BẮC GIANG – Những ngày này, vùng quê cách mạng xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) như rộn ràng hơn. Trên cánh đồng ở thôn Cẩm Hoàng và một số khu vực lân cận, những vườn đào đang rực rỡ khoe sắc đón xuân về.
Nông dân Xuân Cẩm chăm sóc đào Tết. |
Chừng hơn chục năm trước, một số người dân Xuân Cẩm sau thời gian đi làm thuê tại các vườn đào ở TP Hà Nội đã mang giống đào Nhật Tân về trồng trên đồng đất quê hương. Những tưởng chỉ trồng chơi, phục vụ tại chỗ nhưng không ngờ, sự thử nghiệm đó mang lại hiệu quả lớn. Với những bàn tay chăm sóc khéo léo, đào Nhật Tân cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu nơi đây, qua đó sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Và từ chỗ chỉ một vài hộ nhỏ lẻ trồng, 10 năm qua, Xuân Cẩm đã hình thành được vùng trồng đào “nức tiếng” với hơn 300 hộ tham gia, tổng diện tích trồng khoảng 40 ha. Trong số này, hơn 20 ha diện tích được duy trì thường xuyên, ổn định, tập trung chủ yếu ở thôn Cẩm Hoàng.
Đồng chí Nguyễn Quang Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Bên cạnh sự phù hợp với đồng đất, yếu tố quan trọng để vùng đào Xuân Cẩm phát triển mạnh là bởi phần lớn những hộ tham gia canh tác đều có thời gian dài làm tại nhiều vườn đào ở TP Hà Nội. Do vậy, họ thuần thục kỹ thuật chăm sóc, uốn thế, ghép mắt, cắt tỉa cành, phun tưới…”.
Ông Vũ Văn Tiến thực hiện kỹ thuật ghép cành cho cây đào. |
Như để minh chứng cho lời vừa nói, đồng chí đưa chúng tôi đi thăm những vườn đào ở thôn Cẩm Hoàng, nằm ngay phía chân đê. Thời điểm này, bên cạnh việc tiêu thụ, người dân nơi đây đang tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với những cây non, mới được ghép trong vườn. Được biết, trước Tết Nguyên đán khá xa, nhiều tiểu thương trong và ngoài tỉnh đã đến đây đặt cọc mua cây.
Đang chăm chú cắt gọt thân cây để tiến hành ghép cành, chuẩn bị cho các vụ đào sau, ông Vũ Văn Tiến – người có khoảng 200 cây đào tâm sự: “Người trồng đào cần phải có sự tỉ mỉ, khéo léo, biết quan sát lá, tính toán thời tiết để chia từng giai đoạn cho việc uốn tỉa, chăm sóc. Cùng đó, phun nước, phun thuốc đúng liều lượng…”. Đứng ở vườn đào bên cạnh, bà Trần Thị Bệ xen vào câu chuyện: “Những điều ấy được chúng tôi học tập, đúc rút, tích lũy từ quá trình làm thợ trong những vườn đào ở TP Hà Nội, từ đó truyền dạy cho nhau”.
Có lẽ chính bởi những kỹ năng này mà giờ đây, trong những vườn đào ở Cẩm Hoàng nói riêng và Xuân Cẩm nói chung không chỉ có những cây đào nguồn gốc từ Nhật Tân được nhân giống mà còn có rất nhiều cây lớn mà gốc cây được nhập từ các tỉnh vùng Tây Bắc. Những gốc đào này sau khi trồng tại vườn đào trong xã sẽ được ghép cành, tạo nên những tác phẩm đào Tết độc đáo, đẹp mắt và mang lại giá trị kinh tế cao.
Bà Trần Thị Bệ ở thôn Cẩm Hoàng thực hiện quy trình chăm sóc đào Tết. |
Theo anh Vũ Văn Quang, chủ vườn đào rộng khoảng 2,5 nghìn m2 với hàng trăm cây đào “khủng” ở thôn Cẩm Hoàng cho biết: “Các cây đào thế nhỏ hoặc những gốc đào sau hai năm ghép cành được bán với giá từ 400-500 nghìn đồng đến vài triệu đồng/cây tùy loại. Cá biệt có gốc lớn, cành được uốn nắn, tạo thành những thế đẹp và “khủng” có thể bán với giá từ 30-40 triệu đồng”.
Với giá trị lớn ấy, những năm qua, cây đào đã góp phần mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho hàng trăm gia đình trên địa bàn xã Xuân Cẩm, đặc biệt là ở thôn Cẩm Hoàng. Qua trao đổi với lãnh đạo UBND xã và với rất nhiều người dân nơi đây, mỗi vụ đào Tết, hộ có diện tích nhỏ, trồng ít cũng thu từ 60-70 triệu đồng; hộ trồng nhiều, cây lớn có thể thu từ 800 – 900 triệu đồng/vụ. Ngoài phục vụ nhân dân quanh vùng, mấy năm gần đây, đào Xuân Cẩm còn được các tiểu thương từ miền Trung, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An đặt tiền thu mua từ sớm.
Những gốc đào “khủng” ở vườn đào của anh Vũ Văn Quang được đưa lên chậu, chuẩn bị chuyển tới khách hàng. |
Trước sự mở rộng về quy mô, diện tích của vùng đào trong xã, những năm qua, UBND xã Xuân Cẩm đã có những định hướng để nghề trồng đào phát triển bền vững, giầu sức sống. Đồng chí Nguyễn Quang Liêm chia sẻ: “Chủ trương của xã trước mắt là duy trì diện tích trồng đào hiện có, nhất là những diện tích ổn định, không nằm trong các khu vực quy hoạch dự án phát triển công nghiệp của huyện. Chỉ đạo Hội Nông dân xã hình thành các tổ hội để tạo sự liên kết hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật. Đặc biệt, xúc tiến hoàn thiện hồ sơ thành lập Hợp tác xã trồng đào Xuân Cẩm”.
Được biết, để hình ảnh đào Xuân Cẩm lan tỏa rộng khắp, xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Đoàn thanh niên đang thực hiện các bước đưa sản phẩm đào Tết của xã lên sàn thương mại điện tử… Với những sự vào cuộc tích cực ấy, tin rằng vùng trồng đào Xuân Cẩm sẽ tiếp tục phát triển, giàu sức sống và sắc đào vùng quê cách mạng ngày càng thắm tươi.
Bài, ảnh: Quốc Trường