Sáng 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự tại điểm cầu Đắk Lắk. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ô Pích – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Mở đầu hội nghị, các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Theo các báo cáo, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6h ngày 15/9, đã có 348 người chết và mất tích.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cơn bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo như chỉ đạo các giải pháp phân lũ từ thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà tại Yên Bái, đê Hoàng Long tại Ninh Bình, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị ngày 9/9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phậu hậu quả bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa bão; công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiệt hại; công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố góp ý để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Về các mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh, không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão, gồm: Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau. Rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân. Tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu. Sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tới trường, người bệnh được chữa bệnh.
Thứ hai, nhóm giải pháp ổn định tình hình cho Nhân dân, gồm: Rà soát, thống kê thiệt hại của Nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ như bố trí chỗ ở tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn. Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng…
Thứ ba, nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước…
Thứ tư, nhóm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, chống tham nhũng, lãng phí, trục lợi; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi.
Nhóm nhiệm vụ thứ năm là giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nhóm nhiệm vụ thứ sáu là đẩy mạnh hợp tác quốc tế đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng, trúng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn nói trên. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách… chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.
Ngay sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến với điểm cầu Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương quán triệt các cấp, các ngành một số nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh, mặc dù đến thời điểm này, nước trên 3 sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam đang rút nhưng tuyệt đối không được chủ quan, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung cao triển khai khắc phục hậu quả sau bão lũ. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục theo dõi sát sao tỉnh hình mưa lũ, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; khẩn trương bơm nước tiêu úng cứu lúa, khu công nghiệp; nhanh chóng hướng dẫn người dân khôi phục lại sản xuất; hướng dẫn các địa phương thống kê thiệt hại đối với hệ thống đê điều, kênh mương.
Sở Giao thông vận tải sớm tham mưu phương án khắc phục sự cố sạt lở các tuyến đường giao thông, hệ thống biển báo; phối hợp với các địa phương khắc phục các ngầm tràn bị trôi sạt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hướng dẫn vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh, xử lý rác thải sinh hoạt bị tồn đọng.
Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu lập bản đồ khu vực có nguy cơ cao bị sạt trượt để có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm đón học sinh quay trở lại học tập. Lực lượng quân đội, công an tiếp tục huy động lực lượng giúp chính quyền và người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ngành Công Thương cần bám sát thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa và sớm khôi phục tất cả các sự cố về điện.
Ngoài những nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân, tham mưu triển khai các cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, tiếp tục duy trì các lực lượng chỉ huy, chỉ đạo, bám sát diễn biễn tình hình để có chỉ đạo cụ thể, kịp thời cho đến khi mực nước tất cả các sông, hồ đập về mức bình thường. Tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm bảo vệ an toàn tính mạng Nhân dân là trước hết và trên hết.
Tăng cường rà soát, kiểm tra, gia cố các điểm đê, công trình xung yếu trên địa bàn. Sẵn sàng nhân lực, vật lực để hỗ trợ cho các địa bàn còn đang bị cô lập, ngập úng. Tiếp tục có biện pháp cung cấp nước sạch, lương thực, thực phẩm cho Nhân dân, không để Nhân dân thiếu đói. Tuy nhiên cần có chỉ đạo để điều tiết, phân phối hàng hóa cứu trợ hợp lý giữa các khu vực. Khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ người dân các vùng ngập lụt nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường nhà cửa đến đó.
Tiếp tục tìm mọi biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân chăm sóc, phục hồi các diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, nhanh chóng khôi phục sản xuất, lấy sản xuất ngắn ngày để bù vào thiệt hại năng suất, sản lượng sụt giảm do bão lũ.
UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo thống kê tổng hợp tình hình triển khai ứng phó, thiệt hại để đề xuất Trung ương hỗ trợ và phân bổ các nguồn lực của tỉnh cứu trợ. Tăng cường khen thưởng, động viên các trường hợp cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống bão, lũ lụt, khắc phục các sự cố về đê điều, thuỷ lợi trong bão lũ.
Tại Bắc Giang, theo thống kê đánh giá sơ bộ, bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại, toàn tỉnh có 2 người chết, 7 người bị thương, 11 nhà bị đổ sập, hơn 3.000 nhà bị tốc mái, gần 14.000 hộ gia đình với khoảng 42.000 người phải di dời khẩn cấp, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, gãy đổ; nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng… Tổng thiệt hại ước tính hơn 5.400 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh đã huy động trên 37.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ tham gia ứng cứu, hỗ trợ, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, huy động hơn 550 lượt phương tiện, cấp phát hàng trăm nghìn chiếc áo phao, bao tải, nhà bạt, đèn pin. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ hơn 15 tỷ đồng, 32 tấn gạo và khoảng 60.000 thùng hàng hóa, đồ dùng các loại. |
Diệu Hoa
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/khac-phuc-hau-qua-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-on-inh-oi-song-hoat-ong-san-xuat-kinh-doanh-sau-bao-so-3