BẮC GIANG – Những ngày này cách đây 78 năm, cả nước ta sục sôi khí thế cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa. Đặc biệt, từ đầu tháng 8/1945, các tổ chức chính trị phản động và thân Nhật ráo riết chạy đua với phong trào cách mạng bằng các hoạt động mít tinh, diễn thuyết, diễu hành để lôi kéo quần chúng. Trong số đó, Tổng hội viên chức là một tổ chức của chính phủ bù nhìn tay sai thân Nhật, cũng ráo riết tổ chức một cuộc mít tinh ở Nhà hát lớn (Hà Nội) vào ngày 17/8 để gây thanh thế.
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Trước tình thế đó, Uỷ ban khởi nghĩa của Thành uỷ Hà Nội chủ trương “tương kế tựu kế”, biến cuộc mít tinh trên đây thành cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng. Các tổ chức đoàn thể cách mạng như: Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Hội phụ nữ cứu quốc… tích cực tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nổi bật hôm đó là việc một phụ nữ bước lên chiếm loa phóng thanh, cất giọng Huế diễn thuyết ủng hộ Việt Minh; tiếp đó là cuộc tuần hành thị uy của hàng chục vạn quần chúng trên các đường phố lớn ở Hà Nội từ trưa đến chiều tối ngày 17/8, được coi như “cuộc tổng diễn tập khởi nghĩa” tháng 8/1945. Người phụ nữ đó là Nguyễn Khoa Diệu Hồng, một “tiểu thư Việt Minh” thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt.
Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng sinh ra trong gia đình khoa bảng ở Huế. Hồi nhỏ bà học ở trường Lysée Khải Định, lớn lên dạy học ở trường Đồng Khánh (Huế). Năm 1930 vì tham gia Đoàn học sinh yêu nước, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Trường Thi (Nghệ An) nên bà bị bắt giam 3 tháng ở lao Thừa Phủ. Tại đây bà được nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Quang Thái (em ruột đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai) giác ngộ cách mạng.
Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng – người diễn thuyết tại cuộc mít tinh biểu dương lực lượng cách mạng ở Nhà hát lớn (Hà Nội), tháng 8/1945. |
Nhờ có người chú ruột là ông Nguyễn Khoa Tân làm Thượng thư Bộ Hộ trong triều đình tác động nên bà được tha tù nhưng phải đổi ra Thanh Hoá dạy học. Từ đây bà bắt liên lạc được với ông Võ Đức Huề (tức đồng chí Trần Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng sau này) là đảng viên cộng sản đang lãnh đạo phong trào ở Thanh Hoá. Tháng 3/1945, sau khi Nhật hất cẳng Pháp, đồng chí Huề chỉ thị cho bà ra Hà Nội hoạt động trong phong trào trí thức yêu nước. Bà đã bắt liên lạc được với các ông Chu Văn Tích, Trần Lâm là những cán bộ của Đảng Dân chủ trong Mặt trận Việt Minh…
Cách đây 23 năm, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2000) tôi đến thăm bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng tại nhà riêng ở số 4 Lý Đạo Thành- Hà Nội. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong bà vẫn vẹn nguyên cảm xúc mỗi khi kể về giây phút bước lên chiếm diễn đàn cuộc mít tinh hôm ấy.
Bà kể: “Tôi được giao nhiệm vụ khi nào anh Trần Lâm (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh – Truyền hình) buông lá cờ đỏ sao vàng từ bao lơn tầng 2 của Nhà hát trùm xuống tiền sảnh thì tiến lên chiếm diễn đàn hô hào quần chúng ủng hộ Việt Minh, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Khi sự việc diễn tiến đúng như vậy thì vì xúc động quá, tôi luống cuống làm đổ chiếc micro.
Đang loay hoay không biết sửa thế nào thì một đại biểu của Tổng hội viên chức vội chạy đến nhặt máy, sửa dây, thử tiếng… rồi trao cho tôi. Thì ra họ cũng đã ngả về phía cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Phút chốc, tôi bỗng thấy mình bình tĩnh, tự tin vì biết bên cạnh có hàng vạn đồng bào, đồng chí đang sát cánh sẵn sàng nhất tề đứng dậy…”
“Một quả núi to phải nhìn từ nhiều phía mới thấy hết tầm vóc to cao. Một cuộc cách mạng vĩ đại cũng vậy, phải từ nhiều góc độ phản ánh mới thấy rõ tầm vóc vĩ đại của cuộc cách mạng ấy…”. Ông Phạm Khắc Hòe đã viết như vậy trong cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” của ông. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1987 và đã được tái bản nhiều lần. Ông Phạm Khắc Hòe là Đổng lý ngự tiền văn phòng của triều đình Huế.
Ông là một đại thần được giác ngộ cách mạng, đã tích cực tác động góp phần thúc đẩy sự sụp đổ từ bên trong của chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia Đoàn đại biểu Chính phủ ta dự Hội nghị đàm phán với chính phủ Pháp tại Đà Lạt và Phông-ten-nơ-blô, nhiều năm ông là cán bộ cấp vụ trưởng của Bộ Nội vụ và Phủ Thủ tướng, nhiều khóa liên tục là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…
Trong hồi ký trên đây, ông Phạm Khắc Hòe kể: Tháng 9/1945, sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, ông được mời ra Hà Nội. Trên đường ra đến Vinh, ông gặp ông Nguyễn Tạo, Trưởng ty Công an Nghệ An, là người cùng làng. Ông Tạo đã lấy ô tô cơ quan chở ông Hòe về thăm nhà một đêm, cách Vinh 16 cây số. Sáng hôm sau xe trở ra Vinh thì một cán bộ xã vốn là người họ hàng của cả ông Hòe và ông Tạo đã lệnh cho dân quân giữ xe lại, lập biên bản gửi lên Ủy ban hành chính tỉnh, đề nghị phê bình kiểm thảo hai ông đã dùng xe công làm việc riêng.
Tuy bị “rầy rà” nhưng ông Phạm Khắc Hòe rất vui và cảm kích! Một “việc nhỏ” trên đường thiên lý nhưng đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong những ngày đầu tham gia cách mạng của vị đại thần nhà Nguyễn. Bài học “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng” ấy càng củng cố quyết tâm của ông đi theo Cụ Hồ để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Một trong những bài học thắng lợi quan trọng nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là Đảng ta đã huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để chớp lấy thời cơ; trong đó có sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, kết hợp với sức mạnh của thời đại để phát động khởi nghĩa vũ trang. |
Một trong những bài học thắng lợi quan trọng nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là Đảng ta đã huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để chớp lấy thời cơ; trong đó có sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, kết hợp với sức mạnh của thời đại để phát động khởi nghĩa vũ trang.
Bài học ấy bắt nguồn từ bản chất văn hóa của Đảng ta và của cách mạng; bởi Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện mang ý nghĩa nhân văn, với mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc cho mọi người và mọi nhà… Mục tiêu trên đây chính là bản chất văn hóa của sự nghiệp cách mạng, được tỏa sáng từ mùa Thu lịch sử năm 1945!
Sau này, trong hồi ký cũng như qua chuyện trò, ông Phạm Khắc Hòe, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng và nhiều nhân sĩ, trí thức đi theo cách mạng hồi đó đều thừa nhận: Thoạt đầu họ không hiểu Việt Minh là một tổ chức như thế nào. Nhưng khi biết lãnh tụ của Việt Minh chính là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thì họ tin tưởng đi theo.
Đặc biệt là khi thấy Việt Minh khởi nghĩa vũ trang, lật đổ triều đình, nhưng kinh thành Huế vẫn được giữ nguyên vẹn, toàn bộ Hoàng gia cũng như gia tộc các quan lại triều đình đều được bảo toàn, nhiều người còn được trọng dụng trong bộ máy chính quyền cách mạng… thì họ hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, nhiệt thành ủng hộ và hăng hái tham gia.
Có thể nói, sự vĩ đại, sức hấp dẫn, sức cảm hóa của Việt Minh, của Cụ Hồ là vô cùng kỳ diệu. Nhờ đó mà cách mạng đoàn kết rộng rãi toàn dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng toàn dân, kết tinh được trí tuệ và sức mạnh toàn dân. “Sức hút” của Việt Minh bắt nguồn từ đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Mai Nam Thắng
Cách mạng Tháng Tám và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khi đánh giá sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả những nhà sử học ở “phía bên kia” cũng đều thừa nhận, Người là một vĩ nhân, không chỉ với người Việt mà với cả thế giới. Đặc biệt là trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với hai bàn tay trắng mà Người vẫn lãnh đạo nhân dân giành chính quyền từ tay đế quốc, phong kiến.
tin tức bắc giang, bắc giang, việt minh, tổng khởi nghĩa, cách mạng tháng tám, đảng viên cộng sản, khởi nghĩa vũ trang, khởi nghĩa giành chính quyền