BẮC GIANG – Sáng 9/8, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) do đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về công tác CCHC và một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Đồng chí Phan Thế Tuấn trao đổi về công tác cải cách TTHC của tỉnh. |
Làm việc với đoàn có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Báo cáo của tỉnh nêu rõ, để đẩy mạnh CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, năm 2021, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS cấp tỉnh và tổ chuyên gia nhằm triển khai công tác CĐS. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), duy trì hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, giúp vận hành tốt 6 hệ thống phần mềm dùng chung và các phần mềm chuyên ngành.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử triển khai đến 100% các sở, ngành, huyện, xã và kết nối liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Năm 2022, tỉnh đã kết nối chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 28 nghìn lượt xác thực thông tin dân cư, xác nhận số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân, xác thực thông tin hộ gia đình.
Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 69%; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn tỉnh đạt 79,99%; người dân và doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên hệ thống của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương đạt 100%.
Đối với TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT đã đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết đối với 17 TTHC cấp tỉnh và 5 TTHC cấp huyện thường xuyên phát sinh; giảm tối thiểu 30% và tối đa là 70% thời gian giải quyết thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của DN, hộ kinh doanh.
Toàn tỉnh có gần 15 nghìn DN được thành lập với số vốn đăng ký gần 164 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh 7 tháng đạt gần 4,7 nghìn tỷ đồng, bằng 36,2% tổng nguồn vốn được giao.
Tại buổi làm việc, tỉnh đề nghị các bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp tỉnh thực hiện một số thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, môi trường… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, CCHC, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các thủ tục pháp lý, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, DN.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nhóm A không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước; các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử công suất lớn sử dụng vốn ngoài ngân sách đầu tư trong khu công nghiệp.
Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chức năng của hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN; nâng cao tốc độ truy cập, xử lý trên hệ thống quản lý DN sau đăng ký. Triển khai kết nối hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN và hệ thống thuế tự động cập nhật tình trạng giải thể của DN. Bộ có giải pháp kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia, đăng ký hộ kinh doanh với giải quyết TTHC cấp tỉnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành hướng dẫn ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành T.Ư khẩn trương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Đồng chí Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thế Tuấn cho biết, tới đây tỉnh tiếp tục có giải pháp nâng cao công tác cải cách TTHC, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo các cơ quan liên quan, tháo gỡ các vướng mắc cho DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh đặt ra mục tiêu giữ vững trong tốp 10 về chỉ số năng lực cạnh canh cấp tỉnh. Đồng chí mong muốn đoàn công tác tổng hợp các kiến nghị đề xuất của tỉnh để báo cáo Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tốt trên địa bàn.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, đồng chí Trần Duy Đông đánh giá cao kết quả Bắc Giang đã đạt được trong công tác CCHC thời gian qua. Đồng chí mong muốn tỉnh tiếp tục coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đến công tác CĐS, cải cách chế độ công vụ.
Trong các chỉ số CCHC, tỉnh cần quan tâm cải cách chỉ số về thể chế, tài chính công; tiếp tục phấn đấu duy trì đứng vị trí thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Liên quan đến công tác hỗ trợ thành lập DN, đồng chí lưu ý, tỉnh có tỷ lệ thành lập cao so với nhiều tỉnh trong toàn quốc song tỷ lệ DN giải thể cũng khá cao. Do đó, tỉnh cần bố trí nhân lực để làm tốt công tác hậu kiểm sau khi các DN đăng ký thành lập nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này.
Đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, tỉnh cần lựa chọn dự án công nghệ cao, sử dụng ít đất, vốn đầu tư nhiều, thân thiện với môi trường. Cùng đó, quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân bảo đảm an toàn vệ sinh, an ninh trật tự để lao động yên tâm làm việc.
Trong lĩnh vực đầu công, tỉnh cần đẩy mạnh giao vốn chi tiết cho các dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xem xét điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao.
Về các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo đề xuất với Chính phủ có biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Minh Linh
Truyền cảm hứng để nhân dân tham gia cải cách hành chính cùng Chính phủ
(BGĐT) – Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5 để đánh giá tình hình thực hiện công tác 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ CCHC 6 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.