Sáng 21/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đại diện lãnh đạo Sở Y tế; các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 2019-2023, số vụ NĐTP có xu hướng giảm so với giai đoạn 2014-2018, ghi nhận trung bình mỗi năm có 100 vụ NĐTP, với 2.181 người mắc, 23 ca tử vong. Năm 2023, cả nước có 40 vụ NĐTP, với 706 người mắc, 11 ca tử vong. Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ NĐTP, hơn 2.138 người mắc (tăng 1.432 ca, chiếm 202,8% so với cùng kỳ năm 2023), 6 ca tử vong. Trong đó, chủ yếu các vụ NĐTP xảy ra ở bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn trường học. Đặc biệt, có 11 vụ NĐTP liên quan đến vi sinh vật làm 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, chiếm 30,6% tổng số vụ nhưng chiếm tới 58% tổng số người mắc. Một số vụ NĐTP lớn xảy ra ở Sóc Trăng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc.
Một số nguyên nhân dẫn đến NĐTP là do điều kiện thời tiết nắng nóng tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn lây bệnh, nhất là vi khuẩn đường ruột; một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác ATTP; nhận thức, ý thức của một số người dân về ATTP, phòng chống NĐTP chưa tốt; một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm các quy định về ATTP; công tác quản lý về ATTP còn buông lỏng;…
Tại tỉnh Bắc Giang, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 236 đoàn/tổ kiểm tra về ATTP, tiến hành kiểm tra, hậu kiểm hơn 4.000 cơ sở thực phẩm. Qua kiểm tra, tỷ lệ cơ sở đạt 89,5%, 423 cơ sở còn tồn tại về ATTP, xử lý phạt tiền 58 cơ sở với gần 164 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị. Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không có vụ NĐTP xảy ra.
Tham luận tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATTP, phòng chống NĐTP như: Thực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án chỉ đạo liên ngành về ATTP xử lý, điều tra khắc phục NĐTP trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức thực hiện khám sàng lọc, phân loại, điều trị, cấp cứu cho các bệnh nhân NĐTP; các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm và phối hợp liên ngành trong công tác điều tra, xử lý, nhất là trong công tác truy xuất nguồn gốc nguyên liêu, thực phẩm.
Để bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP trong thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành Y tế điều tra nguyên nhân khi có các vụ NĐTP xảy ra. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới; các văn bản của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý NĐTP.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATTP, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo điều kiện ATTP trong các khâu chế biến. Đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa NĐTP, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp… góp phần hạn chế thấp nhất số vụ NĐTP./.
Diệu Hoa