Sáng 26/01, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả 2 năm triển khai, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án 06); triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ công tác Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị. Dự họp trực tiếp tại điểm cầu tỉnh có các thành viên Tổ công tác; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn.
Sau 2 năm triển khai Đề án 06, Tổ công tác đã tham mưu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06. Toàn tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác Đề án cấp tỉnh; 10 tổ công tác cấp huyện, 209 tổ công tác cấp xã; 2.119 tổ công tác cấp thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Danh mục 241 thủ tục hành chính (TTHC) cắt giảm thời hạn giải quyết của các đơn vị sở, ngành cấp tỉnh; 31 TTHC cắt giảm thời hạn giải quyết của UBND cấp huyện; 5 TTHC cắt giảm thời hạn giải quyết của UBND cấp xã.
Kết thúc năm 2023, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 3 cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Dịch vụ công thiết yếu tiếp nhận 503.788 trường hợp, trong đó nộp trực tuyến 467.113 trường hợp, đạt 92.72%.
Tính đến ngày 21/6/2023, tỉnh đã thu nhận hồ sơ, cấp căn cước công dân (CCCD) trên 1,5 triệu công dân, hoàn thành sớm trước 40 ngày thời hạn Bộ Công an giao, đạt 100% công dân đủ điều kiện.
Về công tác bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% việc số hóa 10.085 sổ hộ tịch, tương ứng 1.823.217 hộ tịch; ký số tích hợp được dữ liệu 451.541 thửa đất của 6/10 huyện, thành phố. Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp với các đơn vị làm sạch 795.995 dữ liệu bảo hiểm; đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) của 1.719.964 người tham gia BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư, đạt 97% tổng số người tham gia BHXH, BHYT trong toàn tỉnh. Hoàn thành xây dựng, cập nhật dữ liệu trên 42.000 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh để quản lý tập trung.
Toàn tỉnh hiện có 255/255 cơ sở thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD, đạt 100%. Triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, có 24/24 cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với số tiền hơn 349 tỷ đồng, tương ứng 90,42%; đóng học phí không dùng tiền mặt trên 171,9 tỷ đồng; thanh toán phí dịch vụ công trực tuyến 852,9 triệu đồng, đạt tỷ lệ 100% thanh toán phí trực tuyến.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời làm rõ những nguyên nhân của khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt Đề án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đánh giá cao công tác tham mưu tích cực, chủ động của Công an tỉnh và Sở Thông tin Truyền thông; sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng công an, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ công nghệ cộng đồng tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ chính của tổ công tác Đề án 06 tỉnh năm 2024 là số hóa dữ liệu, trong đó tập trung số hóa dữ liệu đất đai; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đối với các đơn vị, địa phương điều chỉnh, phân loại đơn vị hành chính, cần tập trung điều chỉnh dữ liệu dân cư, thay đổi căn cước.
Bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong báo cáo, đồng chí Mai Sơn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện Đề án, trong đó Trưởng Công an các cấp là người trực tiếp tham mưu, triển khai trên địa bàn.
Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nhân lực chuyên trách có chuyên môn, trình độ về công nghệ thông tin, đặc biệt là ở những địa bàn còn thiếu nhân lực. Cần tuyển đúng, tuyển đủ theo nhu cầu thực tế địa phương.
Tập trung xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể; quan tâm bố trí nguồn lực, đầu tư thiết bị như máy scan, camera… giúp tiết kiệm nhân sự, nâng cao hiệu quả công việc. Huy động sự vào cuộc của các đoàn thể, vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực thực hiện Đề án. Đồng thời làm tốt công tác nghiên cứu đánh giá mô hình hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng.
Đồng chí đề nghị Công an tỉnh nghiên cứu xây dựng những clip ngắn gọn hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, trong đó có tính năng tố giác tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng, không để đề xuất thiếu, chậm muộn các cá nhân, tập thể có thành tích tốt. Đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác đề xuất khen thưởng trong thời gian qua.
Tại hội nghị, có 22 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 12 tập thể, cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06./.
Trần Khiêm