Ngày 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trần Văn Sơn – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn – Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, cả nước đã có 252/256 công ty đã phê duyệt phương án sắp xếp, còn 4 công ty thuộc 3 địa phương (TP Hà Nội, Thanh Hóa, TP Cần Thơ) chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới; 161/256 công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành sắp xếp, đổi mới tại 31 địa phương, đạt 63%; 95/256 công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới theo phương án được phê duyệt và chưa được phê duyệt phương án…
Về đất đai, trước khi sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng hơn 2.229.000 ha; sau khi sắp xếp, đổi mới đã thực hiện bàn giao về địa phương quản lý 259.642 ha. Có 117 công ty và chi nhánh đã được phê duyệt phương án sử dụng đất, 223 công ty và chi nhánh đã hoàn thành rà soát ranh giới tại thực địa, cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Tại tỉnh Bắc Giang đã thực hiện hoàn thành 3/5 doanh nghiệp theo phương án được phê duyệt, còn 2 doanh nghiệp là: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lục Nam và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Mai Sơn chưa hoàn thành việc chuyển đổi. Hiện cả 2 công ty đang tiếp tục hoạt động theo loại hình công ty TNHH MTV và theo mô hình Chủ tịch công ty kiêm Giám đốc. UBND tỉnh Bắc Giang đã giao các Công ty chủ động tìm kiếm đối tác mới tham gia góp vốn để thực hiện chuyển đổi theo phương án đã được phê duyệt.
Nhìn chung, sau sắp xếp các công ty có chuyển biến về phương thức tổ chức quản lý, ứng dụng đổi mới công nghệ, nguồn vốn được tăng lên, lao động được sử dụng hiệu quả; việc giải quyết chế độ chính sách theo đảm bảo theo quy định; công tác quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình sắp xếp thực hiện theo đúng pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân chậm sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến chậm đổi mới, sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp là do nhận thức của một số cấp ủy đảng về vai trò, nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chưa đầy đủ, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Năng lực, trình độ quản lý doanh nghiệp của một số lãnh đạo, cán bộ quản lý trong công ty nông, lâm nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới. Quá trình hình thành, sắp xếp và đổi mới công ty nông, lâm nghiệp có tính chất lịch sử, phức tạp diễn ra trong một thời gian dài. Công ty nông, lâm nghiệp hoạt động trên địa bàn rộng lớn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới; cơ sở hạ tầng thấp kém;…
Đại diện lãnh đạo đơn vị, địa phương kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12/01/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118/2014/NĐ-CP để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung phân tích sâu về những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp. Những ý kiến tại hội nghị là cơ sở để các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động; đồng thời ban hành nhiều chính sách về đất đai để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp đổi mới các công ty. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp vẫn còn nhiều tồn tại chưa được xử lý dứt điểm; nhiều công ty chậm xây dựng đề án tái cơ cấu, chậm sắp xếp, đổi mới dẫn đến hoạt động còn kém hiệu quả…
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm soạn thảo, ban hành chỉ thị về tăng cường giải pháp triển khai công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Tổ chức rà soát thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, phương án điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo đề nghị của các địa phương. Chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành các phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp xong trước tháng 6/2024, trình Chính phủ phương án sắp xếp, đổi mới xong trước tháng 9/2024.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, địa phương và các bộ, ngành có liên quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định cơ chế hỗ trợ công ty nông, lâm nghiệp giải thể mất khả năng thanh toán; bổ sung vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, được quy định.
UBND các tỉnh, thành phố cần hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp của địa phương và trung ương trên địa bàn. Hoàn thành việc tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý. Xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng phương án sắp xếp, phương án điều chỉnh, phương án tiếp tục sắp xếp gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2024./.
Nguyễn Miền