BẮC GIANG – Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được huyện Tân Yên quan tâm thực hiện, góp phần giúp người dân có sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đào tạo theo nhu cầu, thế mạnh
Năm 2021, Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên ban hành Kế hoạch số 35-KH/HU, Kế hoạch số 134/KH-UBND về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Phòng chức năng huyện đã xây dựng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trên địa bàn; rà soát nhu cầu của người lao động và phân bổ vốn vay giải quyết việc làm từ nguồn quỹ quốc gia kịp thời, hiệu quả.
Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên phối hợp với xã Hợp Đức dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn. |
Thực hiện chỉ đạo, 100% trường THCS, THPT đã bố trí chương trình giáo dục hướng nghiệp; tăng cường hoạt động ngoại khóa liên quan đến nghề nghiệp, việc làm, xác định, nắm bắt số học sinh có nguyện vọng học nghề hoặc tiếp tục theo học cao đẳng, đại học. Hai năm học vừa qua, học sinh cuối cấp của các trường THCS, THPT đều được tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp, mỗi bậc học có 23-27% học sinh theo học trung cấp nghề, cao đẳng nghề và tương đương. Từ năm 2021 đến nay, gần 10,3 nghìn lao động trên địa bàn huyện được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đạt gần 60% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ qua đào tạo đạt gần 78% tổng số lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Theo ông Trương Bắc Lâm, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, hằng năm, đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin thị trường lao động nhằm tạo cơ sở dữ liệu cung – cầu, dự báo thị trường. Đồng thời rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm; khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, trong đó lưu tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài địa bàn cũng như thế mạnh kinh tế địa phương.
Năm 2022 và 2023, qua khảo sát có hơn 2,1 nghìn lao động chưa qua đào tạo, có nhu cầu học nghề hoặc chuyển đổi nghề. Thực hiện chính sách về hỗ trợ tạo việc làm theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phòng chức năng huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 20 lớp dạy nghề miễn phí cho gần 600 lao động, chủ yếu là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Các nghề được đào tạo là: May công nghiệp, sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng, trồng trọt, chăn nuôi giúp người học có thể áp dụng ngay kiến thức vào sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: “Thế mạnh của xã là phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản. Do đó hai năm nay, xã phối hợp mở 5 lớp dạy nghề may, trồng nấm, nuôi cá nước ngọt cho 150 học viên. Hằng năm tổ chức từ 15-17 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi với gần 2 nghìn lượt người tham gia, góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất”.
Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%
Chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện là đổi mới, tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với thị trường lao động và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau đào tạo. Phòng LĐTBXH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các xã, thị trấn tuyên truyền tư vấn, giới thiệu, cung cấp kịp thời thông tin cho người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên được biết về chính sách học nghề, cơ hội việc làm tại thị trường lao động, các DN trong và ngoài tỉnh.
Giảng viên hướng dẫn người dân xã Phúc Hòa kiểm tra chất lượng nguồn nước ao để nuôi thả cá. |
Giới thiệu hàng chục DN có đủ hồ sơ, năng lực tư vấn, xuất khẩu lao động về địa bàn tuyển dụng. Sau đào tạo nghề, người lao động được các đơn vị giới thiệu công việc hoặc tự tạo việc làm tại địa phương. Nhờ có tay nghề, hơn 85% học viên trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm; 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp được các DN trong và ngoài huyện tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp. Mỗi năm, huyện Tân Yên tạo việc làm cho từ 3 – 3,5 nghìn người. Riêng 9 tháng năm nay, giải quyết việc làm cho gần 2,9 nghìn người, đạt 90% kế hoạch năm.
Từ năm 2021 đến tháng 9/2023, huyện Tân Yên đã đào tạo nghề cho hơn 10 nghìn lao động. Tỷ lệ qua đào tạo đạt gần 78% tổng số lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Mỗi năm, toàn huyện giải quyết việc làm cho 3-3,5 nghìn người. |
Điển hình, toàn xã Phúc Hòa có hơn 4,7 nghìn lao động trong độ tuổi, hiện đều có việc làm. Sau các chương trình dạy nghề, cơ bản học viên tìm được việc ổn định tại các DN, cơ sở sản xuất, số còn lại kết hợp mở rộng trồng trọt, chăn nuôi tại gia đình. Cùng với toàn bộ diện tích vải sớm được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng sản lượng, giá trị kinh tế, người dân trong xã còn chăn nuôi thủy sản hiệu quả. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản của xã đạt gần 400 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Dung, thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa cho biết: “Được tham gia lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về nông nghiệp, tôi đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc, phát triển mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi thủy sản, nhất là phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Nguồn thu khá từ gần 1 ha vải thiều, hai sào ao giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.
Tại xã Ngọc Châu, sau các lớp dạy nghề làm mỳ gạo, nhiều lao động tại thôn Châu Sơn đã mạnh dạn tham gia sản xuất. Toàn thôn có hơn 70 hộ làm nghề, tạo việc làm cho khoảng 200 lao động với thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. Kết quả đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh.
Thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Tân Yên tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%. Đặc biệt tăng cường gắn kết GDNN với giải quyết việc làm, giúp người lao động sau đào tạo có nghề ổn định, nâng cao đời sống, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Giúp lao động có việc làm, bảo đảm an sinh
BẮC GIANG – Công tác giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) những năm gần đây luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần phát huy tối đa nội lực để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động
(BGĐT) – Nhiều năm qua, Bắc Giang là điểm sáng của cả nước về thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ). Người dân được tạo việc làm với thu nhập cao, nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
tin tức bắc giang, bắc giang, Tân Yên, Tạo sinh kế, lao động, nông thôn, đào tạo nghề, học nghề, chuyển đổi nghề,giới thiệu việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống