BẮC GIANG – Chiều 30/12, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM) xanh, bền vững. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, TP trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ngành điều hành hội nghị. Ảnh: Báo Chính phủ. |
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp; 300 đại biểu nông dân tại dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và hơn 4.000 nông dân dự tại các điểm cầu trực tuyến.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HND Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, sau thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã có gần 2 nghìn đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ.
Ban Tổ chức dự kiến từ 20-30 ý kiến, vấn đề được đặt ra để đối thoại trực tiếp. Qua đó, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM xanh, bền vững.
Đối thoại trực tiếp tại hội nghị, đại biểu Y Pốt Niê, nông dân khởi nghiệp với sản phẩm cà phê Ê đê đến từ tỉnh Đắk Lắk đề nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ cho biết những chính sách thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện chủ trương phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; giải pháp để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang đa giá trị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hầu hết các giải pháp để phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” được đề cập, nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực, trình độ cho nông dân. Bộ trưởng cho rằng, nông dân cần phải liên kết thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tổ sản xuất lớn mạnh, như vậy doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin, Chính phủ, các bộ, ngành đang tích cực triển khai đồng loạt các chính sách, giải pháp phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” như triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình NTM, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) với tổng nguồn lực khoảng 800 nghìn tỷ đồng; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông từ Bắc tới Nam; quan tâm ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tiếp nối chương trình, đại biểu Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải (Bắc Giang) đề nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ cho biết các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng nhằm phát triển kinh tế xanh, bền vững; nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
|
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể hóa nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai các hoạt động đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn nhằm đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, các sản phẩm du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng các hướng dẫn, thông tư hướng dẫn cung cấp dịch vụ công trong phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
Về phía các địa phương, nhiều tỉnh, TP đã triển khai có hiệu quả Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Được biết, tỉnh Bắc Giang là địa phương sớm triển khai Quyết định này, trong đó tỉnh xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tiếp tục đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án “1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp; chính sách vay vốn ưu đãi; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Các câu hỏi được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Văn Hữu (Bắc Giang) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Chính phủ. |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhờ các chính sách của Nhà nước; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và tinh thần sáng tạo, năng động của nông dân đã giúp ngành Nông nghiệp ngày càng đạt nhiều kết quả nổi bật; nông thôn có bước chuyển mình mạnh mẽ; nông dân đóng vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về phát triển nông nghiệp; rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện, nguồn lực, môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh.
Quan tâm hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất, nâng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng lợi nhuận. Nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh; thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xóa bỏ cách làm cũ, manh mún, tự cung tự cấp, khắc phục nguy cơ tụt hậu. Chú trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất gắn với chế biến, thân thiện với môi trường; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh.
Cùng đó, chú trọng hoạt động đào tạo tay nghề, trình độ, hiểu biết cho nông dân; hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tin, ảnh: Mạc Yến
Đối thoại, giải đáp thắc mắc về thực hiện chính sách thuế
BẮC GIANG – Ngày 30/11, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình đối thoại, hỗ trợ trực tuyến giữa cơ quan thuế với người nộp thuế (NNT) bằng phương thức trực tuyến qua website của Cục Thuế tỉnh. Qua đó, nhiều nội dung đã được cán bộ ngành Thuế giải đáp thỏa đáng.
Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường
BẮC GIANG – Chiều 27/11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực TN&MT. Cùng dự có đại diện các sở, ngành, hội: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản tỉnh và khoảng 50 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
bắc giang, thủ tướng chính phủ đối thoại với nông dân, hội nông dân, hội nghị trực tuyến, nông dân là chủ thể