BẮC GIANG – Ngày 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết số 29) ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện một số ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, một số sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước.
Nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD&ĐT; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ngày càng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo động lực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Một số cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm tốt nhất khu vực châu Á và thế giới. Đội ngũ nhà giáo cơ bản được chuẩn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, tại tỉnh Bắc Giang, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho GD&ĐT được quan tâm hơn. Quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước. Công tác phổ cập giáo dục các cấp học trên địa bàn tỉnh được duy trì vững chắc. Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia.
Đề cập đến những hạn chế, một số ý kiến thảo luận cho rằng công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở một số nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học chậm hoàn thiện, các cơ sở giáo dục đại học chưa quan tâm đúng mức đến liên kết vùng, miền và sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới còn hạn chế. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chậm tiến độ. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo; một bộ phận giáo viên còn ngại đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá, nhất là giai đoạn chuyển đổi số.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Nghị quyết số 29 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước về GD&ĐT. Trong bối cảnh mới hiện nay, ngành Giáo dục cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Về giáo dục mầm non: Khắc phục khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất, tiếp tục đầu tư mở rộng trường mầm non công lập, phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ độc lập. Về giáo dục phổ thông: Tiếp tục giải quyết vấn đề thừa – thiếu giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng chương trình mới, đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh. Về giáo dục đại học: Cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc có chất lượng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu: Nghị quyết số 29 đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi GD&ĐT là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của toàn Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH.
Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác quản lý GD&ĐT và quản trị nhà trường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và xây dựng xã hội học tập. Tập trung đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài công tác trong ngành giáo dục. Bảo đảm nguồn lực tài chính đầu tư cho GD&ĐT. Đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong GD&ĐT.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đơn vị và các địa phương, Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT tham mưu với Bộ Chính trị những năm tới, tiếp tục kiên trì xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Phấn đấu đưa Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Tin, ảnh: Minh Thu
Bắc Giang: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo
(BGĐT) – Ngày 21/6, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết số 29).
Nghị quyế số 29, đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục, bộ Giáo dục và đào tạo, Bắc Giang