Trong chương trình công tác tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã thăm, kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, gồm: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng Nghi Sơn, Nhà máy luyện thép Nghi Sơn và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực ở thị xã Nghi Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. |
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.
Khu kinh tế Nghi Sơn có tổng diện tích 106.000 ha, nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Khu kinh tế Nghi Sơn được chia thành 55 phân khu, trong đó, có 25 phân khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.057,9 ha. Tại Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án đã đi vào hoạt động như: Nhà máy xi măng, nhiệt điện, gang thép, lọc hóa dầu, cảng biển quốc tế… Năm 2023, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 nghìn lao động.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong bốn thành viên góp vốn vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tỷ lệ góp vốn là 25,1%. Ba thành viên góp vốn còn lại gồm Công ty Dầu khí quốc tế Cô-Oét (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI).
Với tổng mức vốn đầu tư gần 9,3 tỷ USD, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam hiện nay. Hiện Nhà máy đang cung cấp cho khoảng 35% thị phần xăng dầu trong nước. Tổng thuế đã nộp ngân sách Nhà nước đến nay là 85.236 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế những năm vừa qua, nhất là năm 2023 có cải thiện nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Đến nay lỗ lũy kế của Công ty vẫn là 4,378 tỷ USD…
Sau khi thăm Nhà máy, làm việc với lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, do tình hình thế giới thời gian qua và thời gian tới có những diễn biến phức tạp, việc thăm, làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm nắm tình hình, có tính toán nhằm chủ động an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời chuẩn bị nội dung cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với lãnh đạo Chính phủ các nước Nhật Bản, Cô-Oét tới đây.
Đánh giá cao thiện chí của Chính phủ Nhật Bản và Cô-Oét trong việc ủng hộ, hợp tác xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng khi xây dựng, triển khai dự án các bên không dự báo hết những khó khăn có thể xảy ra.
Do đó, đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tái cấu trúc, cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức quản trị, trong đó nâng tỷ lệ người Việt Nam trong ban lãnh đạo, điều hành Nhà máy hơn để bảo đảm quản trị, điều hành hợp lý, ổn định, tối ưu về chi phí; Công ty phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh; xây dựng quy định, quy trình khoa học, cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các khó khăn, hạn chế nảy sinh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để người Việt Nam dần làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả.
Cho rằng, việc xây dựng Nhà máy với tổng số vốn vay lớn, lãi suất cao, nên khi tình hình khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa đạt công suất thì việc lỗ là khó tránh khỏi. Do đó, cần phải tái cấu trúc về tài chính và lãi suất, trên tinh thần chia sẻ khó khăn, phù hợp tình hình.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tái cấu trúc về sản xuất, trong đó thay đổi việc sử dụng điện chạy dầu vận hành nhà máy như hiện nay bằng sử dụng điện lưới quốc gia nhằm bảo đảm sự ổn định, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xem xét, đàm phán lại về giá và thỏa thuận chỉ nhập dầu thô của Cô-Oét phục vụ Nhà máy; tổ chức quản lý các chi phí đầu vào khác, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai dự án.
Cảng biển Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.
Theo quy hoạch, hệ thống Cảng Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến. Cảng Nghi Sơn có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 – 100.000 DWT. Tính đến tháng 7/2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm.
Sau khi nghe báo cáo về quy hoạch, ý tưởng phát triển Cảng Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ các Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các quy hoạch, chiến lược phát triển khác để quy hoạch không gian phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và cảng Nghi Sơn trong tương lai.
Thủ tướng lưu ý nghiên cứu nguồn hàng ra vào cảng, trong đó nguồn hàng không chỉ của Thanh Hóa, Nghệ An mà nghiên cứu kết nối để khai thác nguồn hàng từ các tỉnh Tây Bắc như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông cha ta đã chọn tuyến đường từ Thanh Hóa lên Tây Bắc vận chuyển đạn dược, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.
Riêng về ý tưởng xây dựng Tổ hợp quốc phòng, kinh tế đảo Hòn Mê, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh mô hình kinh tế kết hợp quốc phòng này, với cảng nước sâu, dịch vụ logictics, dịch vụ, du lịch…vì đảo Hòn Mê chỉ cách đất liền khoảng 10 km; yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; xây dựng cơ chế chính sách huy động, thu hút đầu tư; tổ chức triển khai đầu tư phân kỳ, từng bước.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn và Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực.
Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
BẮC GIANG – Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Bắc Giang năm 2023 (Techfest Bắc Giang năm 2023) và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ, chiều 11/11 đã diễn ra hội thảo khoa học “Khởi nghiệp ĐMST gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tỉnh Bắc Giang”.
Theo TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính, kiểm tra, dự án trọng điểm, Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa