BẮC GIANG – Tục cúng ông Công, ông Táo là nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa, những việc nên và không nên làm. Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn Thượng tọa Thích Thanh Vịnh, Phó Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Yên Dũng (Bắc Giang) xung quanh nội dung này.
Thượng tọa có thể thông tin vắn tắt về ý nghĩa của tục cúng ông Công, ông Táo?.
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Theo phong tục của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày cúng ông Công, công Táo. Ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó. Tục cúng ông Công, ông Táo hướng con người tới những điều thiện, tốt đẹp trong cuộc sống. Đây còn là tục lệ bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần quanh năm lo toan cai quản, duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn, quan tâm, thu vén gia đình.
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh. |
Trong tục cúng ông Công, ông Táo thường có cá chép sống, sau đó phóng sinh. Tuy nhiên, có những nơi lại không cúng cá sống mà thay bằng cá giấy, Thượng tọa giải thích sao về việc này và có lời khuyên gì?.
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Theo quan niệm xưa, nếu phóng sinh thì gia chủ phải cúng cá chép sống. Tuy nhiên, việc cúng cá sống hay cá bằng giấy phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn, đời sống sinh hoạt, văn hóa của mỗi vùng, địa phương, tư duy của mỗi gia đình. Chẳng hạn, ở vùng nông thôn, người dân ít cúng cá chép sống và phóng sinh; ở thành thị thì ngược lại. Đối với những trường hợp cúng cá và phóng sinh, khi thả cá nên chọn nơi nước sạch để cá có thể sống được. Không nên thả cá từ trên cao (đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước), cá sẽ chết. Nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ…, thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều người quan niệm phải cúng ông Công, ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, nếu cúng sau sẽ “mất thiêng”. Ý kiến của Thượng tọa về việc này như thế nào ?
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Quan niệm đó không đúng, trong các tài liệu của Phật giáo không đề cập đến việc phải cúng đúng giờ này, giờ kia. Thông thường, mọi người cúng vào ngày 23 tháng Chạp (trưa hoặc chiều) song cũng có thể cúng trước 1-2 ngày. Điều này tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình, không cứng nhắc. Bởi lẽ, ngày này, nhiều gia đình không chỉ cúng ông Công, ông Táo theo phong tục mà còn kết hợp làm lễ tất niên, liên hoan gặp mặt, sum họp con cháu, tạo không khí đoàn kết, vui vẻ dịp cuối năm.
Cùng với cúng, thả cá chép, việc mua, cúng, đốt đồ mã, dọn dẹp bàn thờ trong ngày này nên được thực hiện như thế nào, thưa Thượng tọa ?
Thượng tọa Thích Thanh Vịnh: Khi sắm đồ cúng ông Công, ông Táo, các gia đình không nên mua và đốt nhiều đồ mã, tránh lãng phí, tốn kém không cần thiết, đồng thời đề phòng nguy cơ cháy, nổ, gây ô nhiễm môi trường. Phật giáo không khuyến khích việc đốt nhiều đồ mã khi cúng. Hiện nay, rất nhiều chùa đã cấm mọi người đem đồ mã để cúng và hóa trong chùa. Vì thế, người dân hạn chế tối đa việc đốt đồ mã trong ngày này.
Người dân thường mua cá chép cúng và phóng sinh trong tục cúng ông Công, ông Táo. Ảnh minh họa. |
Trong lễ cúng, ngoài mâm cơm đồ mặn hoặc chay, hoa quả, các gia đình chỉ cần mua thêm bộ ông Công, ông Táo (3 bộ) bán sẵn trên thị trường. Đặc biệt, không nhất thiết năm nào cũng phải bốc bát hương mới. Đối với các bát hương đã đầy, gia chủ có thể tự rút bớt chân hương, xử lý đốt tại gia đình. Những đồ thờ cúng (bằng gỗ, kim loại, sứ…) và vật dụng khác trên bàn thờ không dùng đến có thể mang gửi những nơi thờ tự hoặc cơ sở nơi sản xuất. Không nên vứt bát hương, tàn tro, đồ thờ cúng… xuống sông, suối, ao, hồ, gây phản cảm và ô nhiễm môi trường.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!
Thực hiện: Công Doanh
Lan tỏa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc
BẮC GIANG – Nhằm giới thiệu đến nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Bắc Giang năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch (Tuần VHDL).
thượng tọa thích thanh vịnh, chùa vĩnh nghiêm, ông công, ông táo, đồ mã