BẮC GIANG – Thời điểm này, từ các chợ nông thôn đến cửa hàng tự chọn hay siêu thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tràn ngập hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Sản phẩm bày bán chủ yếu được sản xuất trong nước với đủ chủng loại, mẫu mã bắt mắt, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
Hiện tại, các chợ trên địa bàn tỉnh như: Chợ Gàng, xã Vô Tranh (Lục Nam); chợ Nhã Nam, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), chợ Neo, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và các cửa hàng tự chọn, tạp hóa, siêu thị lớn như: Siêu thị The City, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), Siêu thị GO! Bắc Giang, Siêu thị Co.opmart Bắc Giang (cùng TP Bắc Giang) đã bày bán nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Lượng khách mua sắm hàng Tết cũng tăng dần.
Khách nước ngoài chọn mua hàng Tết tại Siêu thị Co.opmart Bắc Giang. |
Qua khảo sát, hầu hết sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm chế biến và một số mặt hàng công nghệ phẩm như: Bánh kẹo, dầu ăn, mỳ chính, mứt, đồ hộp đóng sẵn, hàng may mặc, bia, rượu… đều do Việt Nam sản xuất. Giá cả, chất lượng, mẫu mã hàng hóa đa dạng, phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng của nhiều người.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhã Nam (Tân Yên ) cho hay, Nhã Nam có 1 chợ và hơn 1,2 nghìn hộ làm nghề dịch vụ, kinh doanh các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc,… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thị trấn và các xã lân cận như: Lan Giới, Tân Trung, An Dương (Tân Yên) và An Thượng, Tân Hiệp (Yên Thế).
Khoảng 90% sản phẩm bày bán trong chợ Nhã Nam và các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn được sản xuất trong nước. Chỉ có số ít hàng may mặc, giày dép, đồ điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Chị Trần Thị Phương, tiểu thương bán quần áo ở chợ Nhã Nam chia sẻ, toàn bộ sản phẩm may mặc chị đang bán đều được sản xuất tại các cơ sở may ở Ninh Hiệp, quận Gia Lâm (Hà Nội). Mẫu mã sản phẩm đa dạng, chất vải dày dặn, đường khâu chắc chắn, giá phải chăng nên tiêu thụ khá thuận lợi.
Trong không gian trưng bày và bán sản phẩm tại Siêu thị Co.opmart Bắc Giang, khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Điểm bán hàng bình ổn giá” được treo trang trọng. Ông Trịnh Ngọc Hoài Thương, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bắc Giang thông tin: “Co.opmart là hệ thống siêu thị bán lẻ của Việt Nam trực thuộc Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, do đó chúng tôi ưu tiên bán hàng hóa sản xuất trong nước. Hiện siêu thị đang bày bán khoảng 20 nghìn mã sản phẩm, trong đó hơn 95% là hàng Việt”.
Theo Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đạt hơn 90%. Tại các kênh bán lẻ truyền thống như: Chợ, cửa hàng tạp hóa, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm hơn 60%. Những sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị trong và ngoài tỉnh. |
Theo Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đạt hơn 90% (tại Siêu thị GO! Bắc Giang, Siêu thị Co.opmart Bắc Giang, Siêu thị The City đều đạt trên 95%). Tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa, tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 60%. Những sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Người tiêu dùng ngày càng tin dùng hàng Việt. Chị Lương Thị Chinh, thôn Làng Gia, xã Tân Trung (Tân Yên) chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, tôi chỉ mua và dùng hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết. Bởi hàng Việt chất lượng ngày càng cao, giá cả phù hợp với thu nhập của gia đình”.
Bảo đảm đủ nguồn hàng chất lượng
Có được kết quả trên là do thời gian qua, nhiều hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam được quan tâm. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo ngành Công Thương, UBND các huyện, TP triển khai các chính sách bán hàng Việt, bình ổn thị trường trong các dịp lễ, tết. Tỉnh chú trọng khuyến khích phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi mô hình liên kết “sản xuất – phân phối – tiêu dùng” nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu do Việt Nam sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Năm 2023, UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ngành tăng cường hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt. Phê duyệt danh mục 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh để các chủ thể quan tâm sản xuất, tiêu thụ.
Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các địa phương đã tham gia 16 hội chợ, triển lãm trong tỉnh, trong nước để xúc tiến tiêu thụ nông sản và hàng hóa sản xuất trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi”; tập trung triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021- 2025”.
Để bảo đảm cung, cầu hàng hóa, dịch vụ dịp Tết Nguyên đán, ngay từ cuối tháng 12/2023, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, TP, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp, hợp tác xã, ban quản lý các chợ trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, góp phần bình ổn thị trường. Tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống; tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổ chức phân phối hàng hóa rộng khắp, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, khu vực tập trung đông công nhân, người lao động. Thực hiện bán hàng văn minh, lịch sự, đúng quy định về chất lượng hàng hóa. Niêm yết và bán đúng giá niêm yết cũng như các quy định khác của pháp luật liên quan về hoạt động thương mại.
Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả giám sát, thông tin kịp thời về các vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bài, ảnh: Thế Đại
Tập trung cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường Tết
BẮC GIANG – Chiều 16/1, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại một số siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Sản phẩm OCOP sẵn sàng phục vụ thị trường Tết
(BGĐT) – Nắm bắt nhu cầu thị trường, dịp này, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong tỉnh Bắc Giang có sản phẩm được công nhận OCOP đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Để nâng giá trị, nhiều chủ thể có hướng mở rộng sản xuất, khai thác hiệu quả “sao” của sản phẩm.
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Tết ở Bắc Giang
(BGĐT) – Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, tổ chức, cá nhân kinh doanh ở nhiều vùng nông thôn và khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu bày bán hàng hóa nội địa. Từ đó, người tiêu dùng cũng ưu tiên lựa chọn hàng Việt để sử dụng.
tin tức bắc giang, bắc giang, Thị trường Tết, ngập sắc hàng Việt, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng hóa phục vụ