Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, việc đo nồng độ cồn giúp kéo giảm tai nạn và số người tử vong, không gây ùn tắc hay xáo trộn trật tự xã hội
Thông tin trên được Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết tại phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố khóa X, sáng 7/12.
Thiếu tướng Trần Đức Tài phát biểu tại phiên thảo luận, sáng 7/12. Ảnh: Thanh Tùng |
Trả lời thắc mắc của đại biểu rằng đo nồng độ cồn cả ngày đêm khiến đời sống người dân xáo trộn, ông Tài nói các đợt kiểm tra đều có chương trình, kế hoạch do đó không gây ùn tắc hay xáo trộn trật tự an toàn giao thông.
Lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng việc tăng cường kiểm soát tài xế dùng rượu bia, ma túy khi lái xe đã đem lại kết quả khi thành phố kéo giảm 412 vụ, giảm 99 người chết do tai nạn so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 11 va chạm giao thông ở địa bàn được kiềm chế, song số người chết do tai nạn vẫn nhiều, mỗi năm đến 600 người.
“Tôi mong người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông để lập lại trật tự, bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và xã hội”, Thiếu tướng trần Đức Tài nói, cho biết khi đo cảnh sát không sử dụng chung đầu thổi, mỗi người đều dùng riêng.
Trước đó trong phần thảo luận, đại biểu Trần Quang Vinh nêu cảnh sát cần có cách thức phù hợp trong kiểm tra nồng độ cồn. Bởi trên thực tế việc siết chặt kiểm soát đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của người dân.
Ông Vinh cho rằng không nên chặn hàng loạt xe trên đường cả ngày lẫn đêm như vừa qua để phát hiện tài xế có dấu hiệu say xỉn. “Ví dụ như ở ngã 6 Gò Vấp giao thông đông đúc, người dân đi lại thường bị kẹt xe, nhích từng chút một. Khi đến nơi mới biết cảnh sát lập chốt kiểm tra nồng độ cồn”, ông Vinh dẫn chứng.
Ý kiến đại biểu HĐND đưa ra trong bối cảnh từ giữa tháng 11, Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát vi phạm nồng độ cồn khi địa bàn liên tục xảy ra tai nạn gây chết người do tài xế dùng rượu bia. Cảnh sát giao thông đã tổ chức 10 cụm (mỗi cụm khoảng 20 chiến sĩ kết hợp nhiều đội, công an các quận) chia làm 4 ca, mỗi ca 6 giờ để kiểm tra nồng độ cồn cả ngày trên các đường tại thành phố. Việc kiểm soát kéo dài đến sau Tết Nguyên đán 2024.
Hoạt động giám sát của 10 cụm đã đem lại hiệu quả, phát hiện nhiều tài xế vi phạm giao thông, sử dụng rượu bia, ma túy khi chạy xe. Tuy nhiên có ý kiến việc kiểm tra cả ngày đêm khiến xe cộ ùn tắc ở một số điểm, ảnh hưởng người dân đi lại, hàng quán ăn uống vắng khách. Mới đây các cụm đo nồng độ cồn ở TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh phương án cho phù hợp thời gian từng tuyến đường.
Chín tháng đầu năm 2023, Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Trong đó có 421 xe ôtô và 93.086 xe máy; 93.500 người bị tước bằng lái.
Trước đó, từ ngày 15/8-15/10, Bộ Công an cùng ngành giao thông vận tải đã tổng kiểm soát vi phạm an toàn giao thông trên cả nước. Nhiều tài xế bị xử lý do có nồng độ cồn. Cán bộ, công chức vi phạm bị cơ quan chức năng thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và từng ngành.
Thổi nồng độ cồn có bị lây bệnh?
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, vấn đề nhiều người quan tâm là khi thổi nồng độ cồn có nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, cảm cúm, HP?
Theo Vnexpress
Thiếu tướng Công an, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Công an TP Hồ Chí Minh , đo nồng độ cồn, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông