Trải qua 14 lần tổ chức, cuộc thi “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc đã trở thành sân chơi nghệ thuật, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện các tài năng nghệ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, ý thức tập thể; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Cuộc thi tạo cơ hội để học sinh, sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện các tài năng nghệ thuật. |
Tối 1/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc cuộc thi “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc lần thứ XV vòng khu vực phía Bắc quy tụ 21 đội thi với 60 tiết mục biểu diễn. Cuộc thi được tổ chức với mục đích tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên, định hướng, động viên và đánh giá phong trào văn hóa, nghệ thuật trong các trường học.
Phát biểu tại cuộc thi, Quyền Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt cho biết: Cuộc thi “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, cho đến nay trải qua 14 lần tổ chức, cuộc thi đã được khẳng định là sân chơi nghệ thuật, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc, phát hiện các tài năng nghệ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, ý thức tập thể; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua cuộc thi, nhiều ca sĩ đã trưởng thành và trở thành các nghệ sĩ có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Cuộc thi năm nay được tổ chức thành hai vòng: Vòng khu vực được tổ chức ở miền Nam và miền Bắc với tổng số 39 đội và 113 tiết mục tham dự. Đây sẽ là cơ hội để các em thể hiện tài năng âm nhạc, giới thiệu các sắc thái văn hóa truyền thống trên mọi miền đất nước.
Chủ đề của cuộc thi năm 2023 là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nhà trường, thầy cô và bạn bè; thể hiện ước mơ, khát vọng, tình cảm, trách nhiệm của sinh viên đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Cách thức tổ chức bao gồm hai phần: Phần ca giữ vai trò chủ đạo và phần phụ họa.
Ở phần ca, các đoàn có thể chọn hình thức đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca. Các bài hát dự thi thể hiện bằng tiếng Việt phổ thông. Thí sinh hát các bài hát bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số phải có ít nhất một lần hát bằng tiếng Việt (hoặc thuyết minh phần lời dịch ra tiếng Việt). Mỗi sinh viên đăng ký tham gia không quá một tiết mục đơn ca trong chương trình dự thi của mỗi đoàn. Khuyến khích sử dụng các tác phẩm đã tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành giáo dục.
Ở phần phụ họa, có thể kết hợp biểu diễn múa, nhạc cụ để minh họa phần ca, làm nổi bật tiết mục dự thi.
Theo Ban tổ chức, trước đó từ ngày 24 đến 26/11, cuộc thi “Tiếng hát sinh viên” đã tổ chức vòng khu vực phía Nam với sự tham gia của 18 đội thi, 53 tiết mục và hơn 400 thí sinh dự thi. Vòng khu vực miền Bắc có 21 đội với 60 tiết mục với hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi. Ban Tổ chức kỳ vọng đây sẽ là những tiết mục hấp dẫn nhất, thu hút sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của các đội thi và của sinh viên, khán giả Thủ đô. Dự kiến, vòng chung kết cuộc thi được tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) vào ngày 9 và 10/12. |
Theo Nhân Dân