Chiều 05/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Tại điểm cầu Bắc Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Thi chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước, giảm 597 vụ so với cùng kỳ 2022, diện tích rừng bị tác động là 1.047,8 ha.
4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước tính sơ bộ khoảng 498 ha chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.
Các vụ cháy rừng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; có những vụ cháy rừng đã gây thiệt hại về người, điển hình vụ cháy rừng tại khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) đã làm 2 cán bộ kiểm lâm tử vong.
Nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng EL NINO, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Đã có những đối tượng gây cháy rừng bị khởi tổ và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời làm rõ nguyên nhân xảy ra các vụ cháy rừng. Qua đây, các đại biểu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí cấp bách năm 2024 về công tác PCCCR cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao và trọng điểm về cháy rừng. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trong dự án đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp ý kiến, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, các giải pháp tăng cường công tác quản lý rừng và PCCCR.
Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt công tác truyền thông về công tác PCCCR. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các địa phương phải xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chủ rừng phải chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng được giao, được cho thuê; kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong tham mưu triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm “bốn tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác PCCCR.
Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng flycam để kiểm soát, phát hiện cháy rừng sớm; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất./.
Nguyễn Miền