(BGĐT) – Để định hướng, hỗ trợ hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh chuyển đổi số vào các mặt công tác, nhất là quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp và bước đầu cho hiệu quả tích cực.
Quản lý, điều hành thuận tiện
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 – 2025”. Liên minh HTX tỉnh làm nòng cốt thực hiện. Đề án được xem là “đòn bẩy” kích hoạt chuyển đổi số trong HTX.
Kết quả nổi bật là Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng được phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bước đầu có 8 HTX với gần 100 thành viên được thiết lập tài khoản.
Lĩnh vực hoạt động của các đơn vị gồm trồng cây ăn quả; trồng, chế biến sản phẩm từ cây dược liệu; sản xuất rau, hoa các loại trong nhà màng; chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; sản xuất, tiêu thụ mì ống, mỳ sợi và các sản phẩm tương tự.
Anh Nguyễn Trí Thức, HTX rau sạch Mỹ Thái cập nhật các khâu sản xuất dưa kim hoàng hậu lên phần mềm quản lý, điều hành HTX. |
HTX Rau sạch Mỹ Thái (Lạng Giang) là 1 trong 8 đơn vị tham gia. HTX có khoảng 3 ha nho, dưa chuột, dưa sữa, dưa kim hoàng hậu, rau theo mùa. Anh Nguyễn Trí Thức, Giám đốc HTX chia sẻ, trước đây anh thường quản lý, theo dõi sự phát triển của cây, hoạt động chăm sóc, thu hoạch, nắm bắt thị trường, doanh thu, lợi nhuận… bằng cách ghi chép vào sổ sách nên có lúc không kịp thời, chính xác, khó lưu giữ, thống kê. Mặt khác, khách hàng chưa có kênh để theo dõi từng khâu sản xuất nên tính minh bạch, độ tin tưởng chưa cao.
Tháng 1/2023, anh Thức được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, điều hành HTX, đến nay đã sử dụng thành thạo. Trên hệ thống, anh cập nhật diện tích canh tác, thời gian trồng, dự kiến thu hoạch. Mọi công đoạn như làm đất, gieo trồng, vun xới, bón phân, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch đều được anh chụp ảnh, cập nhật đầy đủ, thường xuyên lên hệ thống. “Số hóa hoạt động sản xuất, điều hành HTX đã thay thế cách quản lý truyền thống, giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Các khâu được theo dõi chặt chẽ, kịp thời. Sản phẩm sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường, khách hàng”, anh Thức nói.
Ngoài liên kết tiêu thụ với HTX rau sạch Yên Dũng, mới đây, HTX rau sạch Mỹ Thái còn mở rộng thị trường tới nhiều đơn vị thu mua ở Hà Nội, Bắc Ninh. Được biết, 6 tháng đầu năm nay, HTX thu hơn 5 tấn nho hạ đen, gần 52 tấn dưa các loại; doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, trừ chi phí, HTX lãi khoảng 1,5 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022).
HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến sâu các sản phẩm từ thịt lợn. Khi tham gia đề án, HTX từng bước cập nhật, hoàn thiện các dữ liệu trên phần mềm để tối ưu hóa công tác quản lý, giới thiệu sản phẩm. Phần lớn đơn hàng đều được tổ sản xuất “chốt đơn” trên hệ thống, sau đó chuyển đến tổ giết mổ, chế biến, bảo đảm tính kịp thời, không có sự nhầm lẫn. HTX có 7 thành viên, đa số trẻ tuổi, có hai người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán và quản trị văn phòng nên dễ dàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng hành cùng HTX
Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX nhấn mạnh, Đề án được thực hiện sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của HTX, giảm rủi ro, hao hụt, tăng hiệu suất công việc; hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh thống kê, dự báo xu hướng sản xuất, sản lượng; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; làm cơ sở để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phong trào khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Thực tế cho thấy, Đề án đã có sức lan tỏa vì nhiều đơn vị đăng ký bổ sung, tự chủ kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu.
Cán bộ Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn thành viên HTX Sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành xã Việt Lập (Tân Yên) sử dụng phần mềm quản lý, điều hành HTX. |
Được biết thông qua những con số biết nói trong phần mềm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tư vấn phân tích, nghiên cứu thị trường, xác định mục tiêu, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho HTX sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh xã Trường Sơn (Lục Nam). Nhận thấy trồng cây dược liệu là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững, HTX này quyết định sẽ mở rộng diện tích thêm 10 ha trồng cây trà hoa vàng trong năm 2023, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng giá trị sản phẩm.
Hiện Liên minh HTX tỉnh đang hoàn tất thủ tục để hỗ trợ các HTX trong Đề án đấu thầu, mua hệ thống giám sát quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm đến nhà phân phối và người tiêu dùng (hệ thống điều khiển trung tâm; hệ thống camera giám sát, quản lý chất lượng, bộ thu thập dữ liệu và truyền thông…). Mục tiêu đến năm 2025, những HTX trước khi tham gia thực hiện Đề án được đánh giá hoạt động trung bình thì sau khi thực hiện phấn đấu đạt loại khá trở lên; những HTX trước khi thực hiện Đề án đạt loại khá thì sau khi thực hiện Đề án sẽ được đánh giá đạt loại tốt.
Toàn tỉnh có hơn 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 10% tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn. Việc ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới; hệ thống tưới tự động, đo độ ẩm, nhiệt độ… Số hóa trong khâu quản lý, điều hành đã có nhưng chưa đồng bộ, phủ sóng rộng rãi, một số thành viên HTX tuổi cao nên khả năng tiếp thu, cập nhật công nghệ hạn chế. Phần mềm hỗ trợ quản lý, điều hành HTX nhìn chung đã phát huy tính hiệu quả nhưng đặc thù lĩnh vực chăn nuôi khác với trồng trọt, thủy sản, trồng rừng nên cần điều chỉnh một số nội dung, tính năng sao cho phù hợp.
Khắc phục khó khăn, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý, điều hành; phối hợp triển khai thực hiện các chính sách thu hút lao động trẻ về làm việc tại HTX; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Số hoá vùng trồng cây ăn quả: Tiện quản lý, rõ nguồn gốc nông sản
(BGĐT) – Sau hơn một năm thực hiện đề án hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững cây ăn quả, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang đã số hoá được 129 vùng sản xuất tập trung (SXTT). Năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) số hoá thêm 80 vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
(BGĐT) – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 148/UBND-NC ngày 12/1/2022 yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.
Công nghệ thông tin, áp dụng, số hóa, công tác, quản lý, điều hành, hợp tác xã, thu nhập, nâng cao