BẮC GIANG – Thời gian qua, ngành Giáo dục Bắc Giang đã quan tâm phát động sâu rộng phong trào phát huy sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn giảng dạy. Qua đó thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết và năng lực của mỗi nhà giáo trong các hoạt động giáo dục.
Bài học hấp dẫn hơn
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020 – 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động, ngay từ đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thành lập hội đồng nghiên cứu khoa học, phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét các danh hiệu thi đua. Để phong trào đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện, yêu cầu giáo viên đăng ký đề tài, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tuỳ vào đặc thù ở mỗi cấp học, cách tiếp cận vấn đề của giáo viên, các sáng kiến không chỉ tập trung ở những môn học cơ bản mà còn thể hiện ở tất cả các lĩnh vực đời sống, giúp học sinh phát triển toàn diện về nhận thức và kỹ năng sống.
Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên Trường THCS Thượng Lan (Việt Yên) được áp dụng vào giảng dạy thực hành môn Sinh học tại nhà trường. |
Để bài giảng hấp dẫn, hiệu quả hơn là mục tiêu của các nhà giáo trong quá trình triển khai các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm. Bởi vậy trong quá trình dạy tiếng Anh cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy giáo Nông Văn Cứu, giáo viên Trường THCS Tân Sơn (Lục Ngạn) luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới bài học.
Mới đây, thầy Cứu có sáng kiến “Rèn kỹ năng làm các dạng bài nghe trong tiết kiểm tra môn tiếng Anh” tại Trường THCS Tân Sơn được công nhận sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn, áp dụng trong lĩnh vực giáo dục ở các trường THCS vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả của sáng kiến được thể hiện rõ khi tại cuộc thi “Vì một Bắc Giang giỏi Tiếng Anh” do Sở GD&ĐT phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Educa Corporation (Hà Nội) tổ chức, em Vũ Tống Hà Anh, học sinh Trường Tiểu học Cấm Sơn đã xuất sắc giành giải Đặc biệt.
Giai đoạn 2018 – 2023, toàn ngành có hơn 2,6 nghìn sáng kiến cấp ngành, trong đó có gần 100 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. |
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Bắc Giang có 399 đề tài của cán bộ, giáo viên, trong đó có 17 đề tài được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Là cán bộ quản lý nhiều năm có đề tài được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, cô giáo Hoàng Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) cho rằng, sáng kiến hay là phải đúc kết từ chính thực tiễn giảng dạy, giải quyết được những bất cập, tồn tại, mang tính khoa học, sư phạm, ứng dụng hiệu quả vào thực tế, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, thành thạo các kỹ năng thực hành.
Hội đồng sáng kiến của ngành Giáo dục Bắc Giang đánh giá, những năm gần đây, các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, chứ không chỉ cung cấp kiến thức như trước. Qua đó giúp các em tự tin, hứng thú hơn với các giờ học, phát huy khả năng tự học, mở rộng kiến thức, ứng dụng vào thực hành, hình thành và phát triển năng lực theo yêu cầu môn học, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng thời giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học trong từng chuyên đề, từng phân môn. Đúc kết từ những sáng kiến kinh nghiệm cụ thể, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trên cả nước xây dựng thành công mô hình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Phong trào thi đua sáng kiến kinh nghiệm của ngành Giáo dục được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Nhiều đề tài của các nhà giáo được ứng dụng vào thực tiễn quản lý, giảng dạy không chỉ ở cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được Bộ GD&ĐT đưa vào giảng mẫu, đúc kết thành các bài học trong sách giáo khoa.
Nổi bật như cô giáo Phạm Thị Thuý, Trường Tiểu học Cảnh Thụy (Yên Dũng) có nhiều sáng kiến đổi mới trong giảng dạy được Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) mời tham gia dạy mẫu làm tài liệu hướng dẫn giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5 trên toàn quốc. Nhiều năm liên tục, cô Thúy được chọn là thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình môn học, hoạt động giáo dục phổ thông tổng thể, Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ GD&ĐT.
Cô Ong Thị Quý Nhâm, giáo viên Mĩ thuật, Trường Tiểu học Xương Lâm (Lạng Giang) có 8 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp bộ. Mới đây, cô Nhâm được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mời tham gia hội đồng viết sách “Dạy Mĩ thuật”, sách “Học Mĩ thuật”, sách “Bài tập thực hành Mĩ thuật” từ lớp 1 đến lớp 5 phục vụ giảng dạy môn Mĩ thuật dành cho giáo viên, học sinh bậc tiểu học đang được sử dụng giảng dạy trên toàn quốc.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu giữ vững tốp 15 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện, Sở GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành tiếp tục phát huy sáng kiến, kinh nghiệm hay vào từng bài giảng, môn học, hoạt động giáo dục trải nghiệm, phát triển kỹ năng sống. Tăng cường sinh hoạt và giao lưu chuyên môn, đặc biệt là với các tỉnh, TP có chất lượng giáo dục cao để cán bộ, giáo viên có cơ hội tìm tòi, phát huy sáng kiến. Các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, tạo động lực cho giáo viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt, góp phần nâng chất lượng giáo dục bền vững trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Minh Thu
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Thi đua, phát huy sáng kiến, ngành Giáo dục Bắc Giang, nâng chất lượng dạy và học, giáo viên đăng ký đề tài, giải pháp đổi mới