BẮC GIANG – Với quan điểm bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển kinh tế bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể về BVMT, trong đó có việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp (CCN). Hiện các đơn vị, địa phương liên quan đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu này.
Thêm 15 CCN có trạm xử lý nước thải
Để ngăn ngừa ô nhiễm từ nguồn nước thải tại các khu công nghiệp (KCN), CCN, những năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp BVMT trong lĩnh vực này. Năm 2016, tại Nghị quyết số 139-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra đến năm 2020, các CCN thành lập mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến năm 2020, toàn tỉnh mới có 7 CCN (trong tổng số 28 CCN đã hoạt động) có trạm xử lý nước thải. Trước thực trạng này, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục đặt chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ, 100% các KCN, CCN có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
CCN Non Sáo, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) rộng 22,34 ha nhưng chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. |
Thực hiện mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, quan tâm quy hoạch, bố trí quỹ đất, kinh phí để xây mới hệ thống xử lý nước thải tại các CCN. Tập trung thu hút nhà đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT; tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo đảm tất cả các doanh nghiệp (DN) trong CCN khi đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cột B; trạm xử lý chung của cụm đạt tiêu chuẩn cột A khi thải ra nguồn tiếp nhận (ao, hồ, sông, suối)…
Toàn tỉnh hiện có 6/8 KCN, 32/54 CCN đi vào hoạt động. Trong đó 6 KCN và 19 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dự kiến từ nay đến hết năm 2023 có thêm 3 CCN đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải , gồm các CCN Hà Thịnh, Đoan Bái (Hiệp Hòa) và Đồng Đình (Tân Yên). Mục tiêu tỉnh đề ra năm 2023 là có 62,9% CCN đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung đã cơ bản hoàn thành. |
Theo đại diện Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương), toàn tỉnh hiện có 6/8 KCN, 32/54 CCN đi vào hoạt động; trong số này cả 6 KCN, 19 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải.
Đến hết năm 2023 có thêm 3 CCN có trạm xử lý nước thải tập trung, gồm 2 CCN Hà Thịnh và Đoan Bái (Hiệp Hòa); Đồng Đình (Tân Yên).
Mục tiêu tỉnh đề ra năm 2023, 62,9% CCN đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung cơ bản hoàn thành. Trong đó, một số CCN đã đầu tư hoàn chỉnh hạng mục này như: Hoàng Mai, Việt Tiến (Việt Yên); Nội Hoàng, Yên Lư (Yên Dũng); Thanh Vân, Việt Nhật (Hiệp Hòa)…
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu 100% CCN có trạm xử lý nước thải tập trung, từ năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các CCN và nhà đầu tư thứ cấp phải ký cam kết chỉ được hoạt động khi các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT được xây dựng, nghiệm thu đạt chuẩn. Hệ thống xử lý nước thải của DN thứ cấp phải được đấu nối vào hệ thống xử lý chung của CCN. Theo đó, hầu hết các CCN do DN làm chủ đầu tư hoặc thành lập mới khi đi vào hoạt động đều đã có trạm xử lý nước thải. Nhưng phần lớn các CCN được thành lập từ nhiều năm trước do cấp huyện làm chủ đầu tư lại chưa đạt chỉ tiêu này.
Toàn tỉnh hiện có 15 CCN do UBND huyện, TP làm chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng 200 ha. Đáng chú ý, trong số này, mới có 3 CCN gồm: Bãi Ổi, Tân Mỹ-Song Khê (TP Bắc Giang); Đại Lâm (Lạng Giang) có trạm xử lý nước thải; 3 CCN khác chưa có trạm xử lý chung nhưng các DN trong cụm đều có trạm xử lý nước thải đạt cột A, bao gồm CCN Tân Dân (Yên Dũng); CCN Đồi Ngô, Già Khê (Lục Nam).
Ngoài ra, có 2 CCN tại TP Bắc Giang mới có khu thu gom, xử lý nước thải theo công nghệ lắng lọc. Còn lại 7 cụm ở các địa phương như: Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Lạng Giang, TP Bắc Giang thiếu hệ thống xử lý nước thải. Nhiều cụm trong số này có quy mô, diện tích nhỏ, được hình thành từ năm 2009 trở về trước và phần lớn đã có DN hoạt động; hạ tầng đầu tư thiếu bài bản, đồng bộ, không còn quỹ đất, khó bố trí kinh phí để xây dựng trạm xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, một số CCN do DN làm chủ đầu tư, hình thành sau khi đã có các DN hoạt động, hiện cũng không còn quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Điển hình như CCN Non Sáo, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) có tổng diện tích hơn 22,34 ha nhưng toàn bộ là quỹ đất công nghiệp, hiện các DN trong cụm đã sử dụng hết. Cụm giáp ranh với khu dân cư và đường giao thông nên không thể mở rộng.
TP Bắc Giang là chủ đầu tư 5 CCN. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Bắc Giang thông tin: “Đến nay, đơn vị đã bố trí quỹ đất xây dựng trạm xử lý nước thải tại 2 CCN Tân Mỹ – Song Khê và Bãi Ổi. Đối với 3 CCN còn lại gồm Thọ Xương, Xương Giang II và Đa Mai, do quy mô nhỏ, không còn phù hợp trong khu vực nội thị (CCN Đa Mai mới thu hút được 1 DN vào hoạt động) nên TP đã đưa vào quy hoạch, chuyển quỹ đất tại các CCN này sang đất thương mại dịch vụ”.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để hoàn thành chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra về xây dựng trạm xử lý nước thải tại các CCN, Sở tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo, kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nội dung này. Tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động DN chấp hành quy định về BVMT; rà soát, làm rõ các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ đối với các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Đối với các CCN không đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn (có quy mô, diện tích nhỏ dưới 5 ha, không đáp ứng các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, thiếu trạm xử lý nước thải…) sẽ đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch CCN.
Được biết, ngày 25/10, Sở Công Thương tiếp tục làm việc với huyện Lạng Giang và các DN trong CCN Non Sáo, xã Tân Dĩnh để tính toán việc dành quỹ đất xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại đây.
Thùy Ninh
tin tức bắc giang, bắc giang, Nghị quyết, Đại hội Đảng bộ tỉnh, lần thứ XIX, bảo vệ môi trường, hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, khu công nghiệp, trạm xử lý nước thải, xây mới hệ thống xử lý nước thải, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn