Anh Phạm Văn Hùng (SN 1985) ở thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) nuôi cầy vòi mốc từ nhiều năm nay, mỗi năm lợi nhuận gần 10 tỷ đồng. Mô hình này được cơ quan chức năng đánh giá có quy mô lớn nhất tỉnh.
Năm 2007, anh Hùng biết đến việc nuôi cầy vòi mốc cho thu nhập cao từ người quen nên đã mạnh dạn làm theo. Anh bắt đầu nuôi 15 đôi cầy vòi mốc giống bố mẹ, giá mua lúc đó khoảng 5-6 triệu đồng/đôi.
Anh Phạm Văn Hùng (áo trắng) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cầy vòi mốc. |
Ban đầu, anh chưa có nhiều kinh nghiệm, vì thế tỷ lệ sinh sản của một số con cầy mẹ thấp, thường mắc các bệnh về đường ruột. Không bỏ cuộc, anh học hỏi bạn bè, người quen, đọc thêm sách báo nên dần khắc phục những khó khăn trước đó. Năm 2020, anh mở rộng quy mô chăn nuôi lên tới hơn 17 nghìn m2 với gần 3 nghìn đôi cầy vòi mốc bố mẹ. Hoạt động chăn nuôi con đặc sản này đã được Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cấp phép.
Anh Hùng cho biết: “Cầy vòi mốc là loài vật ưa bóng tối, ban ngày thường ngủ, thời gian ăn từ 16 giờ đến 19 giờ. Với tập tính như vậy, việc chăm sóc, quản lý không quá vất vả. Thức ăn chính của loài này là cháo. Ngoài ra, chúng tôi còn cho ăn thêm các loại trái cây chín như chuối, đu đủ, ổi vào buổi sáng. Cầy vòi mốc thường mắc các bệnh về đường ruột, nhất là thời điểm giao mùa. Vì thế, trước thời điểm này, tôi tiêm phòng đầy đủ giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng tốt”.
Để thuận lợi trong quản lý, chăm sóc, chủ trang trại phân khu rõ các ô chuồng như chuồng sinh sản, chuồng tách nuôi cầy con từ 3-12 tháng tuổi. Đặc biệt, cầy bố mẹ ở chuồng sinh sản cần hạn chế người lạ ra vào. Nếu chăn nuôi tốt, một đôi cầy bố mẹ có thể sinh sản hiệu quả trong vòng 10 năm. Chuồng có hệ thống làm mát, thông gió, camera giám sát tự động. Quy trình chăn nuôi theo hình thức cuốn chiếu để cho hiệu quả, năng suất cao nhất.
Năm 2021, anh mở thêm cơ sở 2 tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng 1 nghìn m2. Nhờ chủ động tìm kiếm thị trường nên trang trại của anh Hùng có đầu ra ổn định (gồm con giống và cầy vòi mốc thương phẩm), phạm vi tiêu thụ tại nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam. Với giá bán từ 17 đến 20 triệu đồng/đôi (khoảng 4 tháng tuổi; nặng 1,5-2 kg/con), mỗi năm, anh Hùng thu về từ 13-15 tỷ đồng, trừ chi phí anh lãi gần 10 tỷ đồng.
Theo ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), mô hình nuôi cầy vòi mốc của hộ anh Hùng có quy mô lớn nhất tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, lượng chất thải từ cầy vòi mốc thải ra không nhiều, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khảo sát mô hình để nghiên cứu, nhân rộng tại các địa bàn khác theo hướng an toàn sinh học.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Thi đua giỏi làm giàu
(BGĐT)- Đại hội đại biểu Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 đang diễn ra. Trong báo cáo đánh giá công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ vừa qua, một trong những nội dung trọng tâm được các cấp hội tích cực chỉ đạo thực hiện, hội viên hăng hái tham gia, có hiệu quả và đi vào chiều sâu. Đó là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Lục Nam: Năng động làm giàu, giúp nhau vượt khó
(BGĐT) – Hưởng ứng phong trào cựu chiến binh (CCB) phát triển kinh tế, giảm nghèo, các cấp hội CCB huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên năng động làm giàu, giúp nhau vượt khó.