Sáng 11/12, tại Kỳ họp thứ 22, các đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giạng tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Y tế về việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn lao động.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
Chất vấn Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho biết, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thời gian qua đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người lao động được nâng lên, có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tai nạn lao động vẫn xảy ra nhiều (cụ thể là từ năm 2022 đến năm 2024 toàn tỉnh vẫn để xảy ra 324 vụ). Hiện nay các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ còn mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước; chất lượng huấn luyện chưa đạt yêu cầu, chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TBXH làm rõ trách nhiệm về vấn đề này.
Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Dương Ngọc Chiên cho biết, về trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động, trách nhiệm trực tiếp là chủ các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc tự kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ và người lao động chưa thực hiện đúng quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ thuộc về các địa phương, ngành LĐ-TBXH và các ngành liên quan. Trong đó, Sở LĐ-TBXH mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, song vẫn gặp khó khăn trong việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra do chủ trương chung là hạn chế số cuộc thanh tra, kiểm tra để tránh gây phiền hà và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động; đồng thời số lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại Sở còn mỏng; đội ngũ cán bộ tại cấp huyện, cấp xã phần lớn không được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật ATVSLĐ nên gặp hạn chế, khó khăn trong công tác hướng dẫn triển khai, giám sát và kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp,…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới Sở LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra, rà soát, báo cáo việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức công đoàn để thúc đẩy việc giám sát và thực hiện từ phía người lao động. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn, đặc biệt công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; kịp thời phản ánh các tồn tại, vi phạm trong công tác ATVSLĐ của người sử dụng lao động tới các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TBXH nội dung trên, đại biểu Trương Thị Hiền Lương – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thị xã Việt Yên nêu: Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy từ năm 2022 – 2024 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 324 vụ tai nạn lao động, làm 18 người chết, 68 người bị thương nặng, 238 người bị thương nhẹ. Trước tình hình trên, đại biểu đề nghị Giám đốc LĐ-TBXH cho biết trách nhiệm và giải pháp trong việc quản lý việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ đối với chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các doanh nghiệp; biện pháp xử lý vi phạm và theo dõi quá trình khắc phục.
Trả lời nội dung đại biểu nêu, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Dương Ngọc Chiên cho biết, về trách nhiệm, tham mưu công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh thuộc về ngành LĐ-TBXH, ngành Y tế và các ngành liên quan; tại các huyện, thị xã, thành phố trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ thuộc về UBND cấp huyện đã được quy định trong Luật ATVSLĐ năm 2015. Tuy nhiên, do số lượng cán bộ của Sở làm công tác thanh tra, kiểm tra về về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội còn rất mỏng, cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách về công tác ATVSLĐ; do vậy số cuộc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế so với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng năm tại các doanh nghiệp được xây dựng và phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh theo quy trình đề xuất của các cơ quan, ngành lĩnh vực nhằm tránh sự chồng chéo, vì vậy số lượng phê duyệt doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra về công tác lao động, ATVSLĐ hàng năm còn hạn chế so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở LĐ-TBXH đề xuất một số giải pháp trong công tác quản lý chấp hành quy định về ATVSLĐ đối với doanh nghiệp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý về ATVSLĐ; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động về ATVSLĐ. Tăng cường và đa dạng trong công tác tuyên truyền, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tạo bước chuyển về nhận thức và hành động đối với người chủ sử dụng lao động và người lao động.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH, Sở Y tế và các ngành liên quan phối hợp với tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TBXH, đại biểu Ngô Sỹ Long – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Bắc Giang cho biết thời gian qua, việc quản lý ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn cấp xã còn lúng túng, hạn chế nên thiếu kiểm soát đồng bộ, cơ bản các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất hợp đồng lao động thời vụ hoặc thuê khoán công việc chưa được quán triệt, tập huấn, kiểm tra hướng dẫn, nên nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đại biểu đề nghị Giám đốc LĐ-TBXH cho biết nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.
Về nội dung đại biểu Ngô Sỹ Long chất vấn, Giám đốc LĐ-TBXH Dương Ngọc Chiên cho biết, thời gian tới để tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ đối với các loại hình doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục đề nghị UBND cấp huyện rà soát, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, am hiểu về kỹ thuật an toàn đối với máy, móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại doanh nghiệp để làm công tác ATVSLĐ. Tăng cường hơn nữa các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác quản lý về ATVSLĐ cấp huyện, cấp xã; tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh và tăng cường công tác phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, các biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ cơ bản khi sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đến người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và lao động thời vụ. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát về công tác ATVSLĐ ở cấp cơ sở; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đảm bảo ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro xảy ra tai nạn.
Đại biểu Trần Thị Kim Ngân -Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn nêu hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ngoài các khu công nghiệp tập trung còn có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, việc đầu tư về trang bị, cơ sở hạ tầng vật chất còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt việc đầu tư cho công tác bảo hộ lao động cũng không được chú trọng. Bên cạnh đó, người lao động làm việc trong khu vực này cũng chưa thực sự quan tâm hoặc thiếu hiểu biết về công tác ATVSLĐ dẫn đến việc không lường trước được các mối nguy hại tiềm ẩn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường…, có thể xảy đến bất cứ lúc nào, gây nên hậu quả rất lớn, thiệt hại về người, kinh tế, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết giải pháp nào để bảo vệ an toàn, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực này.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Dương Ngọc Chiên cho biết, để bảo vệ an toàn, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực này, thời gian tới Sở Giám đốc Sở LĐ-TBXH tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: phát tờ rơi, tranh áp phích, sổ tay an toàn điện tử trên các nhóm zalo và trên mạng xã hội,… Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng nội quy, quy trình làm việc an toàn, tư vấn cải thiện điều kiện làm việc; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc không có quan hệ lao động thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ theo kế hoạch hằng năm được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tập trung kiểm tra việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Hướng dẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động tối thiểu, phù hợp với quy mô và lĩnh vực sản xuất. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ lao động và hệ thống quản lý ATVSLĐ. Xây dựng cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tạo kênh thông tin để người lao động dễ dàng báo cáo, khiếu nại các hành vi xâm phạm quyền lợi. Đảm bảo các khiếu nại được giải quyết nhanh chóng, công khai, minh bạch.
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Lê Xuân Thắng – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn chất vấn Giám đốc Sở Y tế về công tác khám chữa bệnh định kỳ cho người lao động. Đại biểu Thắng cho biết hiện một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ thực trạng công tác khám chữa bệnh định kỳ cho người lao động; giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn nội dung đại biểu Lê Xuân Thắng nêu, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thu Hương đồng tình với thực trạng việc khám sức khoẻ cho người lao động ở một số doanh nghiệp còn sơ sài, mang tính hình thức, không đủ các chuyên khoa cần thiết để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp. Một số ít doanh nghiệp không bố trí cán bộ y tế chuyên trách và không ký hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực, có doanh nghiệp chưa từng tổ chức khám sức khỏe định kỳ kể từ khi thành lập.
Nguyên nhân chính của những tồn tại này là do nhận thức của người sử dụng lao động chưa đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính nên cố tình không thực hiện hoạt động khám sức khỏe. Ngành Y tế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra nhưng chưa có chức năng xử phạt những doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho người lao động. Số lượng và chất lương cán bộ làm công tác này chưa được quan tâm.
Để hạn chế những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới ngành Y tế sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động. Chú trọng kiểm soát chất lượng khám sức khỏe. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các tại các đơn vị, cơ sở lao động.
Đại biểu Lê Xuân Thắng tiếp tục chất vấn việc khám sức sức khỏe định kỳ cho người lao động hiện nay đã được đa số các doanh nghiệp thực hiện nhưng việc tổ chức khám còn mang tính hình thức, đa số chỉ là khám sơ bộ. Do đó, khó phát hiện sớm các dấu hiệu suy giảm sức khỏe của người lao động và cũng khó phát hiệm sớm các dấu hiệu mắc bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt là đối với lao động nữ, cần khám thêm chuyên khoa nhưng vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ hơn vấn đề này.
Làm rõ vấn đề đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thu Hương cho biết Bộ Y tế quy định việc chỉ định cận lâm sàng do bác sỹ khám thực tế nếu thấy cần thiết. Hầu hết các đơn vị chỉ thực hiện khám các chuyên ngành và xét nghiệm công thức máu thông thường. Mặt khác, để giảm các chi phí khám, việc khám sức sức khỏe định kỳ cho người lao động còn mang tính hình thức, chưa thực hiện xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp. Việc khám chuyên khoa, đặc biệt là cho lao động nữ chưa được chú trọng đúng mức, nhiều lao động nữ còn e ngại trong khám chuyên khoa.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tăng cường kiểm tra cơ sở y tế thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Tăng cường phối hợp tổ chức hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phát huy vai trò trong ATVSLĐ theo quy định. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động.
Tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Hà Văn Bé – Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế làm rõ thực trạng kết quả quan trắc môi trường lao động của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động cho phép dù bằng cảm quan thông thường thấy một số nhà máy có tiếng ồn rất lớn, bụi nhiều hoặc sặc mùi sơn, hóa chất… có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động khi đi thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất.
Làm rõ nội dung đại biểu Hà Văn Bé chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thu Hương cho biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng đại biểu nêu do thời điểm quan trắc, vị trí đặt máy quan trắc chưa hợp lý, máy hoạt động chưa hết công suất. Bụi, mùi hóa chất, tiếng ồn không được ghi nhận trong thời gian quan trắc ngắn hạn nhưng ảnh hưởng lớn khi tiếp xúc lâu dài. Việc quan trắc môi trường giữa đơn vị quan trắc với doanh nghiệp dẫn đến kết quả không phản ánh đúng thực tế.
Tiếp thu và ghi nhận ý kiến đại biểu, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ chỉ đạo đơn vị y tế tăng cường giám sát độc lập các doanh nghiệp trong thực hiện quan trắc môi trường lao động theo phân cấp quản lý. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cung cấp báo cáo quan trắc, giám sát trực tiếp quá trình đo đạc. Quan trắc liên tục và ở nhiều thời điểm đối với doanh nghiệp có môi trường làm việc có nguy cơ cao. Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra các cơ sở công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động.
Để triển khai tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thu Hương kiến nghị UBND tỉnh tăng cường đầu tư máy móc cho ngành Y tế để phuc vụ cho công tác khám sức khỏe cho người lao động và quan trắc môi trường lao động. Chỉ đạo ban, ngành, địa phương có liên quan phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước trong năm 2025./.
Nhóm PV
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/tang-cuong-viec-chap-hanh-cac-quy-inh-cua-phap-luat-ve-ve-sinh-an-toan-lao-ong