Ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Ảnh minh họa |
Công điện nêu rõ, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng; Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng; lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Để tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng được giao tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, Công điện số 1426/CĐ-TTg, Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các công văn số 1035/VPCP-KTTH, 1696/VPCP-KTTH và các văn bản có liên quan.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trong tháng 3/2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức…; tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý phù hợp quy định, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/3/2024.
Thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3/2024.
Ngoài ra, chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng….
Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý thị trường vàng, kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo TTXVN