Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ủy ban quốc gia về CĐS để đánh giá về công tác CĐS, phát triển kinh tế số thời gian qua; nhiệm vụ, giải pháp CĐS, phát triển kinh tế số trong những tháng còn lại của năm 2024. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo tại phiên họp, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an cùng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CĐS. Đến nay, 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch CĐS năm 2024; 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân…
Đến hết quý I năm 2024, cả nước có 13,2 triệu tài khoản người dùng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 4500/6317 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm khoảng 71,2%.
Về phát triển hạ tầng số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần triển khai 5G; cấp phép kinh doanh dịch vụ 5G, phát triển mạng di động 5G và cung cấp dịch vụ 5G thương mại.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến hết quý I, cả nước có 13 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 46 trung tâm dữ liệu, trong đó Trung tâm của Viettel mới xây dựng trong quý I năm nay là trung tâm dữ liệu lớn nhất cả nước.
Theo số liệu ước tính, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt 16,5%, trong đó tỷ trọng kinh tế số lõi ICT chiếm hơn 60%. Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD, giảm 4,46% so với năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp, cơ bản không đổi so với năm trước.
Về phát triển xã hội số, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Cũng trong quý I năm nay, ứng dụng định danh cá nhân VNeID được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích; có 29,3 triệu lượt truy cập ứng dụng.
Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh. Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt trên 77% người trưởng thành Việt Nam; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh y tế và cơ sở đào tạo thanh toán các dịch vụ, học phí không dùng tiền; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân.
Tại Bắc Giang, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn xác định CĐS là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình CĐS và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, tỉnh Bắc Giang lần thứ 4 liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số” năm 2023.
Hạ tầng kỹ thuật Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động ổn định. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành; thực hiện tốt công tác giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC của các cấp, các ngành. Hệ thống camera an ninh, camera giao thông trên toàn tỉnh hoạt động hiệu quả, phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Các hệ thống nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh, Kho dữ liệu số tỉnh, Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh, Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh, Công báo điện tử tỉnh, Hệ thống giải quyết TTHC tỉnh,… được đầu tư, nâng cấp, vận hành hiệu quả, ổn định, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu thực tế của địa phương và được kết nối liên thông từ tỉnh đến xã.
Phát triển kinh tế số, sản xuất công nghiệp ICT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Trong quý I năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động ổn định về quy mô sản xuất, nổi bật là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học của các doanh nghiệp lớn. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 58.133 tỷ đồng, tăng 21.508 tỷ đồng (tăng 58,7%) so với cùng kỳ.
Kết luận phiên họp, điểm lại kết quả đạt được trong công tác CĐS, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn trong triển khai CĐS quốc gia, trên tinh thần “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh.”
Trong đó, phải tăng cường nhận thức về vai trò của CĐS trong các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho CĐS.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, phát triển dịch vụ số, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH); đẩy mạnh phát triển an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình CĐS quốc gia và 3 chiến lược về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về CĐS và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các “vùng lõm” sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động. Cùng với đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg. Đồng thời khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng…
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Phát biểu sau phiên họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn biểu dương nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Bắc Giang trong thực hiện CĐS, phát triển kinh tế số, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ như: Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, các sở, ngành tỉnh.
Đồng chí cho biết Bắc Giang là địa phương thực hiện mạnh mẽ phân cấp, phân quyền đối với các dự án đầu tư CĐS. Do đó, đồng chí đề nghị các sở, ngành thực hiện quản lý chặt chẽ nguồn vốn, đảm bảo triển khai đúng quy định, quy trình, không để xảy ra sai phạm trong đầu tư CĐS.
Đồng chí nhấn mạnh công tác xây dựng hạ tầng số hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xây dựng, lắp đặt trạm thu, phát sóng. Đồng chí đề nghị các cơ quan báo, đài phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền, làm rõ ý nghĩa, lợi ích về mặt KT-XH của việc lắp đặt, phủ sóng rộng khắp địa bàn tỉnh. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận về chủ trương trong Nhân dân về xây dựng, lắp đặt hạ tầng số.
Đồng chí yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị sớm xây dựng, hoàn thành phần mềm hỗ trợ điều hành phát triển KT-XH, trong đó hiển thị rõ các chỉ số phát triển về KT-XH, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có thể theo dõi, cập nhật kịp thời để có các chỉ đạo sát sao, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.
Đồng chí giao Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh báo cáo, giải trình về tình trạng hồ sơ chậm muộn trên hệ thống giải quyết TTHC; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể và sớm có biện pháp khắc phục.
Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS tới đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các ngành, địa phương tích cực vào cuộc, quyết tâm phấn đấu duy trì thứ hạng của tỉnh Bắc Giang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số CĐS./.
Trần Khiêm