam khen tôi càng lớn càng điển trai, kiểu này nhiều cô xin hàng. Tôi cười đáp: “Tại em là em trai của anh mà”.
Tôi biết mình đã sai hoàn toàn và hẹp hòi vô cùng khi nghĩ anh Nam tỏ ra mẫu mực vì muốn thể hiện với Phương. Trước nay, anh luôn dành những điều tốt đẹp cho tôi, bản thân tôi đã không nhận ra sớm rằng, chính tôi mới là người quá may mắn. Tình anh em yêu thương thắm thiết đến mức hy sinh cả bản thân mình từ trái tim nhân hậu của anh, đâu phải ai cũng có được. Tôi nắm chặt bàn tay bước vào phòng mổ, tự hứa với mình phải thật mạnh mẽ, phải sống vì một phần cơ thể của anh trai sẽ ở trong tôi. |
Là sinh viên rồi mà tôi chưa một lần dám hé lộ tình cảm của mình cho Phương. Anh Nam thì mê mải đi kiếm tiền từ lúc chưa ra trường đến giờ. Như để bù đắp những thiệt thòi mà tôi phải gánh chịu cả thời thơ ấu, anh mua cho tôi đủ thứ tôi thích. Thực ra, hồi bé tôi dễ dàng đón nhận sự nhường nhịn, cưng chiều của anh Nam.
Càng lớn thì tôi càng không thích, thậm chí giờ thì tôi khó chịu. Hai anh em tôi tuổi gần như ngang nhau. Anh Nam cứ chăm lo cho tôi từng chút một, khác gì tôi là đứa trẻ chẳng lớn. Và tôi khó chịu hơn nữa, vì chợt phát hiện ra tấm ảnh của Phương trong túi áo anh Nam khi thu dọn quần áo bẩn. Bỗng nhiên anh Nam làm gì, tôi đều cảm thấy chướng mắt.
Tại sao hai người họ có thể tỏ vẻ bình thản trước tôi, cười cười nói nói ngoài kia. Phương chạy vào phòng gọi tôi ra ngồi cùng, tôi lưỡng lự đi ra. Dưới tán xoài vươn rộng, những đốm nắng li ti chấm lên gương mặt Phương, làm nụ cười càng thêm rạng rỡ, trong trẻo. Vẻ xinh đẹp, thơ ngây ấy luôn khiến tôi xao động. Tôi chợt thấy mình có phần vô lý, Phương hồn nhiên thế kia, nếu tôi không ngỏ lời, làm sao Phương biết tình cảm của tôi. Giữa tôi và Phương bao lâu nay vẫn chỉ là tình cảm bạn bè thì anh Nam hoàn toàn có quyền thích Phương. Nhưng mọi người vun vào cho tôi và Phương, anh Nam nghe phải hiểu chứ, hơn nữa, tôi cảm tưởng Phương rất quan tâm tôi đặc biệt, ân cần chăm sóc tôi, chẳng có lẽ… tôi ảo tưởng.
“Này, xoài thơm lắm, anh Nam vừa hái đấy”. Phương dí quả xoài chín vào mũi tôi, làm tôi giật mình, bừng tỉnh. “Ừ, cây xoài này là tay tớ trồng đấy”.“Thầy giáo tương lai khéo trồng cây phết nhở, chắc dạy trò giỏi phải biết”.Tôi sung sướng, đắc ý trước lời khen của cô bạn: “Tất nhiên rồi, năm nữa ra trường rồi, tớ định xin về trường cũ dạy”. Phương mừng rỡ túm tay tôi: “Tớ cũng sẽ về đây đấy, ba anh em mình lại ngồi với nhau ăn xoài suốt ngày thế này rồi, anh Nam nhỉ”. Anh Nam đang hí hoáy chọc thêm xoài, ngoái lại nhìn Phương vừa cười vừa gật gật. Tôi sững người khi chợt thấy ánh mắt hai người nhìn nhau, rất nhanh thôi, nhưng tình tứ khác lạ. Hay tại tôi nghĩ ngợi nhiều quá. Ngực tôi thắt lại, nhoi nhói.
Chuyện tôi linh cảm, hóa thật. Trước khi về, Phương thỏ thẻ: “Tớ và anh Nam chính thức là người yêu của nhau, cậu thấy thế nào?”. Mặt mày bỗng dưng xây xẩm. Ngực thở dốc. Như bị ai khâu miệng, tôi lặng đi một hồi. Cố gắng lắm, tôi mới trấn an lòng mình để không quá xúc động trước mặt Phương. Phương lay lay tôi: “Ơ, cậu sao thế, cậu không thích tớ với anh Nam yêu nhau sao?”. “Đâu có, chỉ thấy bất ngờ thôi, sao hai người giấu tớ”. “Thì anh Nam mới gật đầu”. “Thế… thế ra cậu cưa anh Nam nhà tớ à?”.
“Bao lâu nay cậu không nhận ra sao, tớ thích anh Nam từ hồi còn học cấp 2 cơ, mà anh Nam nói muốn cần tập trung học để sau có công việc tốt. Tớ chưa thấy ông anh trai nào thương yêu em trai đến vậy đấy, tớ phát ghen với cậu. Nhưng giờ chúng ta trưởng thành cả rồi, anh Nam không thể bắt tớ đợi mãi được. Trước chưa đâu vào đâu, tớ… ngại nên chưa nói với cậu. Cậu phải hiểu, thông cảm cho tớ và anh Nam”. Phương nói đến đấy thì anh Nam gọi với vào, giục Phương ra xe anh đèo về. Tôi lẳng lặng quay mặt vào tường, không nói thêm lời nào. Chắc Phương chỉ nghĩ tôi đang giận vì người bạn gái thân của mình giấu giếm chuyện tình cảm với anh trai, chứ không hề nghĩ trong tôi đang cuồn cuộn lên nỗi hờn ghen, đau khổ.
Như bóng tối đang bao trùm trước sân nhà, lòng tôi ngợp ngụa màu đen. Tôi khờ khạo, ngộ nhận quá. Phương sao có thể đem lòng yêu một người như tôi. Hóa ra bấy nhiêu năm, anh Nam cũng chỉ vì muốn thể hiện trước mặt Phương, nên tỏ ra là người anh trai mẫu mực. Còn Phương ân cần, quan tâm tôi, rốt cuộc để lấy cớ gần anh Nam ư? Giờ tôi đã hiểu, sang năm ra trường, Phương muốn về gần nhà làm, vì anh Nam vừa xin được một vị trí làm ổn định trong kho bạc của huyện. Sao họ lại lợi dụng tôi, để tôi biến thành kẻ thứ ba đáng thương. Tôi hiểu cho họ thì ai hiểu cho tôi? Gió dồn dập hòa vào sương đêm, táp vào mặt tôi tê buốt. Anh Nam đến bên từ lúc nào, nhắc nhở tôi: “Ngủ sớm đi, mai còn lên trường, ngồi ngoài sương lạnh thấm vào người, xương khớp lại đau nhức đấy”. Tôi tránh nhìn anh, lạnh lùng đáp “Việc của anh à!” rồi thủng thẳng đi vào nhà trước vẻ mặt ngơ ngác của anh Nam.
Sáng hôm sau tỉnh giấc, tôi thấy chân tay đau nhức, toàn thân ê ẩm. Người tôi lả đi, nóng bừng bừng. Mẹ và anh Nam vội vã đưa tôi vào bệnh viện. Sau một loạt các kiểm tra, xét nghiệm, ngoài tiền sử bệnh tật cũ thì bác sĩ tặng tôi thêm dòng chữ “Suy thận giai đoạn 4”. Bố mẹ tôi hoang mang cực độ. Tôi suy sụp không hiểu tại sao lại thế, tôi có biểu hiện suy thận từ khi nào mà lại khi phát hiện ra đã biến chuyển nặng vậy. Người như không còn chút sức lực nào, tôi không nén nổi nước mắt. Anh Nam vẫn luôn cứng rắn nhất nhà mỗi lúc gia đình tôi bị dồn vào ngõ tối. Anh vừa động viên bố mẹ, vừa an ủi tôi. Thực ra lâu nay, tôi hay cảm giác mỏi mệt, tưởng bản thân buồn lòng chuyện tình cảm nên vậy. Đâu ngờ ông trời lại bất công với tôi đến thế, nỡ gieo cho tôi căn bệnh bòn tiền, bòn sức này. Giờ tôi chẳng thiết tha gì cuộc đời này nữa.
Gia đình tạm xin bảo lưu kết quả học cho tôi. Tình trạng bệnh của tôi mỗi ngày một nghiêm trọng. Bác sĩ bảo với mẹ tôi, kể cả lọc thận vẫn không duy trì lâu dài được. Tiên lượng tôi sớm phải thay thận. Mà kiếm thận thay thế không dễ dàng, chưa nói đến vấn đề kinh phí. Mẹ tôi ngất lên ngất xuống. Anh Nam nói còn nước còn tát. Nhất định sẽ có cách giải quyết, điều trị cho tôi.
Tôi thực sự muốn buông xuôi, vì gia đình tôi kinh tế hạn hẹp. Chuyện thay thế thận quá khó khăn. Cả ngày tôi nằm bẹp như tàu lá chuối khô, tôi chẳng thiết ăn uống nữa. Giữa buồng bệnh, anh Nam dựng tôi dậy, chỉ tôi nhìn vào khu chạy thận nhân tạo. Nhìn kỹ để biết đâu phải ai cũng khá giả, có bác tuổi đã cao mà tuần nào lọm khọm vào đây vài buổi. Anh Nam hỏi tôi có biết vì sao không? Bởi dù sống được một ngày, họ vẫn tha thiết muốn sống. Họ sống, không chỉ vì bản thân họ, mà vì cả những người thân của họ. Không biết cảm giác của tôi thế nào, nhưng với anh Nam, tôi rời đi như khúc ruột của anh rời đi, anh sẽ đau đớn vô cùng. Anh nói với đôi mắt quầng đỏ. Tôi không kiềm chế được, nấc nghẹn, mãi mới cất được lời với anh trai: “Em hiểu rồi anh ạ!”.
***
Nhanh chóng các thủ tục được hoàn thiện, anh Nam quyết định dứt khoát, yêu cầu bác sĩ lấy một quả thận của mình ghép sang cho tôi. Hai anh em tôi siết lấy nhau trước khi vào buồng phẫu thuật. Bố mẹ tôi đứng bên, rơm rớm nước mắt. Tôi biết mình đã sai hoàn toàn và hẹp hòi vô cùng khi nghĩ anh Nam tỏ ra mẫu mực vì muốn thể hiện với Phương. Trước nay, anh luôn dành những điều tốt đẹp cho tôi, bản thân tôi đã không nhận ra sớm rằng, chính tôi mới là người quá may mắn. Tình anh em yêu thương thắm thiết đến mức hy sinh cả bản thân mình từ trái tim nhân hậu của anh, đâu phải ai cũng có được.
Tôi nắm chặt bàn tay bước vào phòng mổ, tự hứa với mình phải thật mạnh mẽ, phải sống vì một phần cơ thể của anh trai sẽ ở trong tôi. Tôi sẽ mỉm cười với bố mẹ, với Phương đang chờ đợi ngoài kia ngay sau khi tỉnh lại. Tôi muốn nói với họ rằng, tôi sẽ sớm khỏe mạnh, để còn chuẩn bị cho đám cưới anh trai. Đó có lẽ là điều duy nhất tôi có thể làm cho anh trai của tôi. Dưới bóng đèn phòng mổ lấp loáng, những áo xanh bắt đầu di động quanh tôi. Tôi từ từ nhắm mắt chờ đợi với ý chí kiên cường, khao khát được sống.
Truyện ngắn của Trần Ngọc Mỹ
Khu vườn của má
(BGĐT)- Má bắc nồi cá kho lên bếp củi, vừa khom người hì hục thổi lửa vừa ho. Nhà có bếp ga đã lâu nhưng má vẫn nấu ăn bằng bếp củi mỗi ngày. Má bảo nấu bếp ga ăn không ngon miệng, cái mùi tro trấu quyện với mùi than củi mới làm má thấy ngon.
Bên cầu ao soi bóng
(BGĐT)- Cái cầu ao vẫn còn đó bao năm nay, bên cạnh cây ổi. Thực ra nó đã được thay đổi mấy lần vì gỗ, tre bị mục và nay được thay bằng tấm bê tông chắc chắn. Cái ao đã gắn bó với bà Ngàn từ ngày thơ bé cho tới bây giờ, khi bà đã ngoài sáu mươi. Cái ao rộng, ba phía nằm trong vườn, phía còn lại sát con đường dẫn ra cánh đồng làng.
Nơi sắc chàm xanh lá
(BGĐT)- Mai vừa đặt vác củi xuống đất, chưa kịp bước chân lên bậc cầu thang đầu tiên đã nghe tiếng ông ngoại trầm trầm:
Hạnh phúc bình dị
(BGĐT)- Bà Nhị loạng choạng suýt ngã nhào giữa sân khi hàng xóm báo tin Tự, con trai bà đã bị công an bắt vì tội đánh bạc. Cũng may lúc ấy, thằng Sáng, cháu nội của bà, con trai của Tự, từ đâu chạy tới, đưa hai tay đỡ lấy bà.
Bắc Giang, Tình anh em, anh em ruột, bố mẹ, gia đình, yêu thương, thơ ngây, anh em trai, Bác sĩ, ghép thận