BẮC GIANG – Những năm gần đây, người dân huyện Yên Thế (Bắc Giang) quan tâm phát triển kinh tế rừng gắn với chế biến gỗ. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ rừng sản xuất tăng, người dân có thêm việc làm, thu nhập.
Giải quyết hàng nghìn việc làm
Là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn (hơn 15,7 nghìn ha, trong đó có hơn 12,6 nghìn ha rừng trồng), Yên Thế có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tại xã Xuân Lương, 100% hộ dân trong xã đều có rừng trồng với tổng diện tích 673 ha; nhiều hộ đầu tư mua đất rừng ở địa phương lân cận để phát triển sản xuất.
Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Bình, thôn Làng Dưới, xã Xuân Lương góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. |
Gia đình anh Nguyễn Văn Bình (SN 1977), thôn Làng Dưới là một điển hình. Năm 2010, nhận thấy nhu cầu về gỗ rừng trồng cao, trong khi tiềm năng tại địa phương lớn, anh vay 200 triệu đồng của người thân mua 10 ha rừng trồng. Dù trên đất đã có rừng song do giống kém nên cây còi cọc, anh quyết định phá bỏ để trồng bạch đàn giống mới. Năm 2016, lứa bạch đàn đầu tiên được khai thác, anh thu về hơn 700 triệu đồng. Có vốn, cùng với đầu tư trồng mới trên diện tích vừa khai thác, anh tiếp tục vay ngân hàng mua thêm 30 ha rừng tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) – giáp ranh với Xuân Lương.
Hiện với 40 ha rừng trồng, trung bình mỗi năm, gia đình anh khai thác khoảng 5 ha, lãi hơn 500 triệu đồng/năm. “Năm 2020, tôi đầu tư dây chuyền bóc gỗ trị giá hơn 700 triệu đồng. Hiện trung bình mỗi ngày, xưởng của gia đình tiêu thụ 30 m3 gỗ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động địa phương”, anh Bình cho biết.
Phát huy lợi thế đất đai, trung bình mỗi năm, toàn huyện có kế hoạch trồng mới khoảng 1,2 nghìn ha rừng song thường vượt mức. Đến hết tháng 10 năm nay, huyện trồng mới gần 1,5 nghìn ha rừng tập trung, đạt 118% kế hoạch năm. Cùng với tăng về diện tích, nâng chất lượng rừng trồng, toàn huyện có 214 cơ sở chế biến gỗ, vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo việc làm cho gần 2 nghìn lao động địa phương.
Tiêu biểu như ông Nguyễn Thái Hùng (SN 1964), thôn Cổng Châu, xã Đồng Hưu đầu tư 2 dây chuyền bóc gỗ, sản xuất 30 – 35 m3 ván bóc/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động. Xưởng bóc gỗ của anh Lý Văn Trường (SN 1978), bản Gốc Dổi, xã Canh Nậu tạo việc làm cho 35 lao động trong xã với thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp (DN) chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ, góp phần nâng cao giá trị rừng kinh tế. Anh Bùi Xuân Vân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu gỗ dán Phương Đông, trụ sở tại bản Đồn, xã Canh Nậu cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ bóc gỗ rồi bán cho các DN với giá 3 triệu đồng/m3. Từ khi chuyển sang làm ván ép, giá trị mỗi m3 gỗ tăng gần gấp đôi mà lại không lo đầu ra”.
Phát triển rừng gỗ lớn gắn với công nghệ chế biến
Để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, Yên Thế xác định phát triển kinh tế mũi nhọn là trồng rừng gắn với chế biến gỗ. Theo đó, địa phương khuyến khích các hộ đưa giống cây mới, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; triển khai phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Riêng năm 2023, huyện có thêm 3,4 nghìn ha rừng trồng, 450 ha rừng tái sinh tự nhiên được cấp chứng chỉ FSC, nâng tổng diện tích rừng có chứng chỉ FSC toàn huyện lên hơn 6,2 nghìn ha (chiếm gần 50% diện tích rừng FSC toàn tỉnh).
Giai đoạn 2024-2025, huyện Yên Thế sẽ bố trí 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn. Ảnh: Rừng gỗ lớn tại thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng. |
Nhờ đó, sản lượng gỗ khai thác hằng năm tăng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện khai thác hơn 1,6 nghìn ha rừng trồng với sản lượng gần 160,2 nghìn m3 (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022); giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt 600 tỷ đồng. Qua đó góp phần nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện (hiện còn 2,83% số hộ nghèo).
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện trồng mới gần 1,5 nghìn ha rừng tập trung, đạt 118% kế hoạch năm; khai thác hơn 1,6 nghìn ha rừng trồng với sản lượng gần 160,2 nghìn m3 (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022); giá trị sản xuất lâm nghiệp của huyện đạt 600 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2022). |
Mặc dù vậy, qua đánh giá, kinh tế rừng của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quy trình sản xuất chưa được quan tâm; sản xuất và tiêu thụ vẫn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, định hướng phát triển đồng bộ.
Xác định trồng rừng kinh tế là hướng đi tạo bước đột phá, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân trên địa bàn, tỉnh và huyện quan tâm xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì triển khai Đề án hỗ trợ phát triển huyện Yên Thế thành trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp của tỉnh. Với trách nhiệm của mình, các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục đối với DN đến địa bàn đầu tư dây chuyền chế biến gỗ hiện đại, công suất lớn.
Mới đây, UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chuyển rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn giai đoạn 2024-2025. Theo đó, từ nguồn ngân sách, huyện sẽ dành 5 tỷ đồng để hỗ trợ trồng mới 370 ha rừng gỗ lớn và chuyển hơn 1 nghìn ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Ông Nguyễn Bá Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, đơn vị tham mưu cho huyện có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng thâm canh; khuyến cáo bà con mua cây giống ở các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng. Đối với hoạt động chế biến, cùng với mời gọi, thu hút DN chế biến, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở hoạt động đúng quy định, giữ vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Rừng xanh che chở xóm làng
BẮC GIANG – Trong khi tình trạng chặt phá rừng tự nhiên đâu đó vẫn xảy ra trên cả nước thì tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động) còn những khu rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý với nhiều cây gỗ to, quý hiếm được đồng bào nâng niu bảo vệ. Đổi lại, rừng xanh đã che chở và mang lại cho người dân cuộc sống bình yên, ấm no. Trong tương lai, đây sẽ là nền tảng để địa phương khai thác tiềm năng phát triển KT-XH.
Rừng trong thành phố
BẮC GIANG – Đó là xu thế tầm nhìn xây dựng đô thị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây. Theo Phó Thủ tướng, ý tưởng xây dựng mô hình đô thị nén, trong nhà có vườn, trong đô thị có rừng, trong rừng có thành phố là xu thế nhà ở tương lai, rất cần lưu ý đưa vào dự thảo Luật Nhà ở tới đây.
Giữ lõi xanh rừng phòng hộ Cấm Sơn
(BGĐT) – Rừng phòng hộ Cấm Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) có vai trò lớn giúp tăng khả năng duy trì và điều tiết nguồn nước hồ Cấm Sơn, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, thiên tai và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển cây ăn quả, trồng rừng sản xuất của người dân, nguy cơ rừng bị xâm lấn luôn hiện hữu, nhiều diện tích thuộc địa bàn giáp ranh, gần với đất của dân gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ.
tin tức bắc giang, bắc giang, huyện Yên Thế, Phát triển rừng gỗ lớn, công nghệ chế biến, diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn, Thêm việc làm, tăng thu nhập từ rừng