BẮC GIANG – Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ, tìm giải pháp để thúc đẩy giáo dục phát triển, sáng 16/8, Thường trực Huyện ủy Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức đối thoại với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở cả 3 cấp học trên địa bàn.
Các đồng chí lãnh đạo huyện chủ trì đối thoại. |
Nóng chuyện thiếu giáo viên, cơ sở vật chất
Huyện Yên Dũng có 60 trường học (bậc mầm non có 22 trường; bậc tiểu học có 18 trường; bậc THCS có 18 trường; tiểu học và THCS có 2 trường) với 1.006 lớp, tổng số hơn 33.400 học sinh.
Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Lư nêu: Trường có 5 cụm khu mầm non, cơ sở vật chất ở cụm lẻ đã xuống cấp chưa kịp sửa chữa khi năm học mới đang đến gần; số lượng học sinh đông nhất huyện, nhà trường hiện thiếu 7 giáo viên, không có nhân viên y tế. Nhà trường tha thiết đề nghị bổ sung.
Thầy Phí Hồng Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Việt cho biết nhà trường có 16 phòng với 15 lớp. Năm học này, trường phá dỡ hai dãy nhà quản trị, nhà vệ sinh để xây dựng lại. Trường đề xuất huyện yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng chức năng. Một số gói thầu nhỏ cần phải hoàn thành nhanh chóng nhưng chưa có nhà thầu nào quan tâm. Trường chưa có giáo viên dạy thể chất, thiếu nhân viên văn thư và cán bộ y tế.
Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Lư nêu ý kiến. |
Thầy giáo Đinh Công Văn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Phúc cho biết, cơ sở vật chất nhà trường chỉ đáp ứng 6m2/học sinh, không đủ theo tiêu chuẩn; thiếu 4 phòng học phục vụ môn văn hóa và mỹ thuật. Khi kiểm định chất lượng và đón chuẩn lại có thể phải nợ tiêu chí. Trường được giao 34 biên chế nhưng nay chỉ có 30 giáo viên…
Nhiều ý kiến khác đề nghị tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chú trọng hơn nữa đến giáo dục đại trà; giáo dục truyền thống, đạo đức, văn hóa cho học sinh.
Hạn chế thấp nhất việc luân chuyển
Đồng chí Phan Văn Giang, Trưởng Phòng Nội vụ huyện thông tin: Giáo viên ở cả ba cấp học đều thiếu, nhiều nhất là bậc tiểu học. Tuy nhiên, huyện đang thừa giáo viên môn Toán, Lý, Hóa và âm nhạc, thiếu giáo viên môn Địa lý, Lịch sử. Bậc tiểu học thiếu 12 giáo viên thể dục. Nhân viên hành chính cũng thiếu, mới có 37 nhân viên y tế trong tổng số 59 trường ở cả ba cấp học, mặc dù có tuyển nhưng rất khó khăn do không có nguồn.
Trước thực tế trên, Phòng đã tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh tuyển dụng số giáo viên còn thiếu. Tuy nhiên, hiện không có giáo viên để tuyển. Đơn cử như giáo viên mầm non thiếu 48 chỉ tiêu, năm nay chỉ tuyển được 8 chỉ tiêu. Năm học này, bậc THCS tăng 19 lớp song cũng chưa tuyển thêm được giáo viên.
Về giải pháp, Phòng Nội vụ tham mưu ký hợp đồng với một số giáo viên. Các trường có thể chủ động nghiên cứu, gặp gỡ các thầy, các cô đã nghỉ hưu nhưng còn sức khoẻ, có tâm huyết đề nghị giới thiệu để xem xét ký hợp đồng.
Thầy giáo Nguyễn Đức Dĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Việt nêu ý kiến. |
Việc điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên, năm học 2023-2024 thực hiện theo đúng thông báo kết luận của BTV Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy. Điều động cán bộ quản lý theo điều lệ trường học; kiên quyết điều động để khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ, bảo đảm cân đối cơ cấu giáo viên. Việc luân chuyển, điều động phải xem xét kỹ các yếu tố ưu tiên, thành tích, bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch. Nghiêm cấm can thiệp vào việc điều động, luân chuyển. Khắc phục tình trạng thừa thiếu, mất cân đối các môn học bằng việc điều động, phân công giáo viên dạy liên trường. Luân chuyển, điều động, kiên quyết miễn nhiệm, xử lý đối với cán bộ, quản lý sau nhiều năm không có tiến bộ về thành tích. Hạn chế thấp nhất việc luân chuyển, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, nhân viên yên tâm công tác…
Đề nghị các trường rà soát kỹ các trường hợp xin nghỉ hưu trước tuổi, đủ điều kiện mới trình gửi hồ sơ. Kiến nghị bổ sung tăng biên chế từ đầu năm để giữa năm tuyển chỉ tiêu biên chế ở hai cấp học bậc mầm non và THCS.
Đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xây dựng cơ sở vật chất trường học buộc phải chậm, giãn, hoãn, nợ một số công trình do thu ngân sách khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của huyện là tạo điều kiện tốt nhất đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp học để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Về thi đua khen thưởng, Yên Dũng là một trong hai huyện có giáo viên là đảng viên sinh con thứ ba nhiều nhất tỉnh. “Theo quy định của Đảng thì đảng viên vi phạm đương nhiên phải kỷ luật, không thể làm khác được. Vì vậy, đề nghị các đồng chí hiệu phó, hiệu trưởng tăng cường tuyên truyền để hạn chế mức thấp nhất vi phạm sinh con thứ ba”- đồng chí Hoàng Văn Thanh chỉ đạo. Trong năm học tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất các nhà trường, kiểm tra cả nồng độ cồn đối với giáo viên khi đứng lớp.
Việc sáp nhập địa giới hành chính không ảnh hưởng đến ngành giáo dục
Kết luận hội nghị, đồng chí Thạch Văn Chung, Bí thư Huyện uỷ Yên Dũng chia sẻ với ngành giáo dục về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Huyện ủy Thạch Văn Chung kết luận hội nghị. |
Hơn 1 năm nữa huyện Yên Dũng sẽ sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện. Việc sáp nhập sẽ thay đổi bộ máy tổ chức hành chính, tuy nhiên, các nhà trường sẽ giữ nguyên như cũ (trừ xã Lão Hộ).
Đồng chí đề nghị toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cố gắng hơn nữa để ngành giáo dục Yên Dũng xứng danh với vùng đất học. Các hiệu trưởng, hiệu phó hết sức lưu ý đến nguyện vọng chính đáng của giáo viên để các thầy cô yên tâm cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp giáo dục.
Trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, đồng chí Bí thư Huyện uỷ đề nghị các đơn vị phải tính toán, phân tích ở các góc độ. Bên cạnh kiến thức, năng lực chuyên môn phải tính đến khả năng tổ chức, quản lý, quản trị để làm sao có lợi cho tập thể, cho cái chung.
Đồng chí Bí thư Huyện uỷ mong muốn các nhà trường tiếp tục tập trung giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh. Mỗi thầy giáo, cô giáo hãy là người định hướng, dẫn dắt để tạo ra không gian sáng tạo, quyền tự quyết cho học trò. Đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận được những kiến thức mới, phát huy năng lực tư duy.
Quan tâm hơn nữa đến đào tạo học sinh giỏi, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chuyển đổi số. Khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời đối với giáo viên, học sinh có thành tích tốt.
Tin, ảnh: Thu Phong
Yên Dũng: Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị
BẮC GIANG – Xác định sau khi nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang, để 7 xã, thị trấn đáp ứng các tiêu chí lên phường cũng như bảo đảm TP Bắc Giang mở rộng là đô thị loại II, huyện Yên Dũng đã và đang triển khai nhiều dự án, công trình về phát triển hạ tầng đô thị.
Nông dân Yên Dũng được mùa sen củ, thu lãi cao
(BGĐT)- Thời điểm này, các diện tích sen lấy củ tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang cho thu hoạch rộ. Do được chăm sóc tốt nên sản lượng, chất lượng củ sen và giá bán đều ở mức cao.