BẮC GIANG- Sáng 9/12, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Các ban quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) các tỉnh, TP phía Bắc tổ chức hội nghị giao ban lần thứ XIX.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội nghị. |
Tới dự có các đồng chí: Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ; Đỗ Vũ Anh Thư, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Công Thương; Ban Chủ nhiệm CLB các ban quản lý KCN, KKT, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao các tỉnh, TP phía Nam; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Các KCN, KKT đến từ 30 tỉnh, TP phía Bắc.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 410 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 120 nghìn ha (diện tích đất công nghiệp khoảng 70%); trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 72,9%.
Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên cả nước thu hút hơn 11,2 nghìn dự án vốn đầu tư nước ngoài – FDI (các DN đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới) và 10,4 nghìn dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đạt 238,6 tỷ USD và 2,54 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt khoảng 69% và 46,5%.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Các KCN, KKT tạo việc làm cho khoảng 4,11 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để công tác quản lý các KCN, KKT đạt hiệu quả và thu hút nhiều dự án đầu tư mới, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm CLB các ban quản lý KCN, KKT các tỉnh, TP phía Bắc đề ra một số giải pháp: Tăng cường quản lý dự án đầu tư sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, tác phong đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành…
Các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm xây dựng Luật về KKT, KCN để khẳng định vị thế pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có hướng dẫn về thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng dữ liệu chéo, dữ liệu liên thông về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt cho các tỉnh, TP khi triển khai lập Quy hoạch các KCN, KKT…
Tham luận tại đây, các đại biểu nêu một số hạn chế về công tác quản lý nhà nước trong các KCN, KKT như: Hiện nay các Bộ, ngành T.Ư vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT nên các Ban Quản lý KCN, KKT còn một số vướng mắc trong việc tham mưu cho UBND tỉnh, TP ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Một số Ban Quản lý Các KCN, KKT chưa được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, môi trường, lao động… Nhiều doanh nghiệp FDI là đối tác hoặc là một công ty trong tập đoàn lớn, đa quốc gia nên công tác quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn…
Đồng chí Lê Thành Quân phát biểu |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Quân đề nghị Ban Quản lý Các KCN, KKT rà soát, tổng hợp, đánh giá về những đóng góp của mình trong phát triển công nghiệp của địa phương, có như vậy mới thấy được kết quả hoạt động của các Ban và đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại.
Ban Quản lý Các KCN, KKT cần nghiên cứu, định hướng, phát triển mô hình KCN sinh thái để nhân rộng nhằm thu hút các nhà đầu tư; sẵn sàng hỗ trợ về các thủ tục hành chính, chính sách liên quan đến đất đai cho các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Lãnh đạo các Ban cần tư duy, tham mưu xây dựng những KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, mô hình KCN mới để có phương án quản lý tập trung, chuyên biệt, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của các tỉnh, TP phía Bắc.
Tin, ảnh: Bảo Lâm
Bắc Giang phát triển các khu công nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư
BẮC GIANG – Phát triển công nghiệp được tỉnh Bắc Giang xác định là một trong 3 trụ cột phát triển toàn diện các ngành kinh tế. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN) để tạo lợi thế thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Ông Đào Xuân Cường – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề này.
công nghiệp, các tỉnh, TP phía Bắc, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, KCN