Chiều 17/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; một số bộ, ngành Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam… cùng dự buổi gặp mặt.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà giáo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ đến các nhà giáo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, toàn hệ thống giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện; đặc biệt đổi mới giáo dục phổ thông đang trong giai đoạn cần tập trung cao nhất nguồn lực. Việc quan tâm và phát triển đội ngũ nhà giáo cần được tập trung thực hiện hơn nữa. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy, cô. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nỗ lực kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập nhằm tạo động lực và điều kiện tốt nhất để lực lượng nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) – ngày “Tết” của các thầy cô; đồng thời nhấn mạnh đây chính là một trong những truyền thống đáng quý của người Việt Nam: là tôn vinh, đề cao những người cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Theo Thủ tướng, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam.
“Đạt được những kết quả đáng tự hào nêu trên có sự đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo – những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu nghề; luôn nỗ lực tu dưỡng, nâng cao năng lực, khắc phục nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thách thức để “bám trường, bám lớp, bám học sinh”, hết mình truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tư duy, đạo đức nhằm phát triển toàn diện thế hệ tương lai của đất nước” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 29 của Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh.
Thủ tướng nêu rõ phương châm đặt ra là: “lấy học sinh làm trung tâm”; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy, cô giáo làm động lực”; đồng thời bảo đảm yêu cầu đặt ra là phải: “học thật, thi thật, nhân tài thật”, “thực tâm, thực tài, thực nghề”.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó tập trung: Tổng kết đầy đủ, toàn diện, thực chất công tác đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Trung ương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại…
“Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” nhưng phải hợp lý và hiệu quả” – Thủ tướng nêu rõ.
Gửi gắm đến các thầy cô giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, luôn là tấm gương sáng về rèn đức – luyện tài, yêu nghề – yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh… hãy cùng chung tay sát cánh với ngành Giáo dục và Đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện với tinh thần thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời.
Về các đề xuất, kiến nghị tại buổi gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm, tập trung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho công tác dạy và học, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Theo TTXVN
Tập trung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ giáo viên