(BGĐT) – Trước diễn biến phức tạp của tội phạm trên
không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an
tỉnh Bắc Giang) đã chủ động triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu
tranh ngăn chặn, góp phần kiềm chế tội phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân đối với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng là biện pháp hiệu quả nhất, cấp ủy, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh trong việc tổ chức triển khai công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm qua không gian mạng.
|
Đơn vị đã tham mưu với Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 107/KH-CAT-ANM ngày 30/3/2022 về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Cùng đó triển khai Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động; tham mưu Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật An ninh mạng và nhận diện thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”.
Nội dung tuyên truyền cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Các đối tượng sử dụng những hình thức lừa đảo không mới nhưng tinh vi, khiến bị hại “mắc bẫy”.
Điển hình là chiêu trò nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án người quen lãnh đạo cấp cao gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.
Các đối tượng còn giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông, điện lực gọi điện thông báo nợ cước; cảnh sát giao thông thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn; giả danh nhân viên ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online. Giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn”… để rồi bằng nhiều chiêu thức lừa nạn nhân chuyển tiền sau đó chiếm đoạt.
Có một thời gian trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số vụ đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo để lập tài khoản Zalo, Facebook mạo danh. Sau đó kết bạn, nhắn tin vay mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới… rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự thường có thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng sau đó sẽ liên lạc với chủ tài khoản để xin lại số tiền đã chuyển.
Trong khi hướng dẫn nạn nhân chuyển lại tiền các đối tượng đã tạo sẵn chiếc bẫy là những đường link để dễ dàng chiếm đoạt. Hoặc hình thức mời vay tiền qua ứng dụng, trang web với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản nhiều người đã sập bẫy và trở thành “con nợ” của các đối tượng cho vay với lãi suất “cắt cổ”.
Tập trung đấu tranh, ngăn chặn
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá các vụ án qua không gian mạng. 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng đã đấu tranh làm rõ, khởi tố 6 vụ, 9 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Đối tượng Vi Đức Quang tại cơ quan công an. |
Điển hình là ngày 28/3/2023, Phòng đã phối hợp với Công an TP Bắc Giang điều tra, làm rõ và bắt giữ nhóm 6 đối tượng lừa đảo thông qua bán vé máy bay giá rẻ do Vi Đức Quang (SN 1998), trú tại ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) cầm đầu.
Quá trình điều tra, xác định từ ngày 16/12/2022 đến khi bị bắt, các đối tượng đã thuê người lập trình tạo Website và 8 Fanpage có tên liên quan đến săn vé máy bay giá rẻ, rồi thuê chạy quảng cáo trên Facebook để lừa đảo chiếm đoạt của khoảng 1.000 bị hại trên phạm vi toàn quốc với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Ngày 3/6/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an huyện Lục Nam tiến hành bắt giữ Đặng Thanh Sơn (SN 2002) và Trần Đào Tấn Hưng (SN 2002) cùng trú tại Chung cư Sunshine Garden, phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội).
Các đối tượng này đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook “ảo” để đăng tải các bài viết có nội dung mời chào cho vay liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trái phép qua mạng kèm số điện thoại, tài khoản Zalo.
Khi người dân liên hệ vay tiền các đối tượng sẽ yêu cầu đóng các khoản phí mở hồ sơ, bảo hiểm, phí giải ngân… sau đó chiếm đoạt. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã chiếm đoạt được số tiền khoảng 500 triệu đồng của nhiều bị hại trên toàn quốc.
Một vụ án nổi bật nữa đó là ngày 20/12/2022, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì phối hợp với nhiều đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng dựa trên mã giao dịch của ví điện tử MoMo, bắt giữ 7 đối tượng liên quan trong đó cầm đầu là Ngô Đức Hạ (SN 1998), hộ khẩu tại thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai, (Việt Yên).
Ngô Đức Hạ (bên phải) và Lục Văn Phong bị bắt trong đường dây đánh bạc thông qua ví điện tử MoMo.
|
Đây là một đường dây có tính chất quy mô đặc biệt lớn. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội rất mới, khép kín, lợi dụng việc giao dịch của ví điện tử MoMo để thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng tự tạo lập, điều hành, quản trị website để đánh bạc, sử dụng hàng nghìn tài khoản MoMo khác nhau để phục vụ việc tổ chức đánh bạc trên website; mỗi ngày phát sinh khoảng 50.000 giao dịch đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc từ 3 đến 4 tỷ đồng.
Tổng số lượng giao dịch tổ chức đánh bạc và đánh bạc của hai website liên quan đến nay khoảng 2.000 tỷ đồng; xảy ra trên địa bàn toàn quốc, thu hút hàng nghìn người chơi, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự.
Bên cạnh các vụ án trên, Phòng còn đấu tranh làm rõ vụ mua bán súng PCP trên mạng xã hội, thu giữ hàng trăm linh kiện súng các loại; xử lý 2 đối tượng có hành vi mua bán “đồ chơi tình dục” trên mạng xã hội, vận động giao nộp hàng trăm “đồ chơi tình dục”; triệt phá nhóm đối tượng sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn quảng cáo website đánh bạc, lừa đảo…
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về các quy định của pháp luật trong phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng; nhận diện phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.
Đồng thời, nghiên cứu những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực mà tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó tham mưu đề xuất, kiến nghị khắc phục những nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội nhất là lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng.
Thượng tá Trần Huy Việt
Ngăn chặn, lừa đảo, không gian mạng, Bắc Giang.